Hiệp Hội Doanh Nghiệp Thành Phố Hà Nội - Số 445 Đội Cấn - Ba Đình - Hà Nội - Tel: (024)3.7674454 - 2.2122725 / Fax: (024)3.7674453 / E-mail: hba@hba.vn
Nhìn lại 15 năm quan hệ Việt – Mỹ hướng tới những năm tiếp theo    5/29/2010 10:51:52 AM
Năm nay là năm kỉ niệm 15 năm Hoa Kỳ thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Chúng ta sẽ chào mừng dấu mốc quan trọng này với nhiều lễ kỉ niệm, các hoạt động văn hóa và các chuyến thăm cấp cao từ cả hai phía. Nhưng điều quan trọng hơn những nghi lễ được tổ chức để chào mừng là sự ghi nhận đích thực từ cả hai phía về những bước tiến mà cả 2 nước đã đạt được chỉ trong một khoảng thời gian ngắn như vậy.

Chỉ trong 15 năm, quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam đã tiến triển từ sự ngờ vực sâu sắc lẫn nhau để trở thành mối quan hệ đối tác thực chất trên cơ sở hợp tác và tôn trọng lẫn nhau. Từ chỗ cả hai bên từng nhận ra có quá ít hoặc thậm chí chẳng có nền tảng chung nào để thiết lập các mối quan hệ ngoại giao, thì đến ngày hôm nay chúng ta đã phối hợp với nhau trên hàng loạt các lĩnh vực, từ thương mại đầu tư tới giáo dục y tế, an ninh quốc phòng.

Chúng ta có những khác biệt, đặc biệt là cách tiếp cận đối với vấn đề nhân quyền, nhưng ngay cả ở những lĩnh vực đó, hai nước chúng ta hiện đã có được cam kết đối thoại trên tinh thần xây dựng. Chúng ta tiếp tục tin tưởng vững chắc rằng một xã hội dân sự thực sự và tự do báo chí sẽ giúp Chính phủ Việt Nam giải quyết được nhiều thách thức đang gặp phải, như cải cách giáo dục, tham nhũng và suy giảm môi trường. Với sự cam kết của mình, chúng tôi hy vọng và bảo đảm rằng Việt Nam sẽ phát triển trở thành một xã hội thịnh vượng và được điều hành minh bạch, và trở thành một đối tác hoàn thiện hơn nữa đối với Hoa Kỳ.

Hôm nay, tôi sẽ trình bày chủ yếu về quan hệ kinh tế giữa hai nước chúng ta, nhưng trước hết, tôi xin được lưu ý một số phần quan trọng trong  các quan hệ song phương của hai nước, đề cập tới cả những thành công và những khác biệt.

Quan hệ kinh tế với Việt Nam là một trong những lý do để chúng ta lạc quan. 15 năm trước rõ ràng là không hề có đầu tư của Hoa Kỳ tại Việt Nam, và kim ngạch thương mại song phương chỉ đạt 451 triệu đô la mỗi năm. Xuất khẩu của Hoa Kỳ vào Việt Nam đã tăng gấp ba lần kể từ năm 2006, và tới 2009 kim ngạch thương mại hai chiều đã đạt 15,4 tỉ đô la. Năm ngoái, Hoa Kỳ cũng là nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam!

Hoa Kỳ đã triển khai Hiệp định thương mại song phương với Việt Nam từ năm 2001, và đã đàm phán thỏa thuận mở cửa hàng hóa năm 2008. Gần đây chúng tôi đã bắt đầu các vòng đàm phán với Việt Nam và các đối tác khác về hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình dương (TPP), một hiệp định thương mại tự do khu vực sẽ làm nền móng đầy tiềm năng cho hội nhập kinh tế trong toàn bộ khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Các công ty của Hoa Kỳ tiếp tục thể hiện sự quan tâm mạnh mẽ tới Việt Nam trong suốt cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, và chúng tôi không nhận thấy bất kỳ dấu hiệu suy giảm nào trong mối quan tâm đó.

Tiến triển trong quan hệ thương mại đầu tư song phương giữa hai nước diễn ra song hành với sự chuyển đổi kinh tế mạnh mẽ ở Việt Nam. Mức thu nhập thực sự của Việt Nam đã tăng trung bình 7,2% mỗi năm trong suốt thập kỷ vừa qua, và GDP bình quân đầu người đã tăng từ 189 đô la vào năm 1993 lên mức 1052 đô la năm 2009. Tỉ lệ nghèo ở Việt Nam đã giảm từ 58% năm 1993 xuống còn 12% năm 2009. Việt Nam cũng là một trong những nước chuyển đổi nền kinh tế nhanh nhất trên thế giới, và Hoa Kỳ đã có nhiều đóng góp vào sự chuyển đổi này.

Xuất khẩu của Hoa Kỳ không chỉ dừng lại ở hàng hóa cho người dân Việt Nam – chúng tôi cũng đang xuất khẩu một trong những tài sản lớn nhất của mình, đó là nền giáo dục Mỹ. Mười lăm năm trước mới chỉ có chưa đầy 800 người Việt Nam học tập tại Hoa Kỳ. Hôm nay, tôi tự hào nói rằng hiện có trên 13 ngàn sinh viên Việt Nam tại Mỹ, một con số tăng gấp ba lần trong vòng 3 năm qua và là con số mà tôi hy vọng sẽ tiếp tục tăng cao hơn trong những năm tới.

Tháng giêng năm 2010, tôi đã chủ trì hội nghị giáo dục thường niên lần thứ ba của ĐSQ Hoa Kỳ tại Hà Nội với chủ đề “Xây dựng quan hệ đối tác trong đào tạo đại học: cơ hội và thách thức với Hoa Kỳ và Việt Nam”, với sự tham gia của trên 600 người Mỹ và Việt hoạt động trong lĩnh vực giáo dục nhằm trao đổi làm sao để Việt Nam có thể tận dụng được kinh nghiệm của Hoa Kỳ nhằm nâng cao chất lượng các trường đại học của mình.

\Từ khi tái lập chương trình trao đổi Fulbright với Việt Nam trong khoảng những năm 1990, 950 sinh viên và học giả Việt Nam và Hoa Kỳ đã được học tập, tiến hành nghiên cứu hoặc giảng dạy ở cả hai nước trong nhiều lĩnh vực học thuật. Quỹ giáo dục Việt Nam do Chính phủ Hoa kỳ tài trợ đã trao 306 xuất học bổng ở 70 cơ sở đào tạo sau đại học tốt nhất của Hoa Kỳ. Các cựu học viên của chương trình hiện đảm nhiệm các vị trí cao nhất trong nhiều doanh nghiệp, bộ ngành và các tổ chức tư nhân trên khắp Việt Nam và đang có những đóng góp quý báu cho quê hương mình và cho việc thúc đẩy hơn nữa quan hệ Hoa Kỳ - Việt Nam.

Ngoại giao Y tế là một trụ cột khác trong quan hệ song phương giữa 2 nước chúng ta. Khoảng 75% nguồn hỗ trợ phát triển chính thức của Hoa Kỳ dành cho Việt Nam được đầu tư vào các hoạt động liên quan tới y tế. Hoa Kỳ là nhà tài trợ song phương lớn nhất của Việt Nam cho việc chống lại dịch cúm gia cầm, chúng tôi sẽ cung cấp 95 triệu đô la chỉ riêng trong năm 2010 để giúp Việt Nam đối phó với những tác động tồi tệ của HIV/AIDS, và tổng hỗ trợ của chúng tôi đối với lĩnh vực phòng chống HIV và dịch cúm kể từ năm 2004 tới nay đã vượt quá 400 triệu đô la.

Hoa Kỳ đang làm việc chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam để giải quyết những quan ngại về môi trường và sức khỏe liên quan tới nhiễm độc dioxin. Trong ba năm qua, Hoa Kỳ đã dành 6 triệu USD nhằm giảm nhẹ tác động của dioxin, cùng với một khoản 3 triệu đô la nữa dành cho năm 2010. Chúng ta đã cùng lên kế hoạch khắc phục tình trạng đất nhiễm dioxin tại khu vực sân bay Đà Nẵng, nơi Chất Da cam được lưu chứa lượng lớn trong thời kỳ chiến tranh. Hoa Kỳ đã cung cấp hơn 46 triệu đô la hỗ trợ cho những người khuyết tật Việt Nam, bất kể nguyên nhân khuyết tật là gì.

Trong khi tiếp tục làm sâu sắc hơn hợp tác của chúng tôi với Việt Nam trong các lĩnh vực thương mại, giáo dục, y tế và môi trường, chúng tôi cũng mở rộng mối quan hệ theo những cách thức mà năm năm trước không thể hình dung được, đặc biệt trong các vấn đề về an ninh. Công việc đang tiến triển giữa chúng ta trong lĩnh vực này bao gồm hợp tác trong các hoạt động gìn giữ hòa bình, hỗ trợ nhân đạp và khắc phục thiên tai, an toàn hàng hải, chống khủng bố và hợp tác chống buôn lậu chất ma túy, an ninh biên giới và chống phổ biến vũ khí hạt nhân. Chúng ta sẽ có cuộc đối thoại lần thứ ba giữa Hoa Kỳ và Việt Nam về chính trị, an ninh và quốc phòng vào tháng tới.

Hoa Kỳ đã cung cấp gần 50 triệu đô la trong việc hỗ trợ Việt Nam từ năm 1993 nhằm định vị, rỡ bỏ và phá hủy bom mìn còn sót lại, cũng như giải quyết tác động của những vũ khí này tới đời sống và sức khỏe của người dân sống tại những khu vực chịu ảnh hưởng. Chúng ta cũng đã cùng phối hợp xây dựng năng lực cho Trung tâm rà phá bom mìn Việt Nam mới được thành lập và hỗ trợ trung tâm này trong việc soạn thảo và triển khai thực hiện Chiến lược Quốc gia để giải quyết tàn dư chất nổ từ chiến tranh. Quân đội Hoa Kỳ đã hợp tác chặt chẽ với chính phủ Việt Nam trong công tác tìm kiếm người Mỹ mất tích trong chiến tranh tại Việt Nam. Những nỗ lực mang tính hợp tác này đã giúp chúng ta tìm kiếm được hài cốt của 645 người Mỹ mất tích trong chiến tranh, và chúng tôi hiện đang tìm hiểu khả năng hợp tác nhằm hỗ trợ Việt Nam tìm kiếm những người Việt Nam mất tích trong chiến tranh. Sự hợp tác và thành công sớm có được trong lĩnh vực này đã mở ra con đường cho nhiều lĩnh vực hợp tác mà tôi đã trình bày ở phần trước.

Trong chuyến thăm Thái Lan tháng 7/2009 tham dự diễn đàn khu vực ASEAN, Ngoại trưởng Clinton đã cùng ngoại trưởng các nước hạ lưu sông Mekong gồm Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam đưa ra sáng kiến Hạ lưu sông Mekong, một công cụ để Hoa Kỳ cam kết hơn với khu vực này trong lĩnh vực môi trường, y tế và giáo dục. Việt Nam đang cùng chúng tôi đồng tổ chức Hội nghị về bệnh truyền nhiễm khu vực sông Mekong tại Hà Nội vào tháng tới, và sẽ đăng cai cuộc họp cấp bộ trưởng về sáng kiến Hạ lưu sông Mekong tháng 7 này. Trong vài năm tới đây, chúng tôi dự định hợp tác với Việt Nam và các nước thuộc hạ lưu sông Mekong nhằm hỗ trợ phản ứng của các nước này đối với biến đổi khí hậu.

Khi nhìn rộng hơn những kết quả đạt được trong 15 năm qua, hướng tới những triển vọng quan hệ giữa chúng ta trong những năm tới, tôi tiếp tục nhận thấy tiềm năng to lớn cho những tăng trưởng xa hơn trong quan hệ kinh tế giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Tổng thống Obama gần đây đã lựa chọn Việt Nam là 1 trong sáu thị trường gắn bó tiếp theo trong Đề xuất về xuất khẩu quốc gia của mình, cùng với Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil. Lý do rất rõ ràng: Việt Nam là nước chúng ta trông đợi sự tăng trưởng đáng kể và là nơi chúng ta trông đợi những cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ, và tất nhiên cho cả các doanh nghiệp Việt Nam.

Trong 10 năm qua, kim ngạch thương mại song phương đã tăng hơn 17 lần. Tôi không thể tin được rằng điều này có thể xảy ra ở bất kỳ nơi nào chỉ trong một khoảng thời gian như vậy. Ngay cả trong giai đoạn suy giảm kinh tế toàn cầu năm 2009, xuất khẩu của Hoa Kỳ vào Việt Nam vẫn đã tăng 11%, trong khi con số này giảm với tỉ lệ hơn 2 con số với hầu hết các nước trong ASEAN. Số liệu thống kê thương mại song phương tính đến thời điểm này của năm 2010 là rất cao và theo tôi thấy có lẽ năm 2010 sẽ lại là một năm phá kỷ lục nữa về kim ngạch thương mại song phương của hai nước.

Trong trung và dài hạn, tôi cho rằng quan hệ song phương Việt Nam – Hoa Kỳ sẽ tiếp tục phát triển lớn mạnh không ngừng. Tôi nghĩ các cuộc đàm phán thương mại và đầu tư đang diễn ra có tiềm năng mở ra nhiều cơ hội hơn nữa cho các doanh nghiệp ở cả hai nước. Đặc biệt, tôi nghĩ các doanh nghiệp Hoa Kỳ có thể và sẽ có những đóng góp đáng kể khi Việt Nam tăng cường hạ tầng của mình và tìm kiếm các sản phẩm, công nghệ và những hệ thống giáo dục có thể giúp Việt Nam vững vàng đạt và vượt qua ngưỡng nước có “thu nhập trung bình”.

Cơ quan đại diện ngoại giao Hoa Kỳ của chúng tôi xác định và theo dõi cái mà chúng tôi gọi là “những lĩnh vực tiềm năng nhất” mà chúng tôi biết rõ các doanh nghiệp Hoa Kỳ có thế mạnh cạnh tranh. Theo chúng tôi, các lĩnh vực tiềm năng nhất bao gồm viễn thông, công nghệ thông tin, khai thác dầu khí, sản xuất điện, xây dựng đường cao tốc, quản lý dự án & công nghệ môi trường và hàng không. Chỉ trong tháng vừa qua, chúng ta đã chứng kiến lễ ký thỏa thuận giữa VNPT và một doanh nghiệp vệ tinh của Mỹ về việc thiết kế và sản xuất vệ tinh thương mại thứ hai của Việt Nam trong 2 năm tới, cũng như việc hoàn tất giao dịch giữa EVN, Vinacomin và doanh nghiệp Independent Power Producer (IPP) của Mỹ về việc xây dựng nhà máy điện 1100 megawatt ở Quảng Ninh. Chúng ta cũng vừa chứng kiến lẽ ký thỏa thuận quan trọng giữa một công ty dầu khí lớn của Mỹ và các đối tác Việt Nam và nước ngoài về hệ thống đường ống dẫn khí ngoài khơi. Chúng ta có thể sẽ chứng kiến những giao dịch về năng lượng nữa  trong năm nay, và còn nhiều tiềm năng ở nhiều lĩnh vực nữa trong quá trình phát triển hạ tầng của Việt Nam.

Tôi cũng muốn nói rằng giáo dục Hoa Kỳ, mà theo chúng tôi là một sản phẩm dịch vụ phục vụ xuất khẩu, chính là lĩnh vực xuất khẩu ưa thích của tôi bởi những lợi ích đáng kể và lâu dài mà nó mang đến với tất cả những bên liên quan. Thách thức chính đối với chúng ta là làm sao truyền thông điệp này tới các doanh nghiệp Hoa Kỳ rằng có vô vàn cơ hội kinh doanh đang chờ đợi họ ở Việt Nam. Đôi khi, phải mất khá nhiều thời gian mới có thể mang được tên tuổi của một đất nước có uy tín tới sự chú ý của các nhà điều hành kinh doanh Mỹ.

Nước Mỹ, mặt khác, đã chứng minh được rằng mình là mảnh đất của những cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam. Hãy cùng nhìn vào tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ trong 10 năm qua! Thế mạnh rõ ràng của các doanh nghiệp Việt Nam trong nhiều lĩnh vực đó là thế mạnh về giá. Nhược điểm của doanh nghiệp Việt Nam là họ chưa được biết đến nhiều ở Mỹ so với các đối thủ cạnh tranh, bởi vì quan hệ thương mại giữa chúng ta còn khá non trẻ, và bởi vì những khác biệt về ngôn ngữ và văn hóa.

Nói điều đó, tôi muốn đưa ra một lời tư vấn, có thể áp dụng cho mọi lĩnh vực: hãy bảo đảm rằng bạn đáp ứng hoặc đáp ứng cao hơn những yêu cầu và kỳ vọng về chất lượng – dù là chính thống hay mang tính tập quán - của người tiêu dùng Mỹ.  Như ta đã thấy với một số trường hợp ở Trung Quốc hoặc những nơi khác, một quốc gia rất dễ mất đi hình ảnh nhãn hàng tích cực khi một vấn đề nghiêm trọng về chất lượng sản phẩm nảy sinh. Giá cả là quan trọng nhưng đừng bao giờ rời mắt khỏi chất lượng. Người tiêu dùng Mỹ luôn đánh giá cao các doanh nghiệp hay lĩnh vực kinh doanh nào có trình độ quản lý doanh nghiệp cao và biết cách mang lại lợi ích cho cộng đồng và nhân viên của mình. Đây là những lĩnh vực mà Việt Nam có thể tạo nên sự khác biệt hơn nữa so với các đối thủ trong khu vực.

Quản trị tốt và tính minh bạch cũng là những lĩnh vực tác động tới môi trường kinh doanh của Việt Nam. Hoa Kỳ cũng phối hợp với Việt Nam trong những lĩnh vực này thông qua Chương trình STAR do Chính phủ Hoa Kỳ tài trợ, Dự án 30 về cải cách hành chính và Sáng kiến về sức cạnh tranh của Việt Nam (VNCI). Chỉ số cạnh tranh của các địa phương (PCI), được nghiên cứu và công bố với sự hợp tác của VNCI hiện đã trở thành thước đo được công nhận về sự tiến triển trong quản lý. Kết quả PCI năm nay cho thấy hầu hết các địa phương của Việt Nam đã tăng sức cạnh tranh so với năm trước và cho thấy các chính quyền địa phương đang tiếp tục cắt giảm những trở ngại cho việc khởi sự và hoạt động kinh doanh. Các nhà đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục đầu tư vào những địa phương tạo được môi trường kinh doanh tốt nhất bằng việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ nước ngoài và bằng việc cung cấp môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch, hiệu quả.

Không cần bàn cãi, điều quan trọng nhất mà các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý là: việc tìm kiếm và hợp tác với các chuyên gia và những người có chuyên môn, những người có thể giúp xác định và đánh giá tiềm năng đầu tư cũng như thể hiện tâm huyết với những đối tác triển vọng sẽ đóng vài trò tối quan trọng.  Điều này có nghĩa là cần phải biết và chấp nhận thực tế rằng đây là việc làm cần thiết và sẽ tốn kém. Nhưng xét về dài hạn, điều tốn kém hơn là việc nỗ lực đến với một thị trường lớn và phức tạp như thị trường Hoa Kỳ và cố làm ăn mà không có sự chỉ đường, dẫn lối. Các doanh nghiệp Việt Nam nào đang tìm kiếm cơ hội ở Hoa Kỳ trước tiên cần phải có sự hướng dẫn của chuyên gia và phải tìm được một đối tác tốt ở thị trường này.

Tóm lại, khi Việt Nam và Hoa Kỳ chuẩn bị kỉ niệm 15 năm thiết lập quan hệ ngoại giao thì việc nhìn lại những gì ta đã làm được cũng là điều hợp lý. Theo tôi, quan hệ song phương của chúng ta hiện đang ở giai đoạn sung sức nhất kể từ khi bình thường hóa năm1995. Điều này tốt cho mối quan hệ của chúng ta, tốt cho hai nền kinh tế của chúng ta và tốt cho nhân dân của hai dân tộc vĩ đại của chúng ta.

Bài phát biểu Tiếng Anh của Ngài Đại sứ Hoa kỳ Michael W. Michalak tại buổi Tọa đàm ngày 26/5/2010 xem tại đây.

  
tác giả Bài Phát biểu của Ngài Đại sứ Hoa kỳ Michael W. Michalak tại buổi Tọa đàm ngày 26/5/2010 

Ký kết Thỏa thuận hợp tác giữa Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hà Nội (HBA) và Hội Doanh nhân người Việt Nam (ASSOEVI) tại Italia, ngày 17/09/2012.
Hình ảnh nổi bật
HBA làm việc với các Sở chức năng của Hà Nội