Hiệp Hội Doanh Nghiệp Thành Phố Hà Nội - Số 445 Đội Cấn - Ba Đình - Hà Nội - Tel: (024)3.7674454 - 2.2122725 / Fax: (024)3.7674453 / E-mail: hba@hba.vn
Phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô Hà Nội 9 tháng đầu năm 2008    4/17/2009 10:26:51 AM
    Về tổng thể, trong những tháng đầu tiên sau mở rộng, đời sống KT-XH Thủ đô đã có bước phát triển tích cực mới: 9 tháng đầu năm 2008, tốc độ phát triển so với cùng kỳ năm trước duy trì ở mức độ khá: tổng sản phẩm nội địa (GDP) tăng 10,9%, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 14,5%, tổng mức bán lẻ tăng 32,1%, kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn Hà Nội tăng 43,7%, tổng vốn đầu tư xã hội tăng 17,7%, các mặt văn hoá, xã hội, trật tự an toàn được duy trì ổn định và tiếp tục được cải thiện; tổng thu Ngân sách trên địa bàn dự kiến đạt 55.648 tỷ đồng (bằng 93,4% dự toán năm), trong đó thu nội địa là 47.759 tỷ đồng (bằng 99,8% dự toán năm); tổng chi Ngân sách địa phương là 11.315 tỷ đồng (bằng 58,5% dự toán năm), trong đó chi thường xuyên đạt 78,4% dự toán năm, chi xây dựng cơ bản đạt 40,1% so dự toán năm; tổng nguồn vốn huy động đạt 394.910 tỷ đồng (tăng 1,62% so tháng 8 và tăng 3,78% so tháng 12 năm 2007), trong đó tiền gửi dân cư tăng 1,4% và 10,98%, tiền gửi của các tổ chức kinh tế tăng 1,8% và giảm 1,34%; tổng dư nợ cho vay đến cuối tháng 9 năm 2008 đạt 240.923 tỷ đồng, tăng 1,38% so tháng trước và tăng 18,21% so tháng 12 năm 2007, trong đó dư nợ ngắn hạn tăng 1,5% và 13,82%, dư nợ trung và dài hạn tăng 1,2% và 25,1%. Vốn đầu tư xây dựng cơ bản ngân sách Nhà nước địa phương: Tháng Chín năm 2008 ước đạt 540,15 tỷ đồng, tăng 9,56% so với tháng trước và bằng 80,96% so với cùng kỳ. Dự kiến 9 tháng đạt 4.408,9 tỷ đồng bằng 46,04% kế hoạch cả năm.

1.     Nền kinh tế Thủ đô 9 tháng năm 2008 vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng khá cao, chuyển dịch cơ cấu đang có dấu hiệu mới theo hướng bứt phá nhanh hơn của khu vực ngoài Nhà nước.

      Dự kiến, tổng sản phẩm nội địa (GDP) tăng 10,9% so cùng kỳ năm trước, trong đó ngành công nghiệp mở rộng tăng 12,5% (đóng góp 5,67% vào mức tăng chung), các ngành dịch vụ tăng 10,5% (đóng góp 4,92% vào mức tăng chung) và ngành nông - lâm - thuỷ sản tăng 3,8% (đóng góp 0,31% vào mức tăng chung).

      Dự kiến giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tăng 14,5% so cùng kỳ năm trước, trong đó kinh tế Nhà nước tăng 4,6% (kinh tế Nhà nước trung ương tăng 3,7%, kinh tế Nhà nước địa phương tăng 7,3%) trong khi đó kinh tế ngoài Nhà nước tăng 19,9% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 17,6%.

      Giá trị sản xuất công nghiệp Nhà nước Trung Ương tháng Chín năm 2008 tăng 6,1% so tháng trước và tăng 3,5% so cùng kỳ năm trước. Dự kiến 9 tháng năm 2008, giá trị sản xuất công nghiệp Nhà nước trung ương tăng 3,7% so cùng kỳ năm trước với 11/20 ngành sản xuất tăng, trong đó có những ngành tăng khá: chế tạo thiết bị máy móc (tăng 38,5%), sản xuất ti vi thiết bị thông tin (tăng 19,8%), sản xuất giường tủ đồ khác (tăng 19,7%), sản xuất thiết bị điện (tăng 19,2%), sản xuất cao su plastic (tăng 17,1%),… 9/20 ngành sản xuất giảm là: công nghiệp dệt (giảm 8,7%), sản xuất trang phục (giảm 14,2%), sản xuất đồ da (giảm 67,9%), sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy (giảm 3,9%), sản xuất hoá chất (giảm 17,2%), sản xuất khoáng phi kim loại (giảm 2,8%), sản xuất sản phẩm bằng kim loại (giảm 4,2%), sản xuất xe có động cơ (giảm 2,1%), sản xuất phương tiện vận tải khác (giảm 13,2%). Các ngành sản xuất giảm chủ yếu do tiến hành cổ phần hóa nên đã chuyển doanh nghiệp sang khu vực kinh tế ngoài quốc doanh và do giá vật tư, xăng dầu, sắt thép tăng nhanh, lãi ngân hàng cao, nhu cầu tiêu dùng một số loại sản phẩm các ngành này giảm…

      Giá trị sản xuất công nghiệp Nhà nước địa phương tháng Chín năm 2008 tăng 6% so tháng trước và tăng 11,1% so cùng kỳ năm trước. Dự kiến 9 tháng năm 2008, giá trị sản xuất công nghiệp Nhà nước địa phương tăng 7,3% so cùng kỳ năm trước. Có 12/17 ngành sản xuất tăng, trong đó có một số ngành sản xuất tăng khá: sản xuất dụng cụ chính xác (tăng 34,7%), sản xuất khoáng phi kim loại (tăng 28,7%), sản xuất kim loại (tăng 24,3%) sản xuất các sản phẩm từ kim loại (tăng 23,6%),… 5/17 ngành sản xuất giảm là: khai thác than (giảm 11,8%), chế biến thực phẩm (giảm 22,7%), sản xuất trang phục (giảm 3,7%), sản xuất ti vi thiết bị thông tin (giảm 26,9%), sản xuất giường tủ bàn ghế (giảm 0,8%).

      Giá trị sản xuất công nghiệp ngoài Nhà nước tháng Chín năm 2008 tăng 5% so tháng trước và tăng 18,3% so cùng kỳ năm trước. Dự kiến 9 tháng năm 2008, giá trị sản xuất công nghiệp ngoài Nhà nước tăng 19,9% trong đó Công ty TNHH tăng 17,6%, Công cổ phần tăng 24,6%, doanh nghiệp tư nhân tăng 15,2%, hộ cá thể tăng 18,6%, hợp tác xã tăng 1,4%. Có 21/22 ngành sản xuất tăng, trong đó có nhiều ngành sản xuất tăng khá: sản xuất dụng cụ chính xác (tăng 46,9%), sản xuất khoáng phi kim loại (tăng 34,7%), sản xuất ti vi thiết bị thông tin (tăng 29,3%), sản xuất kim loại (tăng 29,2%), khai thác đá mỏ khác (tăng 27,8%). Khu vực sản xuất công nghiệp ngoài Nhà nước trong một số năm gần đây đạt tốc độ tăng khá là do số doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hoá có vốn Nhà nước chi phối < 50% chuyển sang khu vực công ty cổ phần và hàng năm có nhiều doanh nghiệp mới thành lập đi vào hoạt động. Ngoài ra, còn có nguyên nhân do nhiều doanh nghiệp có quy mô lớn chú trọng đầu tư mở rộng sản xuất, sản xuất ra sản phẩm có chất lượng cao, phù hợp nhu cầu người tiêu dùng nên tiêu thụ tốt (Hợp tác xã nhựa Song Long, Doanh nghiệp tư nhân Xuân Kiên, Công ty TNHH Hiệp Hưng, Công ty TNHH Nhật Linh, Công ty sơn KOVA, Công ty TNHH Hoàng Sơn, Công ty Tuấn Ngọc…)

      Giá trị sản xuất công nghiệp khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tháng Chín năm 2008 tăng 8,2% so tháng trước và tăng 11,2% so cùng kỳ năm trước. Dự kiến 9 tháng năm 2008, giá trị sản xuất công nghiệp khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 17,6% so cùng kỳ năm trước. Có 18/20 ngành sản xuất tăng, trong đó có nhiều ngành sản xuất tăng khá: sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy (tăng 149,8%), sản xuất đồ da (tăng 51,4%), sản xuất cao su plastic (tăng 42,1%) sản xuất xe có động cơ (tăng 36,9%), sản xuất hoá chất (tăng 36,3%), xuất bản in (tăng 34,8%)… 2/20 ngành sản xuất giảm là công nghiệp dệt (giảm 32,2%), chế biến gỗ lâm sản (giảm 19,8%). 9 tháng đầu năm 2008, có thêm 20 doanh nghiệp mới đi vào hoạt động, giá trị sản xuất của các doanh nghiệp này chiếm 0,4% tổng giá trị sản xuất các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Đáng lưu ý là một số doanh nghiệp có thương hiệu một thời, như Công ty liên doanh ô tô Hoà Bình, Công ty TNHH đèn hình Orion Hanel hiện chỉ còn hoạt động sản xuất cầm chừng, đã cho công nhân tạm nghỉ việc để chờ chuyển hướng đầu tư mới.

      Dự kiến 9 tháng năm 2008, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tăng 29,8% so cùng kỳ năm trước, trong đó tổng mức bán lẻ tăng 32,1%. 9 tháng đầu năm 2008, nội thương vẫn phát triển khá và đồng đều trên nhiều lĩnh vực do các nguyên nhân: hệ thống bán lẻ có sự phát triển nhanh chóng và trải rộng trên khắp địa bàn; các siêu thị, cửa hàng tự chọn hình thành và phát triển với quy mô ngày càng lớn thu hút người dân đô thị mua sắm; mức tăng trưởng của ngành thương mại dịch vụ luôn có tốc độ phát triển cao hơn so với các ngành khác và Hà Nội đang trong quá trình mở rộng, đô thị hoá với cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo chiều hướng từ nông nghiệp sang công nghiệp - dịch vụ; giá cả biến động bất thường và tăng liên tục qua các tháng cũng là yếu tố làm tăng doanh thu thương mại dịch vụ.

      Dự kiến 9 tháng năm 2008, kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn tăng 43,7% so cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu địa phương tăng 25,9%. Trong các mặt hàng xuất khẩu, hàng nông sản là một trong những nhóm có giá trị lớn (tỷ trọng 17%) xuất khẩu tăng 44,9% so với cùng kỳ, trong đó gạo (chiếm 60% tỷ trọng hàng nông sản xuất khẩu) xuất khẩu gấp gần 3 lần so năm trước; hàng dệt may tăng 15,6%, hàng giầy dép và sản phẩm từ da tăng 29,5%, hàng điện tử tăng 33,3%, linh kiện máy tính và thiết bị ngoại vi tăng 19,7%, than đá tăng 48,4%, xăng dầu (tạm nhập tái xuất) tăng 98,7%, hàng hóa khác tăng 60%...

      Kim ngạch nhập khẩu trên địa bàn 9 tháng năm 2008 dự kiến tăng 43,3% trong đó nhập khẩu địa phương tăng 31,9%. Xăng dầu vẫn là mặt hàng nhập nhiều nhất và có tốc độ tăng cao (tăng 77,4%), sau đó là máy móc thiết bị phụ tùng (tăng 33,4%), sắt thép (tăng 57,5%), hàng hóa khác (tăng 28,8%)…

      Kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu chín tháng so cùng kỳ tăng cao còn có nguyên nhân do yếu tố tăng giá mặt hàng xuất khẩu, nhập khẩu

      Dự kiến 9 tháng năm 2008, tổng lượng khách du lịch đến Hà Nội là 5416 ngàn lượt, tăng 7,9% so cùng kỳ năm trước trong đó khách quốc tế là 945 ngàn lượt khách (tăng 4,2%), khách nội địa là 4471 ngàn lượt khách (tăng 8%). Doanh thu kinh doanh lữ hành, khách sạn 9 tháng dự kiến tăng 31,9% so cùng kỳ, chủ yếu do giá tour tăng cao. Công suất buồng phòng ở các khách sạn xếp hạng cao đạt 80-90%, tuy vậy ở các khách sạn xếp hạng thấp và bình dân ít khách hơn nhiều. Hà Nội hiện nay có khoảng 470 doanh nghiệp kinh doanh khách sạn lữ hành, có 450 khách sạn với 14.000 phòng, trong đó khoảng 180 khách sạn được xếp hạng với công suất buồng phòng luôn đạt 80%. Hà Nội có nhiều điểm du lịch nổi danh: Chùa Hương, Hồ Gươm, Văn Miếu, Cổ Loa, Chùa Thầy, Đền Thượng, Đền Và, Khoang Xanh, Ao Vua, Đầm Long…

      Dự kiến 9 tháng năm 2008 so cùng kỳ năm trước, khối lượng hàng hoá vận chuyển tăng 17,1%, khối lượng hàng hoá luân chuyển tăng 11,2%, doanh thu vận chuyển hàng hoá tăng 40,8%, khối lượng hành khách vận chuyển tăng 17,8%, khối lượng hành khách luân chuyển tăng 19,5%, doanh thu vận chuyển hành khách tăng 29,1%. 9 tháng đầu năm 2008 do giá xăng dầu tăng cao ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của ngành vận tải (thực tế nhu cầu vận tải vẫn rất cao).

      Bưu chính: Dự kiến 9 tháng, giá trị tem thư, tem máy là 28,9 tỷ đồng, tăng 8,9% so cùng kỳ năm trước; bưu phẩm, chuyển phát nhanh là 16,6 tỷ đồng, giảm 17,9%. Doanh thu bưu chính đạt 668,6 tỷ đồng, tăng 12,9% so cùng kỳ.

      Viễn thông: Dự kiến 9 tháng, số lượng thuê bao mới tăng là 165 ngàn thuê bao điện thoại (trong đó 68% thuê bao di động); 80,9 ngàn thuê bao internet, doanh thu viễn thông đạt 1.941 tỷ đồng, tăng 12,7% so cùng kỳ năm trước. Năm nay, các mạng viễn thông do các nhà cung cấp được đầu tư và nâng cấp nhiều hơn nên ít xảy ra tình trạng nghẽn mạch. Việc cạnh tranh thu hút khách giữa các mạng diễn ra khá quyết liệt làm người tiêu dùng được hưởng lợi nhiều do tiện ích tăng lên mà giá cước lại giảm đi, nhiều đường truyền internet trong mạng viễn thông được mở với tính năng vượt trội làm cho tốc độ truy cập nhanh hơn.

      Chỉ số giá tiêu dùng tháng Chín năm 2008 so tháng trước tăng 0,43%. Các nhóm hàng nhìn chung không còn tăng giá mạnh và có xu hướng chững lại, riêng nhóm hàng lương thực giảm 1,2%, giao thông bưu chính viễn thông giảm 1,13%. Giá vàng giảm đáng kể so tháng trước: giá vàng 99,99 bán ra trên thị trường tư nhân phổ biến ở mức giá 1.719 ngàn đồng/chỉ, chỉ số giá vàng giảm 6,82%. Giá USD cũng giảm so tháng trước với mức giá phổ biến là 16.639 đồng/1 USD và chỉ số giá USD giảm 0,79%.

      Dự kiến 9 tháng đầu năm, chỉ số giá tiêu dùng tăng 22,15% so cùng kỳ năm trước. Tốc độ trượt giá bình quân 1 tháng là 2,26%. Giá cả thị trường 9 tháng đầu năm tăng cao bất thường, sau đó tăng chậm lại (quý III) do ảnh hưởng của các yếu tố: thiên tai dịch bệnh, giá nguyên liệu vật tư tăng cao, do lạm phát, chính sách điều hành kinh tế vĩ mô hồi đầu năm có lúc chưa phù hợp gây ra biến động trên thị trường với những cơn sốt giá ảo, phản ứng tăng giá dây chuyền, lạm phát… Từ quý II năm 2008, do Chính phủ có nhiều chính sách điều hành vĩ mô quyết liệt, thắt chặt tiền tệ, giảm đầu tư, giảm tiến độ một số hạng mục công trình, giảm nhập siêu, cắt giảm chi tiêu, thực hành tiết kiệm, truyền thông kịp thời để hướng dẫn tiêu dùng nên quý III tốc độ tăng giá chậm lại.

      Cây hàng năm: tổng diện tích gieo trồng cả năm 2008 dự kiến đạt 323.060 ha. Vụ Đông Xuân đạt 196.709ha, vụ Mùa 126.347ha, trong đó cây lương thực chiếm diện tích gieo trồng lớn nhất 231.348 ha (71,6% tổng diện tích gieo trồng), cây có củ 10.485 ha, rau đậu 30.348 ha, cây công nghiệp   43.722 ha. Sản xuất vụ Mùa 2008, do đầu năm rét đậm, rét hại kéo dài làm tiến độ thu hoạch vụ Xuân chậm, nhưng do chỉ đạo sát sao của các cấp các ngành và quyết tâm của người dân, tiến độ cấy lúa mùa vẫn đảm bảo xong trước 15 tháng 7. Tuy vậy, do mưa lớn kéo dài trên diện rộng các ngày 15, 16, 17 tháng 7 nên đến 25 tháng 7 Hà Nội phải cấy dặm lại 2.447 ha lúa. Đến nay, toàn bộ diện tích lúa đang vào thời kỳ trắc hạt và chín, một số diện tích lúa mùa sớm đã cho thu hoạch, đảm bảo kịp thời vụ tạo thuận lợi cho việc mở rộng sản xuất vụ Đông. Diện tích gieo trồng vụ Mùa toàn thành phố là 126.347 ha, trong đó lúa 105.302 ha (83,3% tổng diện tích), cây rau màu 21.045 ha (ngô 3.207 ha, sắn 2.361 ha, rau đậu các loại 7.422 ha, cây công nghiệp hàng năm 4.045 ha…)

      Dự kiến năng suất sản lượng một số cây trồng chủ yếu vụ Mùa 2008 như sau: lúa năng suất 54,67 tạ/ha, sản lượng 575.653 tấn, ngô năng suất 44,75 tạ/ha sản lượng 14.350 tấn, khoai lang năng suất 84,38 tạ/ha sản lượng 6.151 tấn, sắn năng suất 137,64 tạ/ha sản lượng 32.496 tấn, rau các loại năng suất 187,5 tạ/ha sản lượng 489.900 tấn…

      Cây lâu năm: Dự kiến năm 2008, tổng diện tích trồng cây lâu năm là 17.329 ha, trong đó cây ăn quả 13.964 ha (80,58% tổng diện tích). Năng suất sản lượng cây lâu năm dự kiến năm 2008 như sau: chè năng suất 50,6 tạ/ha sản lượng 12.521 tấn, cà phê (tập trung chủ yếu ở Ba Vì) năng suất 40,5 tạ/ha sản lượng 81 tấn, sản lượng cam quýt 5.346,7 tấn, dứa 1.228,6 tấn, chuối 53.392,2 tấn, nhãn 14.432,6 tấn… Từ thực tế, các địa phương ở Hà Nội đang tiếp tục chỉ đạo tạo điều kiện cho các hộ nông dân nhân rộng các mô hình kinh tế (bưởi Diễn, cam sành, nhãn chín muộn…) từ đó tạo thành các vùng sản xuất hàng hoá, tăng mức thu nhập quy hoạch các vùng cây đặc sản trên những cánh đồng 50 triệu đồng/ha gieo trồng.

      Toàn Thành phố có khoảng 260 ngàn đại gia súc, trong đó đàn trâu 27.336 con (giảm 6,68% so cùng kỳ), đàn bò 231.505 con (giảm 1,21%). Năm 2008, do các tỉnh lân cận có dịch bệnh đàn bò, nên làm cho tâm lý người dân cũng không dám tăng vốn đầu tư cho đàn bò. Cơ cấu đàn bò lai tăng mạnh (ước tính có 161.174 con tăng 15,9%). Sản lượng thịt trâu, bò xuất chuồng dự kiến đạt 6.566 tấn, tăng 4,39%. Số lượng trâu bò được nuôi nhiều chủ yếu tập trung ở các huyện miền núi.

      Chăn nuôi lợn đang được cải thiện, có chiều hướng tăng khá phục vụ nhu cầu tiêu dùng cuối năm đang được tăng cao trên địa bàn Thủ đô. Ước tính 1/8/2008 số lượng lợn nuôi được trên 1,76 triệu con tăng 12,75%, đàn lợn nái có 186.471 con chiếm 10,61% tổng đàn lợn, số lợn con đẻ ra trong kỳ đáp ứng nhu cầu con giống cho toàn Thành phố và phục vụ các tỉnh lân cận. Đàn lợn thịt hiện có 1,5 triệu con, tăng 9,35% so cùng kỳ. Sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng trong kỳ là 241.861 tấn (tăng 11,19% so cùng kỳ năm trước). Số lợn xuất chuồng trong năm đạt 3,6 triệu con, tăng 9,76%.

      Chăn nuôi gia cầm phát triển ổn định. Số lượng đàn gia cầm toàn Thành phố 1/8/2008 là 15,6 triệu con, tăng 9,33% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó đàn gà 11 triệu con (chiếm 70,77% tổng đàn gia cầm) tăng 9,25%, đàn vịt, ngan, ngỗng 4,3 triệu con tăng 4,05%. Sản lượng gia cầm bán giết thịt trong kỳ 36.685 tấn tăng 9,1% so cùng kỳ. Sản lượng trứng các loại 415,6 triệu quả tăng 6,31%. 

      Các loại chăn nuôi khác chiếm tỷ trọng rất nhỏ so với chăn nuôi gia súc, gia cầm. Tuy nhiên, các loại này rất phong phú, đa dạng, tạo ra nhiều đặc sản nổi tiếng, góp phần tăng thu nhập cho người sản xuất. 

      Ước tính diện tích rừng trồng mới năm 2008 đạt 250 ha tập trung ở huyện Ba Vì và Thành phố Sơn Tây. Hiện nay, tiếp tục thực hiện khoanh nuôi tái sinh 1.119 ha rừng theo kế hoạch giao, đồng thời duy trì và bảo vệ diện tích rừng đã được giao khoán là 5.138 ha tập trung ở Mỹ Đức, Ba Vì và Sơn Tây. Công tác chăm sóc rừng năm 2, 3, 4 được tăng cường và đầu tư hợp lý với diện tích được giao 678,5 ha ở Ba Vì và Sơn Tây.

      Số cây phân tán đã trồng 9 tháng năm 2008 là 591 ngàn cây các loại bằng 75,9% so cùng kỳ, trong đó chủ yếu trồng trong các hộ dân cư. Sản lượng gỗ khai thác đạt 6.352,4m3, chủ yếu ở diện tích rừng trồng và cây phân tán đã đến tuổi khai thác. Gỗ khai thác chủ yếu là bạch đàn, keo tai tượng dùng làm nguyên liệu giấy, gỗ chống lò, gỗ cốt pha trong xây dựng. Sản lượng củi khai thác là 39,7 ngàn ster; tre, luồng, vầu khai thác là 2,7 triệu cây, nứa hàng khai thác được 304 ngàn cây, song mây khai thác 126,4 tấn, sản lượng măng tươi 94,2 tấn…

      Công tác bảo vệ phòng chống cháy rừng thường xuyên được cấp uỷ Đảng, chính quyền quan tâm. Do ý thức của người dân còn chưa tốt nên số vụ cháy rừng trong 9 tháng năm 2008 là 13 vụ với 27,3ha diện tích rừng bị cháy (chủ yếu ở khu vực rừng trồng: 26,8ha) làm thiệt hại khoảng 26,8 triệu đồng. Số vụ chặt phá rừng là 1 vụ xảy ra tại vườn quốc gia Ba Vì, giá trị thiệt hại ước tính khoảng 5 triệu đồng.

      Từ đầu năm đến nay, toàn Thành phố xảy ra 40 vụ vi phạm lâm luật, trong đó số vụ vận chuyển trái phép lâm sản là 27 vụ, vận chuyển động vật hoang dã trái phép là 5 vụ, vi phạm các thủ tục hành chính là 7 vụ. Thu về nộp ngân sách Nhà nước được 384 triệu đồng.

      Diện tích nuôi trồng thuỷ sản toàn Thành phố ước đạt 17.160 ha, tăng 4,21% so cùng kỳ, trong đó diện tích nuôi cá là 16.923ha, tăng 3,8%, chiếm 98,62% tổng diện tích nuôi trồng; diện tích nuôi tôm 26 ha tăng 9,3%; diện tích ươm giống 189ha tăng 61,6%. Một số diện tích ở các chân ruộng trũng cấy lúa không hiệu quả và những diện tích của mô hình lúa – cá đã được các hộ thả cá mang lại hiệu quả kinh tế cao, số hộ nuôi thả cũng tăng đáng kể. Nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư xây dựng trang trại nuôi thả cá tới 5-10 ha (tập trung ở Thanh Trì, Phú Xuyên, Ứng Hoà, Mỹ Đức…). Số hộ nuôi cá lồng, bè cũng tăng lên đáng kể và được đầu tư thích hợp với số liệu ước tính là 309 hộ – 411 lồng. Số lượng thuỷ sản 2008 dự kiến đạt 49.399 tấn chủ yếu là sản lượng nuôi thả thu hoạch được 46.944 tấn ( trong đó cá thả 46.866 tấn, tôm 47 tấn). Cá tôm và thuỷ sản khai thác ngày càng sụt giảm do mưa ít, nguồn nước sông hồ thiếu hụt, hoạt động khai thác thuỷ sản cho hiệu quả kinh tế thấp nên các hộ khai thác ngày càng giảm (năm 2008 chỉ còn 1.923 hộ khai thác, bằng 77,4% so cùng kỳ, số lao động làm nghề khai thác chỉ còn 2.966 người bằng 76,3%). Sản lượng thuỷ sản khai thác 2008 ước tính cả năm chỉ đạt 2.455 tấn.

2. Nhiều vấn đề xã hội đã được cải thiện, nhưng một số vấn đề khác gia tăng áp lực:

     Hà Nội hiện có 2.302 trường học (trong đó 1.705 trường công lập, 597 trường ngoài công lập) với 1.332.964 học sinh và trên 72 ngàn giáo viên. Giáo dục mầm non với 761 trường (công lập 300 trường), 9.597 lớp (2.615 lớp nhà trẻ và 6.982 lớp mẫu giáo), 269.212 cháu (53.200 cháu nhà trẻ, 215.992 cháu mẫu giáo), so với tỷ lệ chung của Bộ giáo dục và đào tạo, tỷ lệ trẻ ra lớp ở nhà trẻ và mẫu giáo của Hà Nội đạt cao hơn nhiều. Giáo dục tiểu học có 652 trường (công lập 629 trường), 12.917 lớp và 407.937 học sinh với công tác phổ cập giáo dục đúng độ tuổi được duy trì với hiệu quả cao, huy động 99,9% trẻ trong độ tuổi vào lớp 1, trong đó trẻ đúng độ tuổi đạt 99,6%. Năm học 2008-2009, dự kiến số học sinh tuyển mới vào lớp 1 là 82.737 học sinh. Việc trẻ học 2 buổi/ ngày được triển khai ở tất cả các quận huyện, số học sinh tiểu học được học 2 buổi/ ngày đạt tỷ lệ 75,4%. Giáo dục trung học cơ sở có 586 trường (581 trường công lập), 9.507 lớp và 355.293 học sinh. Số học sinh tuyển mới vào lớp 6 năm học 2008-2009 dự kiến là 84.495 học sinh. Giáo dục trung học phổ thông có 184 trường (104 trường công lập), 5.056 lớp và 232.693 học sinh, số học sinh tuyển mới vào lớp 10 năm học 2008-2009 dự kiến là 84.691 học sinh.

      Tình hình thi tốt nghiệp năm học 2007-2008: cấp tiểu học toàn Thành phố có 91.168 học sinh lớp 5 được công nhận hoàn thành chương trình tiểu học được xét tuyển vào lớp 6 đạt tỷ lệ 98,8%. Cấp trung học cơ sở: năm nay Hà Nội thực hiện 2 phương pháp xét tuyển và thi tuyển, phương pháp xét tuyển được thực hiện ở Hà Nội cũ với chỉ đạo của Sở giáo dục và đào tạo theo quy trình thống nhất, khoa học, có sự giám sát chặt chẽ của thanh tra, Cục khảo thí và kiểm định chất lượng. Kết quả xét tuyển và thi tốt nghiệp lớp 9 có 68.620 học sinh hoàn thành chương trình trung học cơ sở đạt tỷ lệ 97,03%. Cấp trung học phổ thông năm nay đặc biệt có các học sinh hệ trung học phổ thông trong các trung tâm giáo dục thường xuyên được bố trí thi cùng hội đồng với học sinh các trường trung học phổ thông. Kết quả cả hai đợt thi có 75.375 học sinh đỗ tốt nghiệp, đạt 86,74%.

      Tổ chức bộ máy ngành y tế Hà Nội sau ngày 1 tháng 8 năm 2008 có nhiều biến đổi do thay đổi địa giới hành chính mới. Số đơn vị ngành y tế gồm 86 đơn vị với 45 đơn vị tuyến thành phố (26 bệnh viện, 17 trung tâm chuyên khoa, 1 trường cao đẳng y tế, 1 chi cục dân số – kế hoạch hoá gia đình), 41 đơn vị tuyến quận huyện (29 trung tâm y tế dự phòng, 12 bệnh viện) và 577 đơn vị tuyến xã- phường - thị trấn (toàn thành phố có 2 xã chưa có trạm y tế là xã Phú La - Hà Đông và xã Chi Đông – Mê Linh).

      Công tác phòng dịch được tăng cường. Từ đầu năm 2008, đã xảy ra 2 đợt dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm với tổng số người mắc bệnh là 2.284 người, trong đó 263 trường hợp dương tính với phẩy khuẩn tả, phân bố trên 26 quận huyện. Số người mắc dịch sốt xuất huyết là 123 người. Các đơn vị trong ngành từ thành phố đến quận, huyện, xã, phường phối hợp, giám sát, phát hiện xử lý triệt để 100% ổ dịch; tổ chức trực, giám sát bệnh nhân tại cộng đồng 24/24 giờ. Đến nay thành phố Hà Nội cơ bản đã khống chế được dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm.

      Thực hiện các chương trình y tế và công tác dân số kế hoạch hoá gia đình được Sở Y tế Hà Nội chỉ đạo các đơn vị xây dựng kế hoạch hoạt động cho từng chương trình cụ thể, chú trọng những hoạt động điểm, các vấn đề trọng tâm trong chăm sóc sức khoẻ ban đầu, phòng chống dịch bệnh, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống HIV-AIDS, thực hiện tốt công tác dân số kế hoạch hoá gia đình…

      Tính đến 30 tháng 6 năm 2008, luỹ tính số người nhiễm HIV-AIDS là 17.782 người, số người chuyển sang AIDS là 4.342 người, số người tử vong là 2.756 người.

      Chín tháng năm 2008, đời sống của đại bộ phận dân cư vẫn giữ mức ổn định và có xu hướng đi lên, nhưng không đồng đều, do quy luật kinh tế thị trường, giá cả có xu hướng biến động không ngừng khiến cho khoảng cách giàu nghèo ngày càng thể hiện rõ nét hơn với thực trạng người giàu ngày càng có cơ hội giàu lên, người nghèo ngày càng nghèo hơn. 8 tháng đầu năm toàn thành phố giải quyết việc làm cho 86.483 người (đạt 70,8% kế hoạch năm), đào tạo nghề cho 57.500 người (đạt 49,1% kế hoach) và đưa 7.118 hộ thoát nghèo (đạt 54,7% kế hoạch năm). Bảo đảm cho các đối tượng cứu trợ xã hội như người già cô đơn không nơi nương tựa, trẻ mồ côi không nguồn nuôi dưỡng, người tàn tật trong các gia đình nghèo đều được hưởng các chính sách trợ giúp thường xuyên, được hỗ trợ trong học tập, tạo việc làm và hòa nhập cộng đồng.

      Thu nhập bình quân một lao động/tháng trong khu vực kinh tế Nhà nước do Thành phố quản lý 6 tháng năm 2008 là 2.107 ngàn đồng, tăng 21,2% so cùng kỳ (do Nhà nước thay đổi mức lương cơ bản từ 450 ngàn đồng lên 540 ngàn đồng).

      Tám tháng đầu năm 2008, trên địa bàn Thành phố đã phát hiện và xảy ra 3.277 vụ phạm pháp hình sự (giảm 16,25% so cùng kỳ năm trước), khám phá được 2.458 vụ án (giảm 2,03%) và bắt giữ theo luật được 3.484 đối tượng (tăng 5,12%).

      Tổng số vụ buôn bán, tàng trữ, vận chuyển ma tuý 8 tháng năm 2008 là 1.807 vụ (tăng 19,6% so cùng kỳ), bắt giữ được 2.414 đối tượng (tăng 22%).

      Số vụ tai nạn giao thông xảy ra trong 8 tháng là 654 vụ (giảm 12,6% so cùng kỳ) làm chết 433 người (giảm 18,9%) và làm bị thương 536 người (giảm 6%).

2.     Về triển vọng, dự kiến các chỉ tiêu kinh tế xã hội cả năm 2008 thành phố Hà Nội sẽ đạt được ở mức khá so với năm 2007:

       Tổng sản phẩm nội địa (GDP) tăng 11,4%, trong đó ngành công nghiệp mở rộng tăng 13,3%, các ngành dịch vụ tăng 10,9%, ngành nông – lâm – thuỷ sản tăng 3,9%. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng 14,8% (sản xuất công nghiệp Nhà nước tăng 4,3%, sản xuất công nghiệp ngoài Nhà nước tăng 20,2%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 17,8%), vốn đầu tư xã hội đạt 84,7 ngàn tỷ đồng tăng 19,3% so cùng kỳ, tổng mức bán hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tăng 28,8%, kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn tăng 42% (xuất khẩu địa phương tăng 29,9%), kim ngạch nhập khẩu trên địa bàn tăng 40,8% (nhập khẩu địa phương tăng 31,3%), giá trị sản xuất nông – lâm – thuỷ sản tăng 4,6%. Dân số trung bình Hà Nội là 6281ngàn người (tăng 2,3% so năm 2007); khách du lịch đến Hà Nội khoảng 7787 ngàn lượt (khách du lịch quốc tế 1460 ngàn lượt, khách nội địa 6327 ngàn lượt) tăng 10,1% so năm 2007. Tình hình chính trị, văn hoá, xã hội, được duy trì ổn định, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện và nâng cao./.

  
tác giả  

Ký kết Thỏa thuận hợp tác giữa Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hà Nội (HBA) và Hội Doanh nhân người Việt Nam (ASSOEVI) tại Italia, ngày 17/09/2012.
Hình ảnh nổi bật