Hiệp Hội Doanh Nghiệp Thành Phố Hà Nội - Số 445 Đội Cấn - Ba Đình - Hà Nội - Tel: (024)3.7674454 - 2.2122725 / Fax: (024)3.7674453 / E-mail: hba@hba.vn
Nguyên Tổng giám đốc WTO đối thoại với doanh nghiệp Việt Nam    10/28/2014 9:22:21 AM
Nhân dịp ông Pascal Lamy – nguyên Tổng giám đốc WTO sang thăm và làm việc tại Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức đối thoại bàn tròn giữa ông Pascal Lamy với cộng đồng doanh nghiệp.

Tại buổi đối thoại, ông Pascal Lamy sẽ có phần trình bày về các nội dung gồm: - Các xu thế kinh tế thương mại mới và tiến trình đàm phán thương mại quốc tế hiện nay – những vấn đề liên quan đến doanh nghiệp; Các lợi ích căn bản của cam kết thương mại đa phương đối với hoạt động doanh nghiệp; Yếu tố quyết định sự thành công của doanh nghiệp trong bối cảnh mới và các khuyến nghị cho doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam.


Đông đảo các doanh nghiệp tới tham gia buổi tọa đàm

Đúng 15h00, chương trình bắt đầu. Phát biểu khai mạc, TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, gia nhập WTO là một sự kiện quan trọng đánh dấu bước ngoặt trong quá trình phát triển của Việt Nam. Sau khi gia nhập WTO, đặc biệt 2007-2008 nền kinh tế Việt Nam có sự chuyển biến tích cực. Điều này được thể hiện ở những tác động của thể chế mới, sự hứng khởi của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tích cực. Đây là yếu tố tinh thần vô cùng quan trọng.

TS Vũ Tiến Lộc cũng nhìn nhận, những thành tựu của Việt Nam gia nhập WTO vô cùng quan trọng, và được xem là một điển hình của WTO. WTO cũng đánh giá cao và sự nghiêm túc trong việc thực hiện các cam kết của WTO khi thực thi tại Việt Nam. Tuy nhiên, sau giai đoạn tích cực đến một giai đoạn nhất định, nền kinh tế Việt Nam có sự chững lại. Nền kinh tế Việt Nam đang trở nên mong manh so hơn với nền kinh tế thế giới.


TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phát biểu khai mạc

Vấn đề đặt ra là làm sao các DN Việt Nam tận dụng được những lợi thế từ việc gia nhập WTO. Đây cũng chính là lý do mà ngay từ đầu năm Chính phủ Việt Nam đã đưa ra các chính sách để nhằm đột phá thể chế trong đó mục tiêu tập trung cải cách thủ tục hành chính, tái cơ cấu DN. Bên cạnh đó tích cực tham gia đàm phán các hiệp định tự do như TPP.

TS Vũ Tiến Lộc dẫn chứng, ví dụ cụ thể trong lĩnh vực thuế, cuối năm 2012 đầu năm 2013 để giải quyết các thủ tục trong lĩnh vực này mất 872h. Thủ tướng và Chính phủ đã ra quyết định giảm thủ tục xuống 171h. Chính phủ đã đưa ra nghị quyết quan trọng trong việc cổ phần hóa doanh nghiệp đối với việc cổ phần hóa 432 DN đến năm 2015.

"Trong giai đoạn hiện nay, Việt Nam cần phải cải thiện xếp hạng năng lực cạnh tranh trong thời gian tới, có như vậy mới tận dụng được hết những ưu đãi từ việc tham gia các tổ chức thế giới, trong đó có WTO" - TS Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.


Ông Pascal Lamy – nguyên Tổng giám đốc WTO chia sẻ với các doanh nghiệp Việt Nam

Phát biểu tại toạ đàm, ông Pascal Lamy – nguyên Tổng giám đốc WTO đánh giá cao những thành tựu kinh tế mà Việt Nam đạt được sau nhiều năm gia nhập WTO, nhất là những thành công về tăng trưởng kinh tế, thương mại, thu hút vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài và du lịch. Đặc biệt, trong bối cảnh khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu, Việt Nam vẫn đạt tốc độ tăng trưởng dương.

Ông Pascal Lamy cho biết, WTO sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam xây dựng lộ trình trong từng giai đoạn cụ thể nhằm tạo bước đi vững chắc trong quá trình hội nhập kinh tế toàn cầu. Ngoài ra, ông Pascal Lamy bày tỏ mong muốn Việt Nam tiếp tục hoàn thiện hơn nữa hệ thống pháp luật để đáp ứng những tiêu chuẩn của WTO. Đồng thời ông cũng nhấn mạnh việc giảm rào quản thuế quan là việc phải làm để thúc đẩy sản xuất trong giai đoạn hiện nay.


Ông Pascal Lamy (trái) - nguyên Tổng giám đốc WTO và TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI

TS Vũ Tiến Lộc đặt vấn đề với ông Pascal Lamy: Các hiệp định thương mại thường đặt bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, nhưng bên cạnh vấn đề này thì việc bảo vệ công ăn việc làm, bảo vệ ngành sản xuất cũng cần phải quan tâm. Vậy, ông Pascal Lamy đánh giá như thế nào về vấn đề này, bởi bảo vệ người tiêu dùng và bảo vệ công ăn việc cũng đều quan trọng như nhau?

Ông Pascal Lamy: Thế giới của ngày hôm qua khác ngày hôm nay. Và đương nhiên những tồn tại của ngày hôm qua vẫn còn ảnh hưởng một số yếu tố đến hôm nay. Chúng ta đều biết, mở cửa thương mại có ảnh hưởng rất lớn đến cấu trúc của nền kinh tế. Hiện nay chúng ta đang đối mặt với nhiều câu hỏi rào cản trong thế giới mới.

Vấn đề bảo vệ người tiêu dùng hay bảo vệ công ăn việc làm, bảo vệ ngành sản xuất, tất cả đều phải xoay quanh vấn đề chất lượng sản phẩm. Đây là điều quan trọng đầu tiên khi nói tới.


Ông Pascal Lamy đang trao đổi với doanh nghiệp có mặt tại hội trường

Tôi lấy ví dụ ở ngành thủy sản, hay thực phẩm, các tiêu chí so sánh được đưa ra trong quá trình thương mại là chất lượng, tiêu chuẩn. Ngay cả ở những phân khúc thị trường thấp chúng ta cũng phải đặt vấn đề chất lượng.

Khi người ta thoát khỏi đói nghèo sẽ có yêu cầu cao hơn, sản phẩm không tốt sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng, để lại ảnh hưởng hàng chục năm. Khi thu nhập gia tăng người dân sẽ quan tâm nhiều hơn đến chất lượng và sẽ dẫn đến xu hướng thận trọng thái quá. Tuy nhiên đây là thực tế mà chúng ta phải thận trọng. Ngoài ra công nghệ thông tin phát triển trong thời gian gần đây cũng giúp nhiều trong việc đo đạc chính xác những con số gây ảnh hưởng đến người tiêu dùngvà biết được sự tác động của những việc đó.

Đại diện doanh nghiệp hỏi: Một trong những việc các cơ quan chức năng đang phải giải quyết là khó khăn về mặt kinh tế. Nhiều khi chúng ta phải làm quá nhiều việc cùng một lúc như cải tổ doanh nghiệp, ngân hàng… Do vậy tôi đặc biệt quan tâm và muốn hỏi sự hài hoà của việc cải tổ đó diễn ra như thế nào và làm sao đạt được quy chuẩn?


Nhiều ý kiến được đưa ra thảo luận

Ông Pascal Lamy: Chúng ta đang trong giai đoạn chuyển tiếp, có sẵn tiêu chuẩn rồi. Các quốc gia trên thế giới có hàng trăm kinh nghiệm. Vấn đề ở đây không mới mà là thực hiện thế nào mà thôi.

Tôi cũng xin giải thích chút về việc phải chọn được ưu tiên. Ta phải nhìn vào xem lợi thế của mình ở đâu và tạo được bao nhiêu giá trị gia tăng và cần phải nhập khẩu trong các lĩnh vực mà ta có thể tận dụng được. Thường người ta chú trọng đến xuất khẩu và không muốn nhập khẩu. Tuy nhiên trong thế giới ngày nay lại khác. Những quốc gia xuất khẩu nhiều nhất cũng là những quốc gia nhập khẩu nhiều.

Tôi muốn nhấn mạnh phải có góc nhìn xem lại lợi thế so sánh của mình ở lĩnh vực nào, sau đó xác định lĩnh vực ưu tiên rồi nhập khẩu. Để làm được điều này chúng ta phải nhìn ở nhiều lĩnh vực khác nhau.


Bà Phạm Thị Thu Hằng – Tổng thư ký VCCI hỏi: Ông có lời khuyên nào với Việt Nam trong việc thực hiện chính sách nhập khẩu. Vai trò của ngành nghề, hiệp hội đối với việc đàm phán các hiệp đnh và cam kết WTO.

Ông Pascal Lamy: Với chính sách nhập khẩu, nếu chúng ta phải nhập khẩu những mặt hàng buộc phải nhập để phục vụ nhu cầu trong nước thì vẫn phải nhập khẩu. Mục tiêu cuối cùng là cung cấp hàng hóa với mức giá tối ưu cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, khi chúng ta nhập mặt hàng nào đó thì phải cân nhắc lợi và hại.

Doanh nghiệp hỏi: Chúng tôi muốn có nhận định của WTO để có quy chuẩn, tiêu chuẩn thống nhất cho doanh nghiệp mình. Và chúng tôi cũng hy vọng những đàm phán của WTO sớm hoàn tất bởi chúng tôi lo lắng khi đàm phán kéo dài khiến các doanh nghiệp mất kiên nhẫn.

Ông Pascal Lamy: Có quy chuẩn đa phương thì tốt hơn nhiều cho doanh nghiệp. Tuy nhiên điều quan trọng là những rào cản thương mại có đang giảm hay không. Tôi cho rằng, “dù con mèo đen hay trắng miễn là băt được chuột” và tất cả các hiệp định hiện nay đang hướng theo xu hướng đa phương.

Hiện nay có hàng trăm quy định về đa phương, có nhiều doanh nghiệp không sử dụng lợi thế về thuế quan mà các bạn được ưu đãi. Do vậy tôi nhất trí với quan điểm của anh là hy vọng những đàm phán của WTO sớm hoàn tất nhưng khi nào thì rất khó. Vấn đề chính là phải tạo được sự đồng thuận của các nước lớn trên thế giới.

Đại diện Bộ ngoại giao Việt Nam hỏi: Ông có nói một quốc gia muốn xuất khẩu họ phải nhập khẩu. Về vấn đề thương mại xuất khẩu các linh kiện, Việt Nam hiện có ngành công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển mạnh, hay ngành dệt may chúng tôi phải nhập khẩu 70% từ quốc gia khác. Thêm nữa, gần đây có nhiều việc không tốt ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam như việc Trung Quốc đặt hạ giàn khoan trái phép vào vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam. Tôi muốn hỏi tầm quan trọng của xuất khẩu như thế nào và chúng tôi phải điều hoà cán cân xuất nhập khẩu như thế nào để hài hoà các lợi ích nền kinh tế.

Ông Pascal Lamy: Câu hỏi về chủ quyền kinh tế là câu hỏi khó và phức tạp, tôi sẽ trả lời cụ thể hơn tại cuộc họp ngày mai. Trong trường hợp của Việt Nam cũng như một số nước khác thì không có sự lựa chọn nào khác ngoài lựa chọn nâng cao lợi thế cạnh canh của mình. Lợi thế của các bạn là nằm ở người dân, đây là sức mạnh rất to lớn. Vấn đề đặt ra là cần nâng cao đầu tư cho giáo dục.

Như nhiều quốc gia khác Việt Nam không thể tăng trưởng kinh tế dựa trên tài nguyên thiên nhiên mà phải dựa vào môi trường biển của mình. Nhưng vấn đề ở đây không phải là chúng ta đánh bao nhiêu cá mà phải tận dụng được nguồn nhân lực làm sao để đánh bắt và chế biến cá tốt nhất, có giá trị cạnh tranh cao trên thị trường.

Do đó, theo tôi, để thành công ngoài việc Việt Nam cần đảm bảo việc gia nhập các tổ chức thương mại thế giới, thì cần chính sách thương mại tốt nhất của Việt Nam là đầu tư và nâng cao giáo dục và đào tạo.

Câu 2: Vấn đề bảo về quyền sở hữu trí tuệ luôn được nhắc tới. Đặc biệt là khi Việt Nam gia nhập WTO không thể phủ nhận có nhiều hàng giả như đĩa CD… Ông bình luận thế nào về vấn đề này và ông có kinh nghiệm gì chia sẻ cho Việt Nam.

Vấn đề thực thi pháp luật liên quan tới bảo hộ trí tuệ không hề đơn giản. Các thành viên WTO phải tuân thủ các quy định, trong đó có những quy chuẩn về đa phương. Khi thực thi những cam kết này, các nước sẽ không chấp nhấn những hàng giả hàng nhái, hàng không đảm bảo sản xuất hoặc không hợp pháp, trốn thuế...

Câu 3: Tôi muốn hỏi trên thực tế bộ luật của một quốc gia ban hành rất chậm. Vậy cơ chế thực thi chậm đôi khi không phù hơp đối với các quy định của WTO. Trong trường hơp này WTO có chế tài gì khi phạt những nơi thực thi bộ luật chậm?

Hạn chế của hệ thống GATT và WTO bởi các quy định lúc chặt chẽ lúc thì lỏng lẻo. Có thể nói hệ thống này chưa hoàn hảo và cần phải cải thiện hơn nữa.

TS Vũ Tiến Lộc: Chúng tôi đã nói với người Mỹ phải mở cửa thị trường dệt may, giày dép cho Việt Nam. Ngoài ra, người Mỹ cũng đang áp thuế chống bán phá giá đối với cá tra, cá basa Việt Nam là không công bằng. Vậy chúng tôi phải làm thế nào để thuyết phục người Mỹ?

Tôi cho rằng khi Việt Nam đang bị đối xử không công bằng thì các bạn cần đưa các chứng cứ ra ban giải quyết tranh chấp của WTO. Ngoài ra, các bạn có thể tìm hiểu mọi thông tin để làm rõ vấn đề này.  
tác giả Nguồn http://dddn.com.vn 

Ký kết Thỏa thuận hợp tác giữa Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hà Nội (HBA) và Hội Doanh nhân người Việt Nam (ASSOEVI) tại Italia, ngày 17/09/2012.
Hình ảnh nổi bật