Hiệp Hội Doanh Nghiệp Thành Phố Hà Nội - Số 445 Đội Cấn - Ba Đình - Hà Nội - Tel: (024)3.7674454 - 2.2122725 / Fax: (024)3.7674453 / E-mail: hba@hba.vn
Chủ động đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu    6/11/2009 10:04:50 AM
Những ảnh hưởng của tình trạng biến đổi khí hậu đang tác động tới Việt Nam ngày càng rõ rệt. Nghiên cứu mới nhất của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xác định trong 50 năm qua, nhiệt độ trung bình hằng năm ở Việt Nam đã tăng khoảng 0,7 độ C và mực nước biển đã dâng cao 20cm.

Chủ động đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu

Những ảnh hưởng của tình trạng biến đổi khí hậu đang tác động tới Việt Nam ngày càng rõ rệt. Nghiên cứu mới nhất của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xác định trong 50 năm qua, nhiệt độ trung bình hằng năm ở Việt Nam đã tăng khoảng 0,7 độ C và mực nước biển đã dâng cao 20cm.

727164029_bang

Trái đất nóng lên làm tan băng
ở hai cực trái đất - nguyên nhân
làm nước biển nâng cao.

Các hiện tượng như El-Nino, La-Nina ngày càng tác động mạnh mẽ đến Việt Nam. Tác động tiêu cực của những biến đổi đó, là rất to lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, đe dọa an ninh lương thực và làm mất đi hiệu quả của những nỗ lực xóa đói, giảm nghèo...

Những cảnh báo đáng lo ngại

Tại Việt Nam, các nhà khoa học trong và ngoài nước đã có nhiều công trình nghiên cứu khẳng định, Việt Nam sẽ là một trong những nước sẽ chịu tác động mạnh mẽ nhất của biến đổi khí hậu. Theo tính toán, đến năm 2100, nếu thế giới không tích cực có giải pháp hạn chế hiệu ứng nhà kính và nhiệt độ Trái đất nóng thêm 2 độ C thì chắc chắn ở Việt Nam nước biển sẽ dâng lên chừng một mét. Trong trường hợp này, 3/4 đồng bằng sông Hồng và sông Cửu Long - hai vựa lúa lớn nhất của Việt Nam sẽ bị ngập, sản lượng lương thực của chúng ta bị mất ít nhất 10% và khoảng 10% dân số Việt Nam sẽ mất công ăn việc làm.

Các kết quả đo đạc, quan trắc cho thấy, trong vòng 50 năm qua (1958-2007) nhiệt độ trung bình năm của Việt Nam đã tăng lên từ 0,5 đến 0,7 độ C. Ðiều đó không chỉ thể hiện sự ấm lên về nhiệt độ mà sẽ kéo theo nhiều thứ như nước biển dâng, hiện tượng khí hậu cực đoan và thiên tai bão, lụt, hạn hán tăng nhanh... Ðiều này được thể hiện rõ qua hiện tượng bão lụt xảy ra liên tiếp những năm gần đây.

Do tác động của biến đổi khí hậu, hiện tượng triều cường trong 20 - 30 năm trước đây ít gặp ở Việt Nam, nhưng hiện tại đã xảy ra thường xuyên và diễn biến rất phức tạp tại vùng Trung Trung Bộ, đồng bằng sông Cửu Long và TP Hồ Chí Minh. Tại TP Hồ Chí Minh, triều cường đạt mức đỉnh trong vòng 50 năm qua, là minh chứng rõ nét nhất cho hệ quả tất yếu của biến đổi khí hậu. Hiện tượng xâm nhập mặn vào sâu trong đất liền tại các tỉnh miền Ðông Nam Bộ trong thời gian qua cũng ngày càng trầm trọng. Thống kê của Bộ NN - PTNT cho thấy, tại khu vực phía nam, nhiều nơi mực nước biển đã dâng cao hơn 20 cm so với trước đây và người dân phải đắp kè ngăn nước biển để tự bảo vệ. Các nghiên cứu khoa học của Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và môi trường - tại nhiều khu vực, trong đó có TP Hồ Chí Minh và Vũng Tàu đã cho thấy, từ năm 1960 đến nay, nhiệt độ ở đây đã tăng lên 20 độ C. Tại nhiều khu vực như Bến Tre - trước đây chưa bao giờ có bão, nhưng năm 2007 đã có bão. Do biến đổi khí hậu, ô nhiễm mặn đã tăng lên khoảng 20% so với trước đó 10 năm. Các huyện ven biển tỉnh Nghệ An thời gian gần đây đang bị nước biển xâm lấn đến mức báo động. Nhiều xã nằm cách bờ biển từ 5 đến 10 km, đã và đang bị nước mặn tiến công.

706676844_i70_162036

Không chỉ những vùng nằm sát biển bị ảnh hưởng bởi nước biển dâng mà ngay cả vùng nằm rất sâu trong đất liền cũng hứng chịu. Dù địa hình ở miền bắc cao hơn Nam Bộ nhưng ở các đầm hồ trong đất liền hay những vùng "chiêm khê, mùa thối" sẽ bị nhiễm mặn do nước biển dâng, nước trong vùng trũng khó thoát ra ngoài và lớp địa tầng đá vôi ngấm nước sâu rộng sẽ khiến cho sự xâm thực nước mặn trở nên rộng và sâu. Ðiều đó sẽ ảnh hưởng xấu tới đa dạng sinh học, nhiều loài có ý nghĩa kinh tế, khoa học sẽ chết hoặc di cư. Các vùng nước ngọt giảm sẽ dẫn đến tình trạng thiếu nước sinh hoạt và sản xuất, nhất là các vùng lúa nước. Ở đồng bằng sông Cửu Long từ năm năm gần đây, nước mặn càng ngày càng xâm nhập sâu vào trong nội địa, có chỗ 40 - 60 km thậm chí còn hơn nữa đem theo nhiều giống như dừa nước, mái dầm, bần chua... lấn sâu vào theo dòng sông, vào cả kênh rạch nhất là khu vực sông Tiền, sông Hậu. Không những ngập mặn làm giảm năng suất cây trồng mà còn giảm diện tích đất nông nghiệp. Những động, thực vật vùng nước ngọt sẽ bị đẩy sâu hơn vì không chịu được điều kiện mặn. Ngay cả rừng tràm là rừng nước ngọt, bây giờ do nước biển dâng, nhiều vùng như huyện Trần Văn Thời, U Minh ở Cà Mau, tràm đã phải sống trong nước lợ, tốc độ sinh trưởng chậm, đời sống sinh học của cây biến đổi hẳn.

Nghiên cứu mới đây của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, nếu nước biển dâng cao 1 m, có tới 27% sinh cảnh tự nhiên quan trọng, 33% khu bảo tồn, 23% khu vực có sự đa dạng sinh học chính của Việt Nam bị tác động. Nhất là khi nhiệt độ tăng lên 1 độ C thì san hô chết từng chòm, nếu nhiệt độ tăng lên 2 độ C thì san hô chết hàng loạt. Khi các rạn san hô chết, ảnh hưởng kinh tế - môi trường của nó là rất lớn, bởi bên cạnh giá trị kinh tế lớn, san hô được coi như sinh vật chỉ thị nhiệt độ, là cánh rừng nhiệt đới của đại dương. Theo đánh giá của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) về mức thiệt hại trung bình do biến đổi khí hậu gây ra đối với bốn nước gồm In-đô-nê-xi-a, Phi-li-pin, Thái-lan và Việt Nam, có thể tương đương 6,7% tổng giá trị GDP hằng năm của các nước này vào năm 2100, tức là gấp đôi mức thiệt hại trung bình trên thế giới. Do tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, nếu Việt Nam không nhanh chóng xây dựng và nâng cấp hoàn chỉnh hệ thống đê biển để ứng phó, thì hằng năm có đến 40.000 km2 vùng ven biển sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề, thiệt hại về tài sản lên tới 17 tỷ USD...

Chủ động với biến đổi khí hậu

Với hơn 3.000 km bờ biển, Việt Nam được coi là quốc gia có mức độ dễ bị tổn thương cao hơn trước sự biến đổi khí hậu. Ðể đối phó với hiện tượng biến đổi khí hậu, Việt Nam đã tham gia và phê chuẩn công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu như Nghị định thư Ky-ô-tô, cơ chế phát triển sạch.... Việt Nam đang nghiên cứu và từng bước thực hiện những dự án để tiến tới một dự án tổng thể về thích ứng với biến đổi khí hậu. Chính phủ Việt Nam đã khẳng định, việc phòng, chống, kiểm soát và giảm thiểu hậu quả của thiên tai là một trong những mục tiêu ưu tiên. Thực tế trong công tác phòng, chống thiên tai, nếu như trước đây chúng ta chỉ chú trọng phòng và khắc phục hậu quả, thì gần đây đã có sự chuyển hướng trong việc thích ứng và tìm biện pháp phòng ngừa, giảm nhẹ hậu quả thiên tai. Cụ thể là chương trình sống chung với lũ ở đồng bằng sông Cửu Long và mới đây Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành liên quan nghiên cứu giải pháp thích ứng với lũ ở miền trung...

Cơ quan phát triển LHQ - UNDP đã nhận định, để giảm thiểu những tác động của biến đổi khí hậu, ngay từ bây giờ, Việt Nam cần phải có ngay các biện pháp ứng phó và thích ứng với biến đổi khí hậu. Có nhiều loại ảnh hưởng được các chuyên gia đề cập: sự xâm thực ngày càng tăng của nước mặn vào các ao nước ngọt và cánh đồng lúa; ngập lụt và lũ quét trong suốt mùa mưa; vấn đề thoát nước của các con sông và nước mưa trong khi thiếu nguồn cung cấp nước sạch; mất đất canh tác và đất ở; di cư hàng loạt của cư dân ở vùng đồng bằng lên vùng cao; mất mùa; phá hủy hệ thống cơ sở hạ tầng, làm mất và phá hủy hệ thống đa dạng sinh học bao gồm rừng ngập mặn, các loài sinh vật biển và đất trồng, v.v. Cùng với các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính như hạn chế sử dụng nhiên liệu hóa thạch, đẩy mạnh sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, thực hiện tiết kiệm năng lượng, Việt Nam cần xây dựng các chương trình quốc gia để chống, giảm nhẹ  tác hại của biến đổi khí hậu.

Theo các nhà khoa học, chúng ta nên tập trung nghiên cứu các biện pháp thích nghi và thích ứng của cây trồng, vật nuôi và kết hợp với phòng, chống và cải tạo tự nhiên. Kế hoạch và chiến lược phát triển nông nghiệp của từng vùng cũng phải thay đổi cho phù hợp với sự biến đổi khí hậu. Khi mùa đông ấm lên, mùa sinh trưởng của cây trồng nhiệt đới sẽ kéo dài, cây trồng nhiệt đới sẽ tiến lên các đới cao hơn hiện nay từ 300 đến 500 m. Ðây là các biện pháp có hiệu quả kinh tế hơn. Thí dụ, không nhất thiết phải cải tạo các vùng trũng để trồng lúa; tăng cường nghiên cứu các cây trồng chịu hạn, chịu mặn, chịu sâu bệnh; đối với cây lâu năm cần nghiên cứu các biện pháp nông lâm kết hợp trên vùng đất dốc... Có thể chuyển một số diện tích quá úng trũng sang nuôi cá và thủy sản, đặc biệt là giảm diện tích trồng lúa, nơi mà bơm nước tưới quá đắt. Nghiên cứu các giống lúa chịu hạn để gieo trồng ở các vùng đất cao. Vùng Bắc và Nam Trung Bộ cần áp dụng các biện pháp nông lâm kết hợp trong sản xuất. Nghiên cứu hệ thống cây trồng thích hợp ở vùng đất khô hạn nặng và thường xuyên thiếu nước. Dùng các giống lúa ngắn ngày để bố trí thời vụ tránh bão, lụt... Vùng đồng bằng sông Cửu Long cần xác định các hệ thống cây trồng cho thích hợp mỗi vùng, đặc biệt lưu ý đến ảnh hưởng của nước biển dâng đối với nông nghiệp của vùng này.

Ðể hạn chế thiệt hại do nước biển dâng cao, trước mắt các nhà khoa học đề ra phương án cần trồng rừng ngập mặn và quy hoạch nuôi trồng thủy sản, phát triển các khu bảo tồn sinh thái; không quy hoạch khu định cư gần bờ biển, cửa sông... Nhất là, xây dựng hệ thống đê biển trong vùng ngập do nước biển dâng luôn được các quốc gia có biển trên thế giới coi đó là giải pháp hữu hiệu nhất để phòng, chống và thích nghi với bão lụt, ngăn chặn nước biển dâng và xâm nhập mặn, vừa là phương thức "quai đê lấn biển" mở rộng diện tích đất ở và canh tác. Việt Nam, ngay từ đầu thế kỷ 15, ông cha ta đã xây dựng hệ thống đê biển và nó không ngừng được bổ sung, nâng cấp qua các thời kỳ dựng nước và giữ nước. Ðến nay, cả nước có 2.800 km đê biển thuộc 28 tỉnh, thành phố bao gồm 110 huyện, thị xã đã và đang phát huy hiệu quả trong công tác phòng, chống thiên tai, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương có biển phát triển kinh tế - xã hội. Ðiển hình như tuyến đê biển tại huyện Giao Thủy (Nam Ðịnh), huyện khôi phục và nâng cấp được 10 km đê xung yếu, trong đó có hơn 7 km đê làm kè lát mái bảo vệ phía biển. Nhờ đó, hiện tượng sạt lở đất ở đây cơ bản được chỉnh trị, tạo điều kiện cho địa phương phát triển kinh tế -xã hội bền vững, góp phần làm giảm áp lực của cộng đồng dân cư đối với tài nguyên thiên nhiên và hệ sinh thái đất ngập nước ven bờ.

Theo một số chuyên gia của chương trình nghiên cứu biến đổi khí hậu toàn cầu tại Việt Nam (IUCN), ngoài việc nghiên cứu, xác định rõ, sâu hơn các tác động của biến đổi khí hậu, xây dựng và nhanh chóng ban hành các chương trình, chiến lược ứng phó với biến đổi khí hậu, Chính phủ Việt Nam nên tổ chức lồng ghép các vấn đề biến đổi khí hậu vào các quá trình quản lý, kế hoạch hóa trong các chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Việc sử dụng tiết kiệm và hiệu quả các nguồn năng lượng, giảm phát thải khí độc, phát triển mạnh diện tích rừng trồng... cũng là những vấn đề được nhiều chuyên gia khuyến cáo cho Việt Nam nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu trước mắt cũng như trong tương lai.

Theo Nhân Dân

     
tác giả  

Ký kết Thỏa thuận hợp tác giữa Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hà Nội (HBA) và Hội Doanh nhân người Việt Nam (ASSOEVI) tại Italia, ngày 17/09/2012.
Hình ảnh nổi bật
HBA làm việc với các Sở chức năng của Hà Nội