Hiệp Hội Doanh Nghiệp Thành Phố Hà Nội - Số 445 Đội Cấn - Ba Đình - Hà Nội - Tel: (024)3.7674454 - 2.2122725 / Fax: (024)3.7674453 / E-mail: hba@hba.vn
Phải bẻ lái chuyển hướng kinh tế ngay 2010    2/4/2010 2:36:43 PM
Dư địa chính sách không còn; tình hình bức bách buộc chúng ta phải thay đổi, mà bước đột phá đầu tiên là thay đổi phân bổ nguồn lực, ông Nguyễn Đình Cung, Viện phó Viện Quản lý Kinh tế Trung ương nói.

Dư địa chính sách trong nước không còn

Ông Nguyễn Đình Cung - Viện phó Viện Quản lý Kinh tế Trung ương CIEM: Năm 2010 là một năm không dễ cho Việt Nam, vì dư địa chính sách có thể làm được chúng ta đều đã làm từ năm ngoái, 2009.

Các chính sách mở rộng cung tiền, mở rộng thâm hụt cán cân thanh toán, hay tăng đầu tư đều đã tận khai. Đó là cái khó của năm mới này.

Trong bối cảnh đó, lại thêm mọi sự của Việt Nam đã quyết rồi. Quốc hội đã quyết định chỉ tiêu tăng trưởng, lạm phát của năm 2010.

Hai yếu tố này khiến cho điều hành của Chính phủ 2010 cực khó, phải xoay xở trong một dư địa chính sách hạn hẹp và phải hướng tới mục tiêu cao.


Ông Nguyễn Đình Cung. Ảnh: Phạm Hải.

Chúng ta kì vọng nền kinh tế thế giới sẽ phục hồi để bù lại sự thiếu hụt dư địa chính sách trong nước, để phần điều hành của Chính phủ dễ thở hơn.

Tuy nhiên, sự phục hồi của kinh tế thế giới hiện cũng không phải theo nghĩa dựa vào đầu tư tư nhân, thương mại mà vẫn là đầu tư nhà nước. Do đó, cầu bên ngoài với hàng hóa trong nước vẫn chưa phục hồi được. Cạnh tranh lại khốc liệt hơn, gây áp lực giảm giá. Khi đó, DN phải tính chuyện giảm lương, giảm lợi nhuận, những cách làm tác động không thuận tới kinh tế trong nước, không tạo được sức phục hồi của nền kinh tế.

Phải bẻ ghi lái để chuyển hướng

- Trong điều kiện khó khăn cả trong lẫn ngoài như thế, Chính phủ phải ứng xử trong điều hành kinh tế thế nào, thưa ông?

Phải bình tĩnh. Cá nhân tôi không thích việc chúng ta đưa ra các chỉ tiêu tăng trưởng, lạm phát rồi cố rượt đuổi nó. Thay vào đó, hãy lo tăng chất lượng tăng trưởng, hiệu quả đầu tư.

Nhiều người nói, muốn thiên về chất cũng phải cần thời gian, bây giờ chúng ta phải lo lượng đã, chưa tăng chất ngay được. Thế nhưng, nếu không có ghi bẻ lái, lúc nào nền kinh tế của ta mới chuyển sang chất được?

Ngay bây giờ, chúng ta phải điều chỉnh lại cơ cấu, kế hoạch và cơ chế phân bổ, sử dụng nguồn lực trong nền kinh tế.

Việc chuyển đổi đó là nhu cầu tự thân của nền kinh tế Việt Nam. Chỉ có như thế, hi vọng thành công của nền kinh tế Việt Nam mới có cơ thành hiện thực.

Thay vì chờ đợi cơ hội, Việt Nam phải chủ động điều chỉnh. Khi đó, ta vừa ổn định được nền kinh tế, vừa tăng hiệu quả sử dụng các nguồn lực, phân bố nguồn lực hiệu quả hơn, năng suất cũng tăng cao. Đó là các nền tảng cho sự phát triển lâu dài của nền kinh tế VIệt Nam.

Dư địa chính sách của Việt Nam đã hết, nhưng dư địa để tăng năng suất lao động của Việt Nam lại còn rất lớn, ta phải lo tận dụng cho hết.

Nếu Chính phủ phát ra tín hiệu như vậy, tôi tin, cả xã hội sẽ đồng tình, hưởng ứng, cả khu vực kinh tế tư nhân, nhà đầu tư nước ngoài và các nhà tài trợ.

- Tại sao lại là năm 2010, thưa ông?

Trước đây, cơ chế cũ vẫn còn dư địa. Tình hình nội tại cũng chưa bức bách để buộc phải thay đổi. Bây giờ, cơ chế cũ đã tận khai, nếu tiếp tục sẽ không phù hợp nữa. Sớm hay muộn, chúng ta cũng phải thay đổi. Thay đổi sớm, hiệu quả sẽ tốt. Thay đổi muộn, vấn đề tích tụ lại càng lớn hơn, chi phí để thay đổi càng lớn.

Sự thay đổi vào thời điểm này là từ nhận thức khách quan mà chủ động điều chỉnh.

- Năm 2008, chúng ta cũng nêu yêu cầu phải điều chỉnh việc phân bổ nguồn lực xã hội, giảm đầu tư công, tăng hiệu quả đầu tư. So với thời điểm đó, yêu cầu điều chỉnh lần này có gì khác, thưa ông?


Đến lúc phải chuyển hướng phát triển khi dư địa chính sách không còn.

Bối cảnh của 2008 khác với năm 2010 này. Vào thời điểm đó, lạm phát ào ào. Mọi việc chúng ta làm là để hạ sốt cho được nền kinh tế.

Bối cảnh hiện nay, tuy không bất ổn vĩ mô nhưng thực tế, nền kinh tế của Việt Nam đang ở mức ổn định mong manh. Nếu đụng thêm không cẩn trọng, chúng ta sẽ đẩy nền kinh tế vào tình trạng bất ổn.

Không gian điều hành lớn hơn cho Nhà nước

- Cụ thể, chúng ta bẻ lái con tàu kinh tế Việt Nam như thế nào, điều chỉnh ra sao?

Đầu tư nhà nước là lĩnh vực đầu tiên phải điều chỉnh. Chính phủ không nên tăng đầu tư từ ngân sách nhà nước, thậm chí giảm bớt đầu tư công, không cần đến 41% GDP đầu tư. Phải tập trung để đồng vốn được dùng hiệu quả nhất. Bởi lẽ, việc tăng đầu tư đi liền với tăng cầu trong nước, tăng nhập khẩu, dòng tiền đổ vào, gây áp lực lạm phát, nhất là trong bối cảnh niềm tin xã hội thấp như hiện nay.

Phân bố đầu tư cũng phải điều chỉnh lại, theo hướng đầu tư tập trung vào các nút cổ chai tăng trưởng.

Chúng ta cứ nói phải lo cơ sở hạ tầng, thế nhưng, cụ thể là vào đâu? Đó là hệ thống các cảng lớn gắn với dịch vụ cảng biển, kho bãi, dịch vụ hải quan, vận tải... để giúp hàng hóa thông thương nhanh với quy mô lớn. Gỡ các nút ấy sẽ tạo nên các điểm trung gian hàng hóa nối nền kinh tế Việt Nam với bên ngoài.

Hay đơn cử như việc kết nối các khu công nghiệp. Hà Nội và Bắc Ninh có các khu công nghiệp lớn. Thế nhưng hệ thống kết nối hai khu đó, thì Bắc Ninh đã rót vốn đầu tư hoàn chỉnh đoạn thuộc tỉnh mình, còn Hà Nội thì không hào hứng do tâm lí sợ nhà đầu tư sẽ chuyển qua Bắc Ninh, nơi có đầu vào rẻ hơn. Việc kết nối giữa Long An và TP.HCM cũng vậy, Long An làm, còn Tp.HCM không vội. Người ta quên mất rằng điều này đồng nghĩa với việc nguồn lực quốc gia được sử dụng hiệu quả hơn.

Vì thế, theo tôi, cần cho Chính phủ một không gian điều hành lớn hơn, đặc biệt là Chính phủ Trung ương. Chúng ta phân cấp quá nhiều và bây giờ đang phải đối mặt với các hệ lụy của nó.

- Chính vì yêu cầu phát triển, chúng ta chủ trương phân cấp, phân quyền cho địa phương?

Phân cấp trước đây là đúng, nhưng bây giờ không còn phù hợp nữa. Chính sách phân cấp đã phát huy tốt trong việc tạo năng động cho địa phương, nhưng nó cũng giới hạn không gian phát triển kinh tế ở địa phương. Giới hạn đó bó hẹp, phân tán quá, không đảm bảo quy mô phát triển.

Cơ chế do chúng ta tạo ra, và chúng ta có thể sửa đổi được. Điều cơ bản là chúng ta muốn làm.

Đương nhiên, gắn với nó là thay đổi cơ cấu quyền lực, phân bổ lợi ích và sẽ đụng vào tính cục bộ, địa phương. Tuy nhiên, đó là việc có lợi cho quốc gia, cho tổng thể, ta phải làm.

Cụ thể: chúng ta xây dựng một chương trình lớn của quốc gia, phối hợp giữa trung ương với địa phương và gắn với bộ máy tổ chức chương trình đó. Một chương trình đầu tư không chỉ của một tỉnh mà phối hợp chiều ngang giữa các dự án cạnh tranh cũng như tổ chức các dự án phối hợp với nhau. Từ đó, ta bố trí đủ nguồn lực để thực hiện chương trình theo ưu tiên, và trình tự sẵn có.

Hoặc ta xây dựng chương trình khu liên hợp phát triển, là các vùng động lực tăng trưởng của nền kinh tế, kết nối các tỉnh. Ví dụ, cả nước ta xây dựng ba vùng độc lực tăng trưởng, mỗi vùng gồm các tỉnh, và phân vai các khu vực tập trung sản xuất những sản phẩm nhất định.

Nói cách khác, ta vừa xây dựng vài chương trình phát triển vùng, và một số chương trình phát triển ngành, tập trung nguồn lực cho nó.

- Những điều chỉnh ông nêu có khác gì với các chủ trương về vùng kinh tế trọng điểm, các khu công nghiệp mà chúng ta đã nêu ra trước đây?

Khác chứ. Trước đây, ta chỉ ghép nối các địa phương, không phải là chương trình thống nhất, phối hợp trong việc phân bổ và sử dụng nguồn lực. Kinh tế vùng của ta mới dừng ở sự ghép nối giản đơn. Ta chủ định làm kinh tế trọng điểm nhưng lại thực hiện theo kiểu tự phát.

- Điều gì sẽ đảm bảo những khu liên hợp phát triển, vùng động lực tăng trưởng không rơi vào kiểu tự phát, ghép nối như các vùng kinh tế trọng điểm trước đây?

Không thể cứ ngồi lo mà phải bắt tay vào xây dựng chương trình, với các điều kiện, tiêu chí rõ ràng, cụ thể, mục tiêu rõ ràng. Khi thực hiện, phải đánh giá, giám sát liên tục để điều chỉnh, không để chương trình chỉ nằm mãi trên giấy.


Phát triển các cảng biển gắn với các dịch vụ của nó là ưu tiên hiện nay. Nguồn ảnh: Xóm nhiếp ảnh.

Điều quan trọng là trung ương làm. Nguồn lực là sự tham gia của toàn xã hội. Muốn vậy, nhà nước phải có cơ chế để tập trung nguồn lực cho chương trình đó, như việc nạo vét sông để nước được xuôi dòng.

Tăng chất lượng các quyết định

- Việc trao không gian điều hành lớn hơn, trao quyền lớn hơn cho nhà nước có đồng nghĩa với việc quay trở lại cơ chế cũ, quyền lực tập trung vào trung ương?

Không có chuyện đó. Cơ cấu ra quyết định thay đổi theo cơ chế tăng chất lượng của các quyết định.

Trước đây, cơ chế của ta là xin - cho. Bây giờ, ta điều hành theo cơ chế thị trường, thuận theo thị trường, hội nhập kinh tế quốc tế.

Ngay cả khi nhà nước muốn quay lại như cũ cũng không được nữa, vì điều kiện đã thay đổi.

Trước đây, thị trường nhỏ, nhà nước lớn. Bây giờ, có thể nhà nước không thay đổi nhưng thị trường đã lớn hơn rất nhiều, không chấp nhận cơ chế cũ nữa. Dưới áp lực của hội nhập, cơ chế xin cho không thể hoạt động được nữa.

Nhà nước phải mạnh

- Việc điều chỉnh đó có thể xem là Đổi mới 2 của Việt Nam, thưa ông?

Phải nói là Đổi mới 3 mới đúng. Đổi mới thứ nhất là cởi trói, tự do hóa. Đổi mới thứ 2 là củng cố thể chế thị trường như hiện nay, và Đổi mới 3 lần này là thay đổi phân bố nguồn lực theo hướng rất thị trường. Như thế, ta vừa mở thị trường rất mạnh, mà vai trò của nhà nước cũng tăng lên.

Thị trường của ta hiện nay dù đã phát triển nhiều nhưng vẫn còn hoang dã, trong khi vai trò của nhà nước thì yếu. Điều chỉnh lần này vừa giúp tăng vai trò nhà nước, vừa giúp thị trường tận dụng và phát huy lợi thế của nó.

Muốn làm được, nhà nước phải mạnh. Phải có một thể chế hợp lý với bộ máy có năng lực tốt.

Chúng ta nói mãi về đổi mới thể chế rồi, thế nhưng đột phá vào đâu? Theo tôi, phải tạo đột phá trong việc tăng chất lượng chính sách, thực hiện chính sách cho được với việc phân bổ nguồn lực đủ, nâng năng lực thực hiện chính sách.

Nói cách khác, phân bố nguồn lực là khâu đột phá. Và Ủy ban Cải cách và Phát triển được nêu ra trong đề án tái cấu trúc nền kinh tế là khâu đột phá đầu tiên để tăng chất lượng chính sách, nâng hiệu quả sử dụng nguồn lực.

Đây là nút thắt cần gỡ đầu tiên để khởi động quá trình thay đổi. Yêu cầu này khó, nhưng vì nhu cầu phát triển, chúng ta không thể không làm.

- Nhân lực cho bộ máy của Ủy ban này có gì khác, hay nó lại cũng chỉ một bộ khác, lắp ráp các bộ để tạo nên cơ quan siêu quyền lực?

Thực ra, đây không phải là cơ chế Bộ. Cơ chế của một Ủy ban sẽ thích hợp hơn, có vai trò về quyết sách, chương trình phát triển. Đây là tập hợp của các chuyên gia đóng vai trò về đường lối, chính sách.

Về con người, theo tôi,  nguồn lực của Việt Nam không thiếu, quan trọng là ta có dùng không thôi.

  
tác giả Theo VnExpress.net 

Ký kết Thỏa thuận hợp tác giữa Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hà Nội (HBA) và Hội Doanh nhân người Việt Nam (ASSOEVI) tại Italia, ngày 17/09/2012.
Hình ảnh nổi bật
HBA làm việc với các Sở chức năng của Hà Nội