Hiệp Hội Doanh Nghiệp Thành Phố Hà Nội - Số 445 Đội Cấn - Ba Đình - Hà Nội - Tel: (024)3.7674454 - 2.2122725 / Fax: (024)3.7674453 / E-mail: hba@hba.vn
Thương mại Việt - Pháp phát triển năng động    10/28/2014 9:17:36 AM
Việc hai nước Việt - Pháp nâng tầm quan hệ lên Đối tác chiến lược trong dịp kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1973 - 2013) cho thấy, cả hai nước đều đánh giá rất cao vị trí, vai trò của nhau trong định hướng chiến lược quan hệ ngoại giao, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế - thương mại.

Pháp hiện là đối tác thương mại châu Âu lớn thứ 3 của Việt Nam, chỉ sau Đức và Anh, với kim ngạch thương mại hai chiều hơn 3,2 tỷ USD năm 2013, trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Pháp hơn 2,2 tỷ USD, Pháp nhập khẩu của Việt Nam gần 1 tỷ USD.


Pháp hiện là đối tác thương mại châu Âu lớn thứ 3 của Việt Nam, với kim ngạch thương mại hai chiều hơn 3,2 tỷ USD năm 2013      

Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan trong 5 tháng đầu năm cũng cho thấy sự phát triển ổn định trong trao đổi thương mại giữa hai nước, với tổng kim ngạch hơn 1,25 tỷ USD. Việt Nam tiếp tục xuất siêu, với kim ngạch xuất khẩu gần 742 triệu USD và nhập khẩu gần 516 triệu USD từ Pháp.

Theo bà Nguyễn Mai Phương, tùy viên ngành công nghiệp của Cơ quan Thương mại Pháp (UBIFRANCE) tại Việt Nam, ngành dệt may Việt Nam đạt mức doanh thu 23 tỷ USD, trong khi Pháp là nước đứng thứ 6 thế giới về xuất khẩu thiết bị ngành dệt, với kim ngạch xuất khẩu 1,2 tỷ USD/năm, nên cơ hội giao thương giữa hai bên là rất lớn.

Các doanh nghiệp như Laroche, Schlumberger, Superba... hiện dẫn đầu không chỉ ở Pháp, mà cả ở tầm thế giới về sản xuất dây chuyền kéo xơ, len, xử lý dệt, nhuộm... đang coi doanh nghiệp dệt may Việt Nam là khách hàng tiềm năng cực kỳ lớn để phát triển thị trường.

Tương tự, theo bà Trịnh Thị Minh Ngọc, tùy viên thương mại ngành y tế và dược phẩm của UBIFRANCE, năm 2012, doanh thu của thị trường trang thiết bị y tế Việt Nam ước đạt hơn 634 triệu USD. Con số này có thể lên tới 1 tỷ USD vào năm 2015.

Hiện nay, 90% trang thiết bị y tế sử dụng tại các trung tâm y tế và bệnh viện tại Việt Nam phải nhập khẩu. Đây chính là cơ hội để các doanh nghiệp Pháp tiếp cận thị trường đầy tiềm năng này.

Cuối tháng 3 năm nay, UBIFRANCE đã tổ chức cho 11 doanh nghiệp trong lĩnh vực y tế của Pháp tới Việt Nam giới thiệu hàng loạt công nghệ, máy móc hàng đầu trong lĩnh vực chẩn đoán, xét nghiệm, thiết bị thẩm mỹ, nhãn khoa, nội thất bệnh viện, chấn thương chỉnh hình... Qua đó, khá nhiều bệnh viện của Việt Nam đã tìm được cơ hội nhập khẩu những máy móc hàng đầu, nâng cao năng lực phục vụ công tác khám chữa bệnh...

UBIFRANCE cho biết, từ nay tới cuối năm, cơ quan này sẽ tổ chức thêm nhiều đoàn doanh nghiệp Pháp sang Việt Nam tìm kiếm cơ hội hợp tác, giao thương.

Nói như lời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại hội đàm với Thủ tướng Pháp Jean-Marc Ayrault diễn ra ngày 26/9/2013, độ mở thị trường cho Việt Nam rất lớn khi hàng hóa qua Pháp tiếp cận sâu hơn vào châu Âu.

Ngược lại, thông qua Việt Nam, Pháp cũng có thể tiếp cận thị trường rộng lớn của các nước Đông Nam Á, hay 12 nước châu Á - Thái Bình Dương (bao gồm cả Mỹ, Nhật Bản) khi Việt Nam chuẩn bị hoàn tất gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Và quan hệ Đối tác chiến lược mà hai nước đã ký kết sẽ là xung lực mạnh mẽ cho phát triển quan hệ thương mại giữa hai nước thời gian tới.
  
tác giả Nguồn http://baodautu.vn 

Ký kết Thỏa thuận hợp tác giữa Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hà Nội (HBA) và Hội Doanh nhân người Việt Nam (ASSOEVI) tại Italia, ngày 17/09/2012.
Hình ảnh nổi bật
HBA làm việc với các Sở chức năng của Hà Nội