Hiệp Hội Doanh Nghiệp Thành Phố Hà Nội - Số 445 Đội Cấn - Ba Đình - Hà Nội - Tel: (024)3.7674454 - 2.2122725 / Fax: (024)3.7674453 / E-mail: hba@hba.vn
Ông giám đốc mê thuốc lào    11/2/2009 3:56:42 PM
Thanh minh cho cái sự mê thuốc lào, Giám đốc Công ty TNHH Kim Việt - Phạm Việt Trung cười ngượng nghịu: “Tôi lây cái sự thoải mái của anh em công nhân giữa giờ giải lao hay những lúc buổi tối ấy mà. Giờ, cứ làm một “bi”, xong “rúc” vào ngủ cùng mấy ông thợ, vẫn thấy sướng”.
“Là do tôi tham làm giàu”

Mẹ tôi đấy.

Vâng, tôi vừa nói chuyện với cụ một chút trong lúc chờ anh...

Các con làm cho cụ già đi rất nhiều. Nếu cụ chỉ có 1, 2 người con ngoan ngoãn một chút thì có lẽ cụ đỡ hơn.

Nghĩa là sao anh?

Mẹ tôi có 6 người con. Đối với cụ, cả những đứa con tóc đã bạc, có ngoan đến đâu thì cũng vẫn còn bé xíu và vẫn cứ hư, vẫn chưa hoàn hảo. Cụ vẫn cứ phải dạy, từng li từng tí.

À, tôi cứ tưởng anh...

 
 

Tôi hư thật. Gia đình tôi từ bố mẹ đến các anh em đều công tác trong ngành giáo dục. Riêng tôi, chả hiểu thế nào lại có máu kinh doanh từ nhỏ. Thời học trường Kiến trúc, tôi là sinh viên đầu tiên mang đồ nghề đi chữa xe. Rồi đi làm bánh phở, đi chế vàng, buôn xích líp, nấu rượu... Nhiều lắm.

Vậy kết quả của “buổi đầu kinh doanh” đó như thế nào?

Bị đuổi học. Do mải tập làm kinh doanh quá. Sự học lúc bấy giờ dở dang. Sau này tôi mới tốt nghiệp đại học.

Dở dang là do...?

Là do tôi tham làm giàu. Thời đấy khổ lắm. Mang một con gà từ quê ra, thì bị hỏi. Mang 3 con gà thì bị bắt.

Trông anh nhỏ con thế này mà cũng làm được giám đốc. Anh có bao giờ buồn phiền về cái sự nhỏ con của mình?

Thời đi học, thầy cô chiều mình lắm, có lẽ tại mình nhỏ con. Mình thấy thế rất thích, lại làm nũng các thầy. Bây giờ vẫn còn hay làm nũng đấy, làm nũng mẹ, nũng vợ. Thế là mẹ với vợ có bực đến đâu cũng không “xử lí” được (cười).

Phạm Việt Trung sinh năm 1960 tại Lò Đúc, Hà Nội, lớn lên và trưởng thành tại Phúc Yên, Vĩnh Phúc. Trong số 3.000 doanh nhân của tỉnh Vĩnh Phúc, anh là 1 trong 36 doanh nhân được UBND tỉnh tặng bằng khen.
“Chưa ai làm thì mình mới cần làm”

Anh đã “lêu têu” buôn chui bán lủi bao lâu? Anh có vào cơ quan nhà nước nào không?

Tôi vào Công ty Cấp thoát nước I Hà Nội làm công nhân trên sông Đà từ những năm 1984, 1985. Nhưng trong người vẫn bừng bừng máu kinh doanh. Năm 1986, mở cửa một cái, tôi về luôn. Về đi buôn. Buôn gỗ. Mà có biết tí gì về gỗ đâu. Sau đó chả biết gì về mộc cũng mở xưởng mộc. Nghĩ đơn giản là người ta làm được sao mình không làm được. Đêm thì nằm tự nghĩ ra mẫu mã. Thợ cứ bảo: “Mẫu của ông chưa ai làm”. Mình bảo: “Chưa ai làm thì mình mới cần làm”.

Thế mấy cái mẫu mộc anh tự nghĩ ra đấy có tiêu thụ được không?

Có chứ. Bán “ác” là đằng khác. Rất đắt hàng. Khách hàng đến đặt hỏi tôi: “Thế Trung ơi, hàng Trung làm liệu có đẹp không hả Trung?”. Tôi vác giấy bút ra làm luôn cái cam kết. Cam kết sẽ đẹp nhất phố. Rồi đẹp nhất thật. Sau đó, người nọ mách người kia đến.

Con người là hạt giống

Bây giờ công ty anh làm những gì?

Bây giờ thì vẫn làm gỗ (nội thất), làm viễn thông, giao thông thủy lợi, xây dựng dân dụng, hệ thống cấp thoát nước.... Nói ra thì dài tới nửa trang!

Tôi vẫn chưa hiểu anh làm thế nào với những công việc không thuộc chuyên môn của anh?

Nếu nói giám đốc chỉ biết chuyên môn thì không phải là một giám đốc. Mình phải sử dụng đúng và hợp lí năng lực của từng nhân viên của mình. Quan trọng nhất là đồng vốn mình bỏ ra, phải làm sao để nhân viên của mình coi đó chính là vốn của họ.

Bằng cách nào?

Con người không khác gì hạt giống. Sinh ra lớn lên trưởng thành còn tuỳ thuộc vào mảnh đất, phụ thuộc lẫn nhau. Hạt giống tốt, gieo trên mảnh đất tốt, màu mỡ phì nhiêu thì khỏi phải nói, gieo trên mảnh đất xấu vẫn lên nhưng cằn cỗi, gieo trên mảnh đất chết thì không lên được. Còn hạt giống xấu, có gieo trên mảnh đất tốt đến đâu cũng vẫn lắt lay, không bao giờ cho hoa thơm trái ngọt được.

Ý anh là công ty anh chính là mảnh đất tốt?

Và tôi cần hạt giống tốt...

Không cho phép mình vỡ nợ

Quan trọng nhất với một doanh nghiệp là gì? Một ông giám đốc giỏi?

Tất nhiên. Nhưng một ông giám đốc giỏi chưa phải là tất cả. Quan trọng là nguồn vốn của doanh nghiệp. Có tiền thì phải biết sắp xếp, xử lí nguồn vốn. "Tay không bắt giặc" thời buổi này thì tôi khẳng định luôn là không có.

 
 

Từ ngày anh làm doanh nghiệp, thất bại nặng nề nhất là gì?

Là vỡ nợ. Tôi vỡ nợ mười mấy lần. Cứ vỡ, lại làm, làm thì phải chấp nhận có khi vỡ. Nhưng đến giờ này, tôi không cho phép mình vỡ nợ nữa.

Tôi hỏi nhỏ điều này, được biết anh từng cầm micro nói “nhem nhẻm” ở công viên, với vai trò ông chủ trò chơi trúng thưởng. Nghe nói, trò này là bịp bợm?

(Cười phá lên) Tôi khẳng định luôn là không có bịp bợm gì ở trò này. 1.200đ/vé/lượt, mỗi lượt nhanh lắm, chỉ chừng 1 phút. Tôi lời luôn 200đ/lượt. Thế thì có gì mà phải bịp. Ai trúng thì trúng chứ. Ai trúng tôi cũng vẫn lời 200đ cơ mà. Nhưng những trò xanh chín, như trò tôm cua cá hay xóc đĩa, thì có thể có. Bây giờ công nghệ bịp của mấy trò này cao. Tôi cũng không quan tâm đến nên không biết.

Cảm ơn anh.

  
tác giả Bảo Ngọc (thực hiện) / Bee.net.vn 

Ký kết Thỏa thuận hợp tác giữa Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hà Nội (HBA) và Hội Doanh nhân người Việt Nam (ASSOEVI) tại Italia, ngày 17/09/2012.
Hình ảnh nổi bật
HBA làm việc với các Sở chức năng của Hà Nội