GIỚI THIỆU CHUNG VỀ HIỆP HỘI DOANH NGHIỆP TP. HÀ NỘI
Trong thời đại hiện nay, việc toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế quốc tế là xu hướng tất yếu khách quan. Tương lai của một quốc gia phụ thuộc vào việc nhanh chóng nắm bắt và hội nhập vào quá trình khách quan đó của nhân loại.
Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) giúp cộng đồng doanh nghiệp trong nước được tiếp cận thị trường quốc tế với mức độ tự do hoá lớn hơn, xây dựng được môi trường kinh doanh trong nước hoàn chỉnh và minh bạch hơn; có nhiều cơ hội hơn trong việc mở rộng thị trường xuất khẩu, khả năng thu hút vốn đầu tư, kỹ thuật, công nghệ cao; tiếp cận kinh nghiệm quản lý hiện đại, tiên tiến.
Đồng thời, việc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới cũng đặt các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp nói riêng trước rất nhiều thách thức, khó khăn do việc thực hiện các cam kết quốc tế như cắt giảm hàng rào thuế quan, mở cửa thị trường dịch vụ làm cho việc cạnh tranh quyết liệt hơn, dỡ bỏ mọi sự hỗ trợ trực tiếp của Nhà nước cho các doanh nghiệp và thay vào đó là sự hỗ trợ gián tiếp thông qua các tổ chức Hiệp hội doanh nghiệp.
Là một trung tâm kinh tế lớn của cả nước với hàng chục ngàn doanh nghiệp hoạt động trên tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế quốc dân. Việc thành lập Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố theo Quyết định số 3837/QĐ-UBND ngày 30/8/2006 của Ủy ban Nhân dân Thành phố đã kịp thời đáp ứng nhu cầu phát triển, tạo dựng niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp Thủ đô trong kỷ nguyên mới của đất nước.
1. Tôn chỉ, mục đích của Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố (HBA)
Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố (HANOI BUSINESS ASSOCIATION - HBA) là tổ chức xã hội - nghề nghiệp và tự nguyện của các doanh nghiệp và doanh nhân thuộc mọi thành phần kinh tế, trung ương và địa phương có hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc trụ sở đóng trên địa bàn Hà Nội.
Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố là tổ chức tập hợp và đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp Thủ đô nhằm mục đích đoàn kết Hội viên, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Hội viên, hỗ trợ nhau hoạt động có hiệu quả góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô và đất nước.
Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố là đầu mối thúc đẩy và phát triển quan hệ giữa cộng đồng doanh nghiệp Thủ đô với các cơ quan Nhà nước; thúc đẩy các quan hệ hợp tác kinh tế thương mại và khoa học công nghệ với các tổ chức quốc tế trên cơ sở bình đẳng và cùng có lợi. Là đại diện của cộng đồng doanh nghiệp Thủ đô với các tổ chức doanh nghiệp quốc tế.
Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố là tổ chức tập hợp sức mạnh của cộng đồng doanh nghiệp Thủ đô; là cầu nối cho sự hợp tác kinh tế giữa các doanh nghiệp Hội viên thuộc mọi thành phần kinh tế nhằm mục đích nâng cao khả năng kinh doanh và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nền kinh tế hội nhập và phát triển, với tôn chỉ: Hiệp hội là tổ chức của cộng đồng Doanh nghiệp Thủ đô trong đó Hội viên vừa là chủ nhân, vừa là khách hàng của Hiệp hội và mỗi Hội viên đều là khách hàng, là đối tác và là nhà đầu tư chiến lược của nhau.
2. Tư cách pháp nhân của HBA
- Hiệp hội Doanh nghiệp TP. là tổ chức độc lập có tư cách pháp nhân, có con dấu có tài khoản và tự chủ về tài chính, hoạt động theo pháp luật Việt Nam và theo Điều lệ được UBND Thành phố phê duyệt, chịu sự giám sát của UBND Hà Nội. Hiệp hội được sử dụng biểu tượng riêng của mình trong các giao dịch theo quy định của pháp luật.
- Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố hoạt động trên lĩnh vực bảo vệ và thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế của tất cả các ngành nghề kinh doanh. Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố hoạt động trên phạm vi Hà Nội, có trụ sở tại Hà Nội, có các chi nhánh, văn phòng đại diện ở trong và ngoài nước.
3. Tầm nhìn của HBA
HBA phấn đấu trở thành Hiệp hội doanh nghiệp có:
- Tiềm lực kinh tế mạnh nhất;
- Lực lượng Hội viên mạnh nhất;
- Chất lượng dịch vụ hoàn hảo nhất;
- Hoạt động mang tính chuyên nghiệp nhất;
- Và là địa chỉ tin cậy nhất của cộng đồng doanh nghiệp Thủ đô.
4. Sứ mệnh của HBA
- HBA là ngôi nhà chung cho cộng đồng doanh nghiệp Thủ đô, ở đó mỗi Hội viên, mỗi cán bộ, nhân viên của Hiệp hội vừa là chủ nhân, vừa là khách hàng của Hiệp hội.
- HBA đem lại sự thoả mãn tối đa nhu cầu của Hội viên từ việc phục vụ, chăm sóc, bảo vệ và gia tăng quyền và lợi ích hợp pháp cho Hội viên, đặc biệt là tối đa hóa cơ hội kinh doanh của các doanh nghiệp Hội viên.
- HBA là một thị trường nội bộ mà các Hội viên đều cam kết sử dụng sản phẩm và dịch vụ của nhau; mỗi Hội viên vừa là khách hàng, vừa là đối tác, và là nhà đầu tư chiến lược của nhau.
5. Chức năng của HBA
- Đại diện để thúc đẩy và bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của cộng đồng doanh nghiệp và người sử dụng lao động ở trong các quan hệ trong nước và quốc tế theo pháp luật hiện hành, tiến hành hoà giải việc tranh chấp giữa các Hội viên;
- Thúc đẩy sự phát triển doanh nghiệp, doanh nhân, sự liên kết giữa các doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp, xúc tiến và hỗ trợ các hoạt động thương mại, đầu tư, hợp tác, khoa học - công nghệ và các hoạt động kinh doanh khác của các doanh nghiệp ở Việt Nam và nước ngoài.
6. Nhiệm vụ của HBA
- Tổ chức các diễn đàn, đối thoại, các cuộc tiếp xúc giữa doanh nghiệp, người sử dụng lao động với các cơ quan Nhà nước để trao đổi thông tin và ý kiến về các vấn đề liên quan đến doanh nghiệp và môi trường kinh doanh;
- Tiến hành những hoạt động cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp và người sử dụng lao động trong các mối quan hệ kinh doanh trong nước và quốc tế;
- Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp thực hiện nghiêm chỉnh pháp luật, nâng cao trách nhiệm xã hội, đạo đức và văn hoá kinh doanh, xây dựng quan hệ lao động thuận hòa, bảo vệ môi trường và tham gia các hoạt động xã hội khác phù hợp với mục tiêu của Hiệp hội;
- Liên kết với các hiệp hội doanh nghiệp khác ở và ở các tỉnh tại Việt Nam, hợp tác với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các tổ chức hữu quan khác ở nước ngoài, tham gia các tổ chức khu vực và quốc tế phù hợp với mục đích của Hiệp hội và giúp đỡ các doanh nghiệp tham gia hoạt động trong các tổ chức đó;
- Tiến hành các hoạt động xây dựng, quảng bá và nâng cao uy tín doanh nghiệp, doanh nhân, hàng hoá, dịch vụ của Việt Nam; thúc đẩy các dịch vụ hỗ trợ phát triển kinh doanh; hỗ trợ doanh nghiệp phát triển quan hệ kinh doanh và đầu tư ở trong và ngoài nước thông qua các biện pháp như: chắp mối và giới thiệu bạn hàng, cung cấp thông tin, hướng dẫn và tư vấn cho doanh nghiệp, tổ chức nghiên cứu, khảo sát thị trường, hội thảo, hội nghị, hội trợ triển lãm, quảng cáo và các hoạt động xúc tiến khác;
- Giúp đăng ký và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ Việt Nam và ở nước ngoài;
- Giúp các doanh nghiệp trong và ngoài nước giải quyết bất đồng, tranh chấp thông qua thương lượng, hoà giải;
- Tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư nhằm phát triển doanh nghiệp và kinh tế Thủ đô: Tổ chức đoàn doanh nghiệp Thủ đô đi nghiên cứu thị trường, xúc tiến thương mại; Mời và đón tiếp các đoàn của tổ chức doanh nghiệp quốc tế vào tìm kiếm thị trường đầu tư tại Hà Nội; Tổ chức các hội nghị, hội thảo về xúc tiến thương mại và đầu tư;
- Tập hợp, nghiên cứu ý kiến của các doanh nghiệp để phản ánh, kiến nghị và tham mưu cho các vấn đề về pháp luật, chính sách kinh tế - xã hội nhằm cải thiện môi trường kinh doanh;
- Tham gia xây dựng và thực hiện các chiến lược phát triển kinh tế xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế, tham gia các hội nghị, các đoàn đàm phán về kinh tế và thương mại phù hợp với quy định của Nhà nước;
- Thực hiện các nhiệm vụ được uỷ quyền của lãnh đạo trong việc phát triển kinh tế, thương mại với các tổ chức phi chính phủ và các tổ chức quốc tế;
- Tổ chức các đoàn doanh nghịêp Thủ đô tháp tùng lãnh đạo trong các chuyến công tác nước ngoài nhằm giới thiệu hàng hoá, sản phẩm, thúc đẩy quan hệ với các tổ chức doanh nghiệp quốc tế, nâng cao vị thế của Thủ đô Hà Nội;
- Tổ chức đào tạo bằng những hình thức thích hợp để phát triển nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp, giúp các doanh nhân nâng cao kiến thức, năng lực quản lý và kinh doanh;
- Điều tra, khảo sát các doanh nghiệp trên địa bàn Thủ đô để tham mưu cho trong công tác xây dựng kế hoạch chính sách phát triển doanh nghiệp Thủ đô;
- Tổ chức hội nghị tổng kết các phong trào điển hình tiến tiến của cộng đồng doanh nghiệp Thủ đô phối hợp với các ngành liên quan để tổ chức việc xác nhận các sản phẩm, tác phẩm, các hoạt động của Hiệp hội và Hội viên đã thực hiện có giá trị thực tiễn, đem lại lợi ích thiết thực cho xã hội. Tham gia công tác xét khen thưởng và tôn vinh Doanh nghiệp, Doanh nhân của Thủ đô;
- Thực hiện những công việc khác mà UBND Thành phố giao hoặc các tổ chức khác uỷ quyền;
- Ngoài ra Hiệp hội tiến hành những nhiệm vụ khác nhằm thực hiện tôn chỉ mục đích và chức năng, nhiệm vụ của Hiệp hội vì quyền lợi và sự phát triển của Hiệp hội và Hội viên.
- Trách nhiệm cao cả của HBA là đại diện và gắn kết mọi hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp Thủ đô trước xu thế phát triển và hội nhập của nền kinh tế toàn cầu. Với trách nhiệm đó, các doanh nghiệp Thủ đô cần phải được nâng cao năng lực quản lý và năng lực cạnh tranh. Mọi hoạt động của Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố phải là đòn bẩy, là động lực cho các doanh nghiệp Thủ đô ngày càng phát triển góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
7. Quyền hạn của HBA
- Tuyên truyền mục đích của Hiệp hội;
- Đại diện cho Hội viên trong các mối quan hệ đối nội, đối ngoại có liên quan đến chức năng nhiệm vụ của Hiệp hội;
- Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Hiệp hội và Hội viên;
- Tổ chức phối hợp hoạt động, thúc đẩy hợp tác giữa các Hội viên vì lợi ích chung của Hiệp hội và Hội viên; hoà giải tranh chấp trong nội bộ Hiệp hội;
- Phổ biến huấn luyện kiến thức cho Hội viên, cung cấp thông tin cho Hội viên theo quy định của pháp luật;
- Tư vấn, phản biện các vấn đề thuộc phạm vi hoạt động của Hiệp hội theo đề nghị của các tổ chức, cá nhân;
- Được tiếp nhận và tuyên truyền đến Hội viên các văn bản do Thành phố ban hành phục vụ cho việc thực hiện nhiệm vụ của Hiệp hội;
- Tham gia ý kiến vào các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến nội dung hoạt động của Hiệp hội theo quy định của pháp luật. Kiến nghị với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đối với các vấn đề liên quan tới sự phát triển của Hiệp hội và lĩnh vực mà Hiệp hội hoạt động;
- Phối hợp với các cơ quan tổ chức có liên quan của để thực hiện nhiệm vụ của Hiệp hội;
- Được gây quỹ Hội viên trên cơ sở Hội viên và các nguồn thu từ hoạt động kinh doanh, dịch vụ theo quy định của pháp luật để trang trải về kinh phí hoạt động;
- Được nhận các nguồn tài trợ hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật;
- Được sự hỗ trợ từ nguồn ngân sách Nhà nước đối với những hoạt động gắn với nhiệm vụ của Nhà nước theo quy định của Chính phủ và của Hà Nội;
- Hiệp hội có phạm vi hoạt động tại Thủ đô Hà Nội, được phép đặt các văn phòng đại diện, chi nhánh tại các tỉnh, khác trong cả nước và tại nước ngoài. Được gia nhập làm Hội viên của các tổ chức chính trị - xã hội; các tổ chức xã hội và tổ chức xã hội - nghề nghiệp khác trong cả nước và các tổ chức quốc tế theo quy định của pháp luật.
8. Tiêu chuẩn gia nhập HBA
Mọi doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân có đủ tiêu chuẩn, tán thành Điều lệ của Hiệp hội, tự nguyện tham gia, có đơn xin gia nhập và được Ban thường trực của Hiệp hội đồng ý, đều có thể thở thành Hội viên của Hiệp hội.