Hiệp Hội Doanh Nghiệp Thành Phố Hà Nội - Số 445 Đội Cấn - Ba Đình - Hà Nội - Tel: (024)3.7674454 - 2.2122725 / Fax: (024)3.7674453 / E-mail: hba@hba.vn
NGUYỄN HỮU KHAI Thao thức với đời    6/14/2011 3:16:07 PM

Đời người, ai chẳng phải thao thức trước những biến cố quan trọng. Nhưng với lương y tiến sĩ Nguyễn Hữu Khai dường như đêm nào ông cũng thao thức, trăn trở. Đến cả giấc ngủ trưa cũng thao thức, chập chờn. Có hôm phải dùng biện pháp khí công “xả khí, giải uất ” mới chợp mắt được. Là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Y Dược Bảo Long nổi tiếng từ tài năng, y đức đến những chuyện tình sâu nặng được nhà văn Hoàng Dự lấy  làm nguyên mẫu cho tiểu thuyết “Đường đời” và phim truyện 25 tập cùng tên phát sóng VTV hàng chục lần, Nguyễn Hữu Khai luôn phải thao thức trăn trở lo lắng cho sự phát triển của một thương hiệu có uy tín. Lo việc, lo lương, lo thưởng, lo cải thiện đời sống cho cả ngàn công nhân viên. Trong thời buổi cạnh tranh của cơ chế thị trường phải đương đầu với bao biến động của giá cả, của suy thoái, lo vốn, lo đổi mới công nghệ, lo đào tạo nguồn nhân lực với chất lượng cao, lo duy trì chất lượng sản phẩm, lo giáo dục tinh thần phục vụ, y đức của nhân viên, lo đủ lợi nhuận cho các cổ đông v.v... là nhà lãnh đạo chủ chốt một doanh nghiệp lớn, nhiều đêm phải mất ngủ, phải thao thức cũng là chuyện bình thường. Nhưng có những điều làm Nguyễn Hữu Khai thao thức, trằn trọc nặng nề, đau đớn, ấy là khi đứng trước căn bệnh phải bó tay, nhìn thần chết phủ bóng đen lên bệnh nhân của mình.


Nguyễn Hữu Khai nhiều lần tâm sự với tôi về điều đó và khẳng định rằng: “Bệnh nhân chính là thầy của mình. Cứu chữa họ chính là nâng tầm kiến thức, nâng tâm hồn, tầm vóc, giúp mình tự hoàn thiện. Không có bệnh hiểm nghèo thì không có thầy thuốc giỏi”. Chính vì hiểu được quan niệm chữa bệnh đầy trách nhiệm, đầy nhiệt tình của Nguyễn Hữu Khai mà tôi đã nhiều lần giới thiệu bạn bè tìm đến anh khi đã vô  phương cứu chữa. Có người khỏi bệnh, khỏe mạnh. Có người sống thêm được vài năm, vài tháng... Nhưng hầu hết các bệnh nhân được Nguyễn Hữu Khai cứu chữa đều có chung niềm tin lạc quan, phấn chấn, trân trọng hơn với mỗi ngày được sống, được chăm sóc tận tình, kể cả những bệnh nhân bị HIV giai đoạn cuối.


Vào một đêm mùa đông năm 2006, tôi điện thoại hỏi thăm và thông tin cho Nguyễn Hữu Khai ở báo Thanh Niên có đăng bài “Một chuyện tình cảm động” viết về chàng trai Trương Văn Chín quê tận Tiền Giang đã bỏ cả công việc ra tận Tân Kỳ - một huyện miền núi Nghệ An, để chăm sóc người yêu là Nguyễn Thị Phương, con một gia đình nông dân nghèo bị bệnh u tuỷ nằm liệt đã hơn 3 năm, dù đã được nhiều bệnh viện cứu chữa, nhưng bệnh ngày càng nặng, đang cận kề cái chết.


Nguyễn Hữu Khai nghe xong thở dài: “đúng là chuyện cổ tích, xúc động quá”


Dù biết cô gái này từng là công nhân may mặc ở Sài Gòn đã được cả các bác sĩ Pháp chữa trị, mà bệnh viện phải trả về là kết luận cuối cùng của y học hiện đại rồi, nhưng tôi vẫn khích lệ Nguyễn Hữu Khai: - Ông thử liên hệ với phóng viên Báo Thanh Niên, cho cô Phương ra Bệnh viện Bảo Long. Biết đâu...


Nguyễn Hữu Khai chấp nhận ngay và nhắc lại với tôi trường hợp của vận động viên quốc gia Lê Thị Huệ, bị tai nạn gẫy đốt sống cổ, liệt tứ chi, các bệnh viện lớn đã trả về, được Nguyễn Hữu Khai chữa trị khỏi bệnh và còn đào tạo cho nghề đánh máy vi tính văn phòng...


Là nhà văn tôi hay tưởng tượng ra những viễn cảnh tốt đẹp. Song trong chuyện tình của Phương và Chín, thực lòng tôi chỉ mong sao Nguyễn Hữu Khai kéo dài thêm cho Phương những ngày được sống cạnh người yêu vì chính Phương cũng đã ý thức được căn bệnh của mình, lặng lẽ rời Sài Gòn về quê, không hề cho Chín biết địa chỉ của mình. Vậy mà... Tôi không thể hình dung nổi suốt 3 năm qua họ làm gì để sống giữa một xóm miền núi heo hút, nghèo nàn.


Khoảng 3 giờ sáng, chuông điện thoại réo, giọng Nguyễn Hữu Khai chậm rãi vang lên:


- Em tính rồi, bác ạ! Sáng mai ta vào Nghệ An. Em cho cả xe cứu thương, bác sỹ, y tá ... cùng vào đón cô Phương ra chứ nhà ấy sạt nghiệp vì con gái và cả chàng rể thất nghiệp rồi... Hoàng Dự cũng nhận lời đi đấy!


Với sự giúp đỡ của Công ty Dược Nghệ An, chúng tôi đến huyện Tân Kỳ trước sự đón tiếp nồng nhiệt của Huyện ủy và ủy ban nhân dân huyện. Cái xóm nhỏ Nghĩa Dũng nơi có ngôi nhà cấp 4 của Phương chật kín người. Họ không thể ngờ, có một thầy thuốc nổi tiếng đưa cả xe, cả bác sĩ, nhân viên đến đón một bệnh nhân gặp bệnh hiểm nghèo ra Hà Nội chữa miễn phí.


Nguyễn Thị Phương nằm liệt trên chiếc giường nhỏ ở nhà ngang, tay, chân teo như ống sậy, da xanh bợt, nhăn nhúm nhưng vẫn cố nở nụ cười chào chúng tôi. Nguyễn Hữu Khai bắt mạch, kiểm tra kỹ lưỡng rồi quay ra nói với Trương Văn Chín: - “Tôi nhận em vào làm việc ở Tập đoàn Bảo Long chế độ như Cán bộ công nhân viên, nhiệm vụ chính là tiếp tục chăm sóc Phương thật tốt”. Biết chú em Phương từng theo chị vào Sài Gòn làm ăn, nay đã về quê  Nguyễn Hữu Khai nhận luôn về Bảo Long.


Ông Võ Viết Thanh - Bí thư Huyện ủy Tân Kỳ xúc động trước tấm lòng của Nguyễn Hữu Khai, lạc quan nói: “Biết đâu điều kỳ diệu sẽ xảy ra”.


Tôi động viên Chín: “Cứ yên tâm, sang năm Phương khỏe lên, Bảo Long sẽ tổ chức đám cưới cho. Đã có hàng chục đám cưới được tổ chức trang trọng tại Bảo Long  đấy”.


Nói vậy, mong muốn vậy, nhưng nhìn thấy thân hình khô đét, thần sắc xám xịt của Phương, ăn uống còn phải nhờ người bón, đại tiểu tiện không tự chủ, phải dùng ống thông và tháo thụt, tôi không tin cô ấy có thể khỏe lên được. Trên đường về Hà Nội, tôi bần thần hỏi Nguyễn Hữu Khai: “Liệu chữa được không?”. Ông trầm ngâm hồi lâu rồi thở dài: Tôi biết muộn quá. Nhưng còn nước còn tát. Điều làm tôi hi vọng đó là khát vọng sống, và tình yêu thương đặc biệt của đôi trai gái này”.  Nguyễn Hữu Khai đã phải vận dụng nhiều bài thuốc cổ truyền với kinh nghiệm lâu năm và kiến thức sâu rộng tâm sinh lý của con người để “hồi sinh” một thân xác đã hoàn toàn khô héo. Ông dành nhiều thời gian để chuyện trò với Phương, hiểu rõ mong ước được làm mẹ nên đã cho phép Chín được sinh hoạt gần gũi với Phương. Ông cũng tăng dần các vị thuốc phục hồi chức năng sinh lý cho đôi trẻ và điều đó hiệu quả ngay. Da Phương dần trở nên hồng hào, đôi mắt long lanh. Mỗi sáng soi gương tự thấy mình đẹp hơn, giọng nói cũng trong trẻo, ngọt ngào hơn. Từ chỗ bị mất cảm giác từ cổ trở xuống, nay Phương đã phục hồi cảm giác tới đùi và hồi phục kinh kỳ. Các cơ từ ngực tới đùi đã nở ra gần như bình thường, cô đã tự vần xe lăn và tự làm được những việc thông thường. Để giải tỏa tâm lý, Nguyễn Hữu Khai đã cho Chín làm nhân viên Bảo vệ và cho Phương tập làm nhân viên Tổng đài


Vào một đêm cuối thu, Nguyễn Hữu Khai gọi điện đến thông báo cho tôi biết Phương đã có thai. Giọng ông xúc động: (Chính tôi cũng rất bất ngờ vì rất nhiều bác sĩ không tin Phương có thể phục hồi chứ nói gì đến việc mang thai). Tôi đã cử  một bác sĩ sản khoa theo dõi, chăm sóc cho Phương, rất có thể sau sinh nở, người phụ nữ sẽ có những chuyển biến sinh học huyền diệu”.

 

Tôi biết đêm nay Nguyễn Hữu Khai lại thao thức trong thành công bước đầu và gánh nặng là phải bảo vệ và tăng cường hiệu quả! rồi lại phải hợp thức hóa về mặc hôn nhân cho đôi uyên ương Phương - Chín, lo cho đám cưới cho họ. Phải đón gia đình Phương từ quê ra thế nào? Năm hết tết đến còn bao nhiêu việc, ấy vậy mà ông còn tự phác thảo thiếp mời, có cả ảnh chụp cô dâu chú rể rất đẹp và khéo xếp ngày tổ chức tổng kết Tập đoàn vào ngày cưới. Ông không quên nhắc Phương gọi điện mời tôi và giao Chín mang thiếp đến tận nhà...


Tôi đã dự nhiều đám cưới của công nhân cán bộ Bảo Long, kể cả đám cưới của Nguyễn Hữu Khai, nhưng chưa có đám cưới nào niềm vui và niềm xúc động trào dâng mãnh liệt như đám cưới của Phương – Chín. Bố mẹ cô dâu nghẹn ngào không nói lên lời. Còn Nguyễn Hữu Khai thì vui sướng hơn cả hôm ông nhận bằng tiến sĩ của Cộng hòa Liên bang Nga. Chưa cần siêu âm, ông đã rỉ tai tôi: “Chắc chắn là con trai”.


Bé trai ra đời ngày 13/8/2008 được Thầy Khai đặt tên Trương Bảo Phúc vừa mang nặng ân tình Bảo Long vừa gửi gấm vào thế hệ mai sau sự trường tồn của phúc đức và hạnh phúc lứa đôi. Trong cuộc sống hiện đại, vẫn còn nhiều điều khoa học chưa giải thích rạch ròi được, người ta phải cậy nhờ đến tâm linh, ngoại cảm. Nhưng với Nguyễn Hữu Khai mỗi thao thức, trăn trở, tư duy đều bắt nguồn từ tấm lòng nhân ái, bao dung và biết tiến, biết dừng và biết đủ ông vẫn thường tâm sự: “...Biết đủ chẳng nhục, biết dừng chẳng nguy”.


Thời gian khó, khi vợ lớn bỏ, vợ bé qua đời ngay sau khi sinh con, vận hạn chồng chất dẫn tới phá sản, Nguyễn Hữu Khai đã lâm trọng bệnh (lao phổi). Tiền thuốc khi có khi không, bệnh hành hạ hàng năm trời tới mức tuyệt vọng. Trong lúc khốn cùng, Cô học trò chăm sóc thầy, ngủ mơ thấy Tiên giáng thế cho bài thuốc uống và lạ thay trong đêm ấy Nguyễn Hữu Khai cũng có giấc mơ tương tự, bà Tiên dậy rằng: “Lấy đất trên cây mà uống, sẽ khỏi”. Nguyễn Hữu Khai không tin vào các giấc mơ, nhưng cứ thao thức, trăn trở mãi với cụm từ “đất trên cây” là thứ gì vậy? Thế rồi bằng một quyết tâm cao cả và tình thương yêu mãnh liệt, cô học trò về quê ở Bến Tre và đã tìm ra: đất trên cây chính là tổ mối làm trên ngọn cây dừa rồi lấy về cho thầy uống. Vậy mà khỏi bệnh thật. Có phải đó là sự duy tâm thần bí? Đã có lần làm việc với những nhà khoa học Nga, Nguyễn Hữu Khai đưa vấn đề này ra hỏi, các bạn đều có một câu trả lời chung: “...Đó là trái chín của một quá trình tư duy sâu sắc”. Không chỉ được “tiên cho bài thuốc” mà nhờ ở lối sống chân tình, giàu lòng nhân ái Nguyễn Hữu Khai được nhiều người quí mến, kính trọng họ đã tự nguyện hiến cho những bài thuốc hay, những phương pháp chữa bệnh độc đáo, hiệu quả. Sau khi nghiên cứu thực nghiệm thành công Nguyễn Hữu Khai lại đăng báo, viết sách hướng dẫn công chúng về những phương pháp chữa bệnh đơn giản tại gia đình như chữa hóc, chữa bỏng, chữa trẻ khóc dạ đề, tắc tia sữa, viêm sưng vú...Rồi đến chứng “mề gà bàn chân”, rất nhiều người ở gậm bàn chân mọc da dày lên

đi rất đau, cắt lớp này, mọc lớp khác, thậm chí khoét sâu tới xương rồi sau đó vẫn tái phát. Vậy mà Nguyễn Hữu Khai đã chỉ dẫn chỉ cần dùng vôi (loại vôi để ăn trầu) ngày bôi vào 1-2 lần mà những mảng mề gà tự mất đi. Còn nhiều bài thuốc được bà con vùng dân tộc thiểu số truyền cho Nguyễn Hữu Khai ứng dụng điều trị công hiệu như thần. Có người còn gán cho ông cái danh trìu mến là “Phù thủy cứu người” bởi những chuyện quá lạ mà khó có thể tin khi không được tận mắt xem ông chữa trị. Ngay cả tôi cũng chưa thể tin nếu không được chứng kiến việc mà Nguyễn Hữu Khai cho người bạn của tôi uống thuốc và xịt thuốc lên mũi. Sau một, hai ngày mủ máu đen cùng hoại tử tàng tích trong các hốc xoang đùn ra qua mũi nhiều khủng khiếp, có tới hàng lưng bát. Đối với người bị bệnh viêm xoang hàng chục năm thì còn xỉ ra cả các cục như cục thịt đông bao quanh là lớp mủ tanh hôi để rồi hết đau đớn và qua chụp X quang không còn dấu hiệu của viêm mũi, viêm xoang. Có hàng trăm người bị viêm xoang có khi đã mổ nạo hút 1-2 lần vẫn tái phát, đã được Nguyễn Hữu Khai chữa khỏi một cách đơn giản như vậy. Có những bệnh nhân đau khớp vai, đau tay hàng năm trời không cất lên được, Nguyễn Hữu Khai dùng kim dài hàng gang châm cứu chỉ một lần là hết đau, đưa được tay lên và hoạt động bình thường... Có nhiều lắm những hiện tượng huyền bí trong con người bằng xương, bằng thịt của Nguyễn Hữu Khai...


Có biết bao công việc thầm lặng, đầy nhân ái cửa Nguyễn Hữu Khai để lại trong lòng hàng vạn bệnh nhân. Nhỏ như chuyện cháu bé là bệnh nhân nội trú ở Bệnh viện Bảo Long. Bố mất sớm, mẹ đi lấy chồng cháu ở với bà nội, ốm đau phải nằm viện được anh em cô chú cho vài trăm nghìn giấu ở trong gối, ngày nào cũng lấy ra đếm. Thế rồi bị mất...cháu khóc lóc bỏ cơm không ăn. Bằng một cách ứng xử tinh tế và nhanh nhẹn, Nguyễn Hữu Khai dặn trước cô hộ lý rồi khuyên cháu. Cô hộ lý sáng nay nói là: “cô có nhặt được tiền của ai rơi ở phòng ngủ và đã gửi cho bảo vệ rồi”. Chính ông đã lấy tiền của mình nhờ bảo vệ trả cho cháu. Thế rồi hôm sau cháu bé gặp Thầy Khai vui cười nói: “Cháu lại thấy tiền ở trong gối! đây mới là tiền của cháu!”. Có lẽ ai đó ngu muội không kìm được lòng tham, nay đã bị nhân cách của Nguyễn Hữu Khai thức tỉnh....Có bệnh nhân không có tiền mua thuốc, gửi thư hỏi: tìm lá gì uống thay được? ông Khai viết thư trả lời kèm theo giấy gửi cho cửa hàng Đại lý gần đó cấp thuốc miễn phí...


Là thầy thuốc ưu tú, danh tiếng như Nguyễn Hữu Khai chỉ cần ngồi xem mạch, bốc thuốc, cũng thừa giàu sang. Nhưng tôi biết, ông luôn nhọc tâm thao thức vì phải lo lắng cho sự phát triển của Bảo Long, vì cuộc sống của hàng ngàn cán bộ công nhân và gia đình họ.... những người đã tin cậy ông, nhờ có ông mà vượt qua nghèo đói, khẳng định được chính mình. Trải qua 4 cuộc tình sâu nặng, Nguyễn Hữu Khai luôn chu đáo, lo toan đầy trách nhiệm với vợ con, anh em, bạn bè. Nhưng dường như họ chưa hiểu đầy đủ về ông, chưa thể cùng thao thức, trăn trở, chia sẻ với ông trong những biến cố khốc liệt của cuộc đời. Anh em con cháu, “đệ tử” cứ giàu lên còn ông vẫn nghèo. Những lúc “nhà giột, nợ đòi” mới càng thấm thía hai chữ “cô đơn”.


Những đêm thao thức Nguyễn Hữu Khai thường gọi điện tâm sự với tôi, trao đổi với tôi nhiều hoài bão lớn như dự án: “Thay vùng trồng thuốc phiện cũ ở miền núi bằng nông trường trồng dược liệu để chủ động nguồn dược liệu hạn chế sự lệ thuộc vào Trung Quốc và tạo công ăn việc làm cho bà con vùng sâu vùng xa”. Dự án “Liên kết với các trại giam giúp phạm nhân trồng dược liệu”, dự án “Mở trường cao đẳng, trường đại học Y dược Bảo Long...” Có những dự án làm khổ ông khá nhiều khi triển khai như Trường Phổ thông Võ thuật Bảo Long. Cái sự say mê võ thuật và văn chương của Nguyễn Hữu Khai đều có nguồn gốc sâu sắc giúp con người khỏe mạnh cả thể chất lẫn tâm hồn chứ không hẳn như ai đó lầm tưởng ông tham nhiều danh lợi...


Ông đã từng làm báo, sáng tác nhiều thơ, viết truyện ngắn, truyện thơ, từng tổng kết những căn bệnh thông thường và cách chữa trị bằng thơ, viết cẩm nang chữa bệnh cho mọi nhà và kỳ công đi khắp các tỉnh thành phố kết hợp với Sở y tế và các Hội tổ chức Hội thảo khoa học, thuyết trình về đề tài phòng bệnh chăm sóc bảo vệ sức khỏe giúp mọi người hiểu biết đầy đủ hơn về sức khỏe và tự chăm lo cho mình.


Không ai tổng kết được tác dụng của những buổi thuyết trình “không công” ấy của Nguyễn Hữu Khai, nhưng rất nhiều người gặp tôi, thừa nhận rằng: Nhờ nâng cao hiểu biết mà họ sống khỏe hơn, giảm tật bệnh mà minh mẫn dẻo dai hơn. Tự mình biết được bệnh của mình mà lo điều tiết ăn uống, sinh hoạt, chữa trị. Khá nhiều người còn trẻ bị liệt dương, nhờ thuốc “Bảo Long” mà “chồng uống vợ vui”. Có vị đã ngoài bảy mươi “bất lực hoàn toàn” hơn 10 năm qua, nhờ uống “Kim mâu” “Bổ thận hoàn” của Bảo Long, bỗng đòi cưới vợ lần nữa...


Nguyễn Hữu Khai không tiếc công sức, tiền của, kết hợp với các nhà khoa học Liên Bang Nga và Viện Y học lâm sàng nhiệt đới do Giáo sư Lê Đăng Hà - Viện trưởng và Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Đức Hiền – viện phó cùng một số nhà khoa học nghiên cứu thực nghiệm đề tài tăng khả năng miễn dịch bằng thảo dược hỗ trợ điều trị HIV. Bước đầu đã có những kết quả rất khả quan. Được báo Dược học – Bộ y tế đăng nhiều kỳ. Có biết bao ý tưởng tốt đẹp từng phải thao thức dày vò Nguyễn Hữu Khai mà “lực bất tòng tâm”. Bạn bè, anh em cảm thông tin tưởng góp vốn cho Nguyễn Hữu Khai xây dựng và phát triển. Nhiều lúc tôi ao ước mình trở thành một tỷ phú USD để đầu tư cho Nguyễn Hữu Khai mở mang những dự án mang tầm chiến lược, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc.


Đã gần 20 năm quen biết nhau, nhưng mỗi lần gặp Nguyễn Hữu Khai tôi lại khám phá thêm ở ông những điều mới lạ. Sáng nay, một giám đốc mỏ nhờ tôi đưa đến gặp Nguyễn Hữu Khai. Tưởng vị giám đốc có bệnh, Nguyễn Hữu Khai vui vẻ mời vào phòng xem mạch. Nhưng ông giám đốc mỏ lắc đầu, giọng khẩn khoản: “- Tôi muốn nhờ anh đến thăm bệnh cho một thợ mỏ của tôi bị tai nạn gãy xương sống, liệt gần một năm rồi, mất hẳn khả năng “sinh lý”. Cậu ấy là em  tiểu đoàn trưởng cũ của tôi, hi sinh ở Quảng Trị. Cậu ấy là con một, nếu không sinh con là “Trưởng tộc tuyệt tự”. Vợ cậu ấy thì cương quyết không có con với bất cứ ai cho dù nhà chồng vui vẻ chấp nhận mọi cách để cô có thể sinh con.


Ông giám đốc mỏ đặt lên bàn một cọc tiền 500.000đồng ước khoảng 50 triệu và tiếp: “- Anh cố giúp, chi phí bao nhiêu tôi lo được, chỉ cần họ có tương lai hạnh phúc.”


Nguyễn Hữu Khai đẩy cọc tiền về phía vị giám đốc mỏ, cười đôn hậu:


- Tôi đang rất thiếu tiền... nhưng việc chữa bệnh cứu người... cứu một thợ mỏ bị tai nạn mang lại hạnh phúc cho họ  thì dù không có đồng  nào, tôi cũng sẽ hết lòng...


Nguyễn Hữu Khai dẫn ông giám đốc mỏ lên thăm mẹ con Phương và nói: “Không dám hứa trước điều gì, nhưng vì tấm lòng của anh với thợ mỏ bị tai nạn, tôi tin trời sẽ phù hộ và ban phước lành  như trường hợp của vợ chồng Phương - Chín”.


Nguyễn Hữu Khai có một công lao lớn với nhân dân, với xã hội đó là đã đào tạo và giáo dục được một thế hệ thầy thuốc kế cận tài năng, giàu y đức, họ mang nhân cách, phong cách và tinh thần cao thượng của thầy mình để hết lòng vì người bệnh và chữa trị có hiệu quả cao tại Bệnh viện đa khoa Bảo Long như: Bác sĩ Bùi Thế Khoa, Nguyễn Thị Thu Huyền, Nguyễn Khánh Linh, Vũ Đình Vượng, Nguyễn Thị Mai Hương, Đỗ Mai Phương, Lê Minh Hải, Nguyễn Văn Chung, Đặng Thị Thơm…Bệnh viện Bảo Long là nơi điển hình của sự trong lành, thân thiện, y đức, và hiệu quả. Bệnh nhân từ khắp mọi miền đất nước cùng Việt Kiều tìm về chữa bệnh và điều dưỡng. Các thầy thuốc Bảo Long còn vinh dự được đón nhận lòng tin của các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta và các đồng chí Lãnh đạo Đảng, nhà nước Lào, Campuchia ái mộ tin tưởng tới thăm và kiểm tra chăm sóc sức khỏe. Cùng với sự tin yêu hâm mộ của đông đảo công chúng là phần thưởng vô giá cho sự tận tụy, trăn trở, thao thức của Nguyễn Hữu Khai mà dường như chưa thầy thuốc nào có được.


Đầu tháng 12 năm 2010, Nguyễn Hữu Khai lại sang Đức dự lễ khai trương chi nhánh Tập đoàn Y dược Bảo Long và cùng các nhà khoa học Đức đánh giá, tổng kết đề tài Y học: “Điều trị chứng dị ứng phấn hoa bằng Thảo dược”. Lại có nhiều đêm thao thức rộng mở. Chuyện của ông chắc hẳn còn rất dài

  
tác giả Theo Tập đoàn Y Dược Bảo Long 

Ký kết Thỏa thuận hợp tác giữa Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hà Nội (HBA) và Hội Doanh nhân người Việt Nam (ASSOEVI) tại Italia, ngày 17/09/2012.
Hình ảnh nổi bật
HBA làm việc với các Sở chức năng của Hà Nội