Hiệp Hội Doanh Nghiệp Thành Phố Hà Nội - Số 445 Đội Cấn - Ba Đình - Hà Nội - Tel: (024)3.7674454 - 2.2122725 / Fax: (024)3.7674453 / E-mail: hba@hba.vn
EU không phải đối thủ cạnh tranh của Việt Nam    5/8/2014 8:58:50 AM
“Về mặt kinh tế, EU là thị trường có vị trí hàng đầu, quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và EU hỗ trợ nhau là chính, EU không phải là đối thủ cạnh tranh chủ yếu của Việt Nam”.

Đây là nhận định của ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại (cũ) tại Hội thảo “Đánh giá tác động kinh tế, xã hội và môi trường của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA)” do Trung tâm WTO TP.HCM tổ chức sáng nay 5/3 tại TP.HCM.

Xét về quan hệ kinh tế, EU là thị trường có vị trí hàng đầu trong xuất khẩu và tiếp nhận đầu tư của Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường EU tăng trưởng ổn định với tốc độ bình quân khoảng 15 - 20%/năm ngay cả khi ảnh hưởng suy thoái kinh tế.

EU cũng là nhà đầu tư hàng đầu vào Việt Nam. Cụ thể, theo số liệu do ông Tuyển đưa ra, hiện tổng vốn đầu tư của EU vào Việt Nam đạt 17 tỷ USD với 1.300 dự án. Trong khi đó, Việt Nam cũng có 33 dự án đầu tư vào EU với tổng số vốn khoảng 110 triệu USD.


Thương mại hai chiều giữa Việt Nam và EU chủ yếu là bổ trợ lẫn nhau, Việt Nam không quá lo lắng về cạnh tranh khi tự do hóa thương mại với EU
Tuy nhiên, nhiều người vẫn lo ngại kinh tế Việt Nam sẽ bị tác động ít nhiều khi Hiệp định EVFTA được ký kết.

Các chuyên gia cho rằng, khi EVFTA được thực thi, thương mại hai chiều chắc chắn sẽ có bước tăng trưởng mạnh hơn. Về lĩnh vực công nghiệp, Việt Nam sẽ có lợi thế xuất khẩu đối với 3 ngành mũi nhọn là dệt may, da giày và thủ công mỹ nghệ; đầu tư sẽ thu hút vào 4 ngành là dệt may, da giày, công nghệ cao và ô tô.

Còn về lĩnh vực nông nghiệp, Việt Nam có nhu cầu đáng kể về đầu tư vào toàn bộ chuỗi giá trị ngành chế biến nông phẩm để tăng tính cạnh tranh toàn cầu. Điều này sẽ thu hút các nhà đầu tư EU. Từ đó, Việt Nam sẽ có lợi thế trung và dài hạn.

Trong khi đó, nếu xét về ngắn hạn, ông Trương Đình Tuyển cho rằng, thương mại hai chiều giữa Việt Nam và EU chủ yếu là bổ trợ lẫn nhau, Việt Nam không quá lo lắng về cạnh tranh khi tự do hóa thương mại với EU.

Theo ông Tuyển, điều quan trọng khi mở cửa thương mại với EU là kích thích cải thiện thể chế tại Việt Nam thể hiện trong các chương trình đầu tư, mua sắm chính phủ, doanh nghiệp nhà nước, cơ chế thực thi và chế tài xử phạt.

“Chúng ta buộc phải sửa đổi và ban hành mới khá nhiều điều luật như luật doanh nghiệp, luật đầu tư, luật đấu thầu, luật mua sắm công, luật cạnh tranh và cả luật sở hữu trí tuệ”, ông Tuyển nhấn mạnh.

Ngoài ra, theo các chuyên gia, Hiệp định EVFTA cũng tác động mạnh mẽ đến môi trường kinh doanh thông qua các cam kết về hải quan, thuế suất, minh bạch hóa…  
tác giả NGÔN DÂN/Bizlive 

Ký kết Thỏa thuận hợp tác giữa Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hà Nội (HBA) và Hội Doanh nhân người Việt Nam (ASSOEVI) tại Italia, ngày 17/09/2012.
Hình ảnh nổi bật
HBA làm việc với các Sở chức năng của Hà Nội