Hiệp Hội Doanh Nghiệp Thành Phố Hà Nội - Số 445 Đội Cấn - Ba Đình - Hà Nội - Tel: (024)3.7674454 - 2.2122725 / Fax: (024)3.7674453 / E-mail: hba@hba.vn
Việt Nam xây dựng nền kinh tế tự chủ - Bài 1: Năng lực tự thân và nhu cầu thay đổi    7/1/2014 3:10:00 PM
LTS: Xây dựng một nền kinh tế có nội lực mạnh mẽ, không chịu tác động quá lớn từ bất kỳ một đối tác nào không phải là vấn đề bây giờ mới được đặt ra, nhưng hiện nay đang trở thành một yêu cầu bức thiết hơn bao giờ hết, nhất là trong bối cảnh tình hình biển Đông vẫn diễn biến phức tạp. Bắt đầu từ số báo này, Báo SGGP khởi đăng loạt bài đề cập một cách toàn diện về vấn đề đang thu hút sự quan tâm của hàng chục triệu người Việt Nam ở trong nước và nước ngoài. Chúng tôi hy vọng qua đó sẽ cung cấp cho bạn đọc một cái nhìn toàn cảnh, đồng thời góp sức tìm ra những đường hướng, giải pháp nhằm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nền kinh tế mạnh, phát triển bền vững và có khả năng tự chủ cao.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, năm 2013, Trung Quốc chiếm tới 28,1% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam và là thị trường nhập siêu lớn nhất của Việt Nam với mức 23,7 tỷ USD trong năm 2013. Chỉ trong 5 tháng đầu năm 2014, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 6,1 tỷ USD, tăng trưởng 23,7% và nhập khẩu từ thị trường này 16,1 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ; tương ứng với mức nhập siêu 10 tỷ USD… Với giá thành rẻ, nguồn hàng dồi dào, nguồn nguyên vật liệu từ thị trường Trung Quốc đang là đầu vào thiết yếu đối với rất nhiều doanh nghiệp (DN) Việt Nam.


Doanh nghiệp sản xuất máy tính rất cần công nghiệp hỗ trợ để nâng cao tỷ lệ nội địa hóa. Ảnh: CAO THĂNG

    Công nghiệp hỗ trợ thiếu và yếu

Thực tế là hầu hết các ngành công nghiệp lớn Việt Nam đều đang phải nhập khẩu một tỷ lệ lớn nguyên liệu, phụ kiện ở nước ngoài để sản xuất.

Theo ông Lê Hoài Quốc, Trưởng Ban quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM, hiện tỷ lệ nội địa hóa trong các sản phẩm công nghiệp chỉ mới chiếm khoảng 20%; 80% còn lại phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Đơn cử, đối với ngành điện - điện tử, nhóm ngành đang phát triển mạnh tại TPHCM (chiếm hơn 50% tổng số DN điện tử trên cả nước), gần đây tỷ lệ nội địa hóa có tăng, chiếm khoảng 20% - 30%; song vẫn còn thấp so với mong đợi.

Mặt khác, nội địa hóa trong sản xuất sản phẩm điện tử lại tập trung vào bao bì, các chi tiết nhựa, khung vỏ máy… tức là những sản phẩm có giá trị gia tăng thấp. Các linh kiện điện tử có giá trị gia tăng cao và đòi hỏi trình độ công nghệ cao như linh kiện bán dẫn, linh kiện cơ khí điện tử… thì DN Việt Nam chưa tự sản xuất được, hoặc nếu có cũng chỉ ở mức độ nghiên cứu và sản xuất thử nghiệm nhỏ lẻ. Riêng đối với nhóm ngành công nghệ cao, tỷ lệ nội địa hóa còn thấp hơn nữa, do vậy giá trị gia tăng của các sản phẩm công nghệ cao chỉ chiếm khoảng 15% - 17% giá thành sản phẩm.

Đồng quan điểm này, ông Vũ Văn Hòa, Trưởng Ban Quản lý các KCX-KCN TPHCM cho rằng, dù Chính phủ đã ban hành một số chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) nhưng việc phát triển CNHT Việt Nam còn rất yếu so với các nước trong khu vực, chưa liên kết được DN hỗ trợ Việt Nam với DN có vốn FDI, chưa trở thành động lực cho sự phát triển kinh tế đất nước.

Cụ thể, chỉ tính trong 13 khu chế xuất, khu công nghiệp trên địa bàn TP đang hoạt động, đối với các DN có vốn FDI, có 261 DN thuộc ngành CNHT, chiếm 50,28% tổng doanh nghiệp FDI, chủ yếu sản xuất sản phẩm hỗ trợ cho các ngành: điện tử, cơ khí, ô tô,… Sản phẩm của các DN này chủ yếu được xuất khẩu ra nước ngoài nhằm thực hiện các công đoạn tiếp theo của chuỗi cung ứng toàn cầu. Phần lớn nguyên liệu, linh kiện phụ tùng cho các DN này được nhập khẩu từ nước ngoài, cho thấy liên kết giữa các DN có vốn FDI và DN trong nước còn kém.

Trong khi đó, đối với các DN trong nước, có 371 DN sản xuất CNHT, chiếm 47,38% DN trong nước, sản phẩm chủ yếu phục vụ cho các ngành: cơ khí, dệt may, bao bì… Sản phẩm CNHT của DN trong nước có giá trị gia tăng thấp và hầu hết chưa tham gia trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Nguyên nhân do nhiều DN trong nước sử dụng công nghệ, máy móc cũ, lạc hậu nên chưa đáp ứng được các yêu cầu của thị trường.

Còn theo Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) Văn phòng TPHCM, vấn đề lớn nhất khi đầu tư vào Việt Nam là sự thiếu vắng các ngành CNHT. Theo khảo sát của JETRO năm 2013, tỷ lệ cung cấp nội địa cho các công ty Nhật Bản rất thấp: chưa đến 32% tại Việt Nam so với 64% tại Trung Quốc và 53% tại Thái Lan.

    Nhu cầu bức thiết

Không chỉ các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhận thức khá rõ về sự bất lợi, kém thế khi lệ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, đặc biệt từ thị trường Trung Quốc. Một số doanh nghiệp lớn đã xây dựng kế hoạch nội địa hóa theo hướng tăng dần; hướng đến tự chủ nguồn nguyên liệu hoặc đa dạng hóa nguồn nhập khẩu từ các nước khác.

Đơn cử, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đang triển khai các dự án chuỗi nhà máy dệt - nhuộm - may để khép kín quy trình sản xuất. Trong năm 2014, Vinatex sẽ đầu tư thêm 5.000 tỷ đồng cho các dự án phát triển nguyên phụ liệu, trong đó tập trung các dự án sợi, dệt nhằm gia tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm. Mục tiêu của Vinatex là đạt 30.000ha diện tích cây bông vải vào năm 2015 và 76.000ha vào năm 2020.

Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM cũng cho biết họ đã cơ cấu lại sản xuất, nguyên liệu đầu vào, đồng thời tăng cường sử dụng nguyên liệu trong nước thông qua các hoạt động của hiệp hội; tăng cường liên kết với các doanh nghiệp khác để chủ động hơn về nguyên liệu đầu vào. “Hy vọng với sự liên kết ngày càng chặt chẽ giữa các doanh nghiệp trong nước, nhiều đơn vị trước đây nhập nguyên phụ liệu từ Trung Quốc sẽ biết đến và tìm đến các nhà cung ứng trong nước”- Giám đốc Công ty TNHH SX Cơ khí Hòa Nhơn Trần Văn Hòa (Bình Chánh, TPHCM) nói.


Doanh nghiệp ngành nhựa chủ động nâng cao năng lực và đa dạng nguồn nguyên liệu từ nhiều quốc gia. Ảnh: CAO THĂNG

    Khó khăn còn nhiều

Tuy nhu cầu là rất lớn, song thực hiện được việc xây dựng, phát triển nguồn nguyên liệu trong nước không phải nhiệm vụ dễ dàng. Bà Nguyễn Ngọc Hoàng Uyên, Giám đốc điều hành Công ty HoneyB thuộc Khu công nghệ cao TPHCM cho biết, sản phẩm của CNHT trong nước phải chịu thuế doanh nghiệp nên khó cạnh tranh về mặt giá thành với hàng nhập khẩu từ nước ngoài về không phải chịu thuế. Ngoài ra, các sản phẩm linh kiện cung ứng trong nước chưa đủ chủng loại; chưa tuân thủ tiêu chuẩn chung...

Theo bà Uyên, để ngành CNHT trong nước phát triển, nhà nước cần có chính sách ưu đãi thuế, cũng như các chế độ ưu đãi khác; xây dựng cơ quan trung gian kiểm định chất lượng sản phẩm trong nước để tạo lòng tin cho khách hàng khi sử dụng sản phẩm.

Còn bà Trương Vân Tiên, Giám đốc Công ty cơ khí Duy Khanh cho rằng, để sản xuất được những sản phẩm linh kiện phải có thiết bị chuyên dùng chứ không thể “tận dụng” các thiết bị hiện có. “Đầu tư thiết bị chuyên dùng rất tốn kém, nếu chưa đảm bảo đầu ra lớn và ổn định thì doanh nghiệp không dám làm”, bà Tiên nói. Bên cạnh đó, năng suất lao động hiện nay còn thấp. Đó là hai lý do chính yếu để các doanh nghiệp khó tham gia cung cấp được linh kiện cho chuỗi cung ứng của các công ty toàn cầu.

Dù sự phát triển của ngành CNHT ở Việt Nam còn thấp nhưng cơ hội đối với ngành này rất lớn. Theo ông Duangdej Yuaikwamdee, Phó Giám đốc điều hành Công ty Reed Tradex, hiện Việt Nam là một điểm đến đầu tư rất hấp dẫn cho các nhà sản xuất quốc tế trong lĩnh vực ô tô, điện tử và các ngành CNHT. Do đó, để theo kịp khả năng cạnh tranh cũng như có được khách hàng mới, các nhà sản xuất Việt Nam cần mở rộng dây chuyền sản xuất cũng như tiếp tục cải thiện năng suất, chất lượng và số lượng sản phẩm. Tìm kiếm các đối tác phù hợp để hợp tác kinh doanh cũng sẽ giúp ngành công nghiệp của Việt Nam phát triển mạnh mẽ và thu được lợi nhuận trong thời gian tới.

Để giảm sự lệ thuộc nguồn nguyên liệu nhập khẩu, Việt Nam đang hướng đến mục tiêu tỷ lệ nội địa hóa năm 2015 đạt 55%, năm 2020 đạt 65% và đạt 70% năm 2030 đối với ngành dệt may (Theo Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp Dệt May Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030) và gia tăng tỷ lệ nội địa hóa trong sản phẩm các lĩnh vực điện - điện tử, công nghệ thông tin… lên mức 25% vào năm 2015 và đến năm 2020 là 40% như mục tiêu các ngành đề ra.
  
tác giả Nguồn sggp.org.vn 

Ký kết Thỏa thuận hợp tác giữa Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hà Nội (HBA) và Hội Doanh nhân người Việt Nam (ASSOEVI) tại Italia, ngày 17/09/2012.
Hình ảnh nổi bật
HBA làm việc với các Sở chức năng của Hà Nội