Hiệp Hội Doanh Nghiệp Thành Phố Hà Nội - Số 445 Đội Cấn - Ba Đình - Hà Nội - Tel: (024)3.7674454 - 2.2122725 / Fax: (024)3.7674453 / E-mail: hba@hba.vn
Triển vọng nào cho tỷ giá VNĐ…    2/23/2010 10:27:44 AM

1.Thực tế tỷ giá hối đoái trên thị trường Việt Nam hiện nay:

Nói đến Tỷ giá hối đoái trên thị trường Việt Nam hiện nay về thực chất và chủ yếu là nói đến tỷ giá giữa VND và USD với tư cách là mối quan hệ cơ bản dẫn dắt và xuyên suốt các tương quan giữa VND với các đồng tiền khác trong “rổ” tiền tệ của thế giới mà Việt Nam có quan hệ kinh tế trên thực tế…

Đây là một thực tế lịch sử, được quy định bởi nhiều lý do có tính lịch sử, mà trước hết là do sự phổ biến của đồng USD trên thế giới với sự bao quát tới trên 2/3-3/4 tổng giao dịch kinh tế-tiền tệ trên thế giới trong suốt nửa thế kỷ qua. Ở Việt Nam, sự phổ biến của đồng USD cũng ở mức cao như vậy, thậm chí còn có phần cao hơn do các giao dịch ngoại thương và kiều hối của Việt Nam chủ yếu thực hiện thông qua đồng tiền này.

Điều hành linh hoạt nhằm giữ ổn định tỷ giá VND với USD là mục tiêu và cũng là phương châm hành xử khá nhất quán của chính sách tiền tệ ở nước ta suốt nhiều thập kỷ qua. Và đây cũng là căn nguyên giải thích cho những động thái chủ yếu về tỷ giá của Việt Nam với tất cả tính 2 mặt của nó mà chúng ta đã và đang cảm nhận thấy trong thực tế.

Đồng thời, cần nhấn mạnh rằng, những điều chỉnh chính sách tỷ giá trong thời gian gần đây cho thấy các cố gắng thu hẹp chênh lệch tỷ giá chính thức và tỷ giá trên thị trường tự do, từ đó góp phần cân bằng cung-cầu và giảm bớt các hoạt động găm giữ và đầu cơ ngoai tệ trong nền kinh tế. Đây là những điều chỉnh cần thiết và đúng hướng, đáp ứng cả nhu cầu thực tế trong quản lý nhà nước và kinh doanh của doanh nghiệp, lẫn phù hợp các nguyên tắc về lý thuyết tiền tệ…

2. Điều hành tỷ giá linh hoạt như thế nào?

Linh hoạt tỷ giá, hay thực hiện chế độ tỷ giá linh hoạt có sự quản lý vĩ mô của nhà nước, ngày càng trở thành phương châm hành xử phổ biến trong chính sách tỷ giá của hơn ¾ số nước trên thế giới hiện nay. Vì vậy, không có lý gì mà Việt Nam nằm ngoài xu hướng chung này của thế giới trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Tuy nhiên, sự linh hoạt cần được “Việt Nam hoá” cả về nghĩa đen, lẫn nghĩa bóng, rộng và hẹp, trước mắt và lâu dài của khái niệm khá “mờ và mở” này….

Cụ thể, cần hiểu sự linh hoạt tỷ giá không có nghĩa là sự thay đổi quay quắt đến chóng mặt của tỷ giá chính thức theo các quyết định chủ quan có tính cơ hội hoặc vì lợi ích cục bộ nào đó, lại càng không có nghĩa là có thể biến động ngược chiều với các xu hướng tỷ giá chung của các đồng tiền chủ chốt trên thế giới.

Linh hoạt còn có nghĩa là không nên chỉ có sự biến động tỷ giá tăng hoặc giảm theo một chiều, chỉ có lên hoặc chỉ có xuống, tạo ra những kỳ vọng đầu cơ cao; Đồng thời, cũng không có nghĩa là phải ngay lập tức điều chỉnh tỷ giá chính thức thả nổi cứng nhắc như toán học theo đúng tốc độ tăng hay giảm của một hoặc một số đồng tiền dù là rất quan trọng nào đó trên thế giới.

Sự linh hoạt của chính sách tỷ giá còn được thể hiện ở sự linh hoạt trong lựa chọn mục tiêu của chính sách tỷ giá. Không thể thoả mãn cùng lúc nhiều mục tiêu cho chính sách tỷ giá trong cùng một thời điểm, nhưng cũng không thể kéo dài mãi một chính sách tỷ giá chỉ phục vụ cho một mục tiêu nhất định dù là quan trọng trong bối cảnh nào đó, bất chấp những điều kiện khách quan đã thay đổi. Chẳng hạn, mục tiêu giảm nghĩa vụ nợ nhờ duy trì chính sách tỷ giá thấp, tức định giá cao đồng bản tệ, có thể là cần thiết trong thời điểm đến hạn thanh toán nợ, nhưng nếu kéo dài quá lâu suốt cả năm hoặc nhiều năm chính sách này sẽ gây hại cho mục tiêu dài hạn hơn là sự cân bằng cán cân thương mại và đẩy mạnh xuất khẩu thu ngoại tệ, thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó có ngành xuất khẩu…Hơn nữa, bản thân mục tiêu giữ ổn định hệ thống tiền tệ cũng sẽ không thể đạt được hoặc chỉ mang tính hình thức, nếu duy trì khiên cưỡng sự ổn định của tỷ giá chính thức bất chấp những cơ sở kinh tế khách quan bảo đảm của nó đã thay đổi. Đặc biệt, mục tiêu giữ ổn định tỷ giá về hình thức này cũng sẽ tự động mất đi ý nghĩa tích cực nếu các mục tiêu khác bị tổn thương nặng nề, như tạo nguồn thu ngoại tệ tập trung, tăng dự trữ quốc gia, chống đầu cơ ngoại tệ và chống nạn ngoại tệ hoá; hoặc tạo ra những hệ quả đắt đỏ hơn so với mục tiêu giảm gánh nặng nợ được đặt ra ban đầu.

Linh hoạt tỷ giá còn bảo đảm phải có sự đồng bộ giữa tỷ giá với lãi suất vả cả biên độ tỷ giá, cũng như với các chính sách tài chính khác (theo nghĩa rộng) tránh sự triệt tiêu lấn nhau giữa các công cụ chính sách này, nhất là chính sách tỷ giá và lãi suất, cũng như giữa chính sách tỷ giá với công cụ tài chính khác. Đồng thời, còn cần “căn” tỷ giá chính thức phụ thuộc vào độ “dày hay mỏng” của dự trữ quốc gia, vào các mục tiêu chính sách cơ bản và vào thực tế dòng tiền chảy trên thị trường, nhất là dòng ngoại tệ ra-vào qua biên giới.

Cần lưu ý rằng, linh hoạt tỷ giá không hề mâu thuẫn với yêu cầu về tính minh bạch và có thể dự báo được của chính sách tỷ giá. Nói cách khác, xu hướng tỷ giá cần bám sát các động thái và tương quan tiền tệ và thị trường trong nước và quốc tế, tránh thị trường chảy theo một hướng, còn chính sách tỷ giá lái theo một nẻo, làm mất tính ổn định khách quan của chính sách tỷ giá, làm giảm hiệu quả và cả uy tín chính phủ trong điều hành tỷ giá, gây thêm những rủi ro chính sách cho các doanh nghiệp, đồng thời làm xấu môi trường và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

3.Vì sao trong khi đồng USD trượt giá tại nhiều nước trên thế giới, còn tại Việt Nam thì lại lên giá?

Thực ra, sự tăng giá USD so với VND trong đợt điều chỉnh tỷ giá lần này là không có gì bất ngờ, vì lẽ:

Thứ nhất, chúng ta đã giữ tỷ giá này ổn định quá lâu, có xu hướng làm tăng giá VND quá mức ngay với bản thân USD, gây bất lợi cho nền kinh tế và nhất là cho các hoạt động kinh tế lành mạnh và hiệu quả. Thực tế lạm phát của Việt Nam trong 3 năm 2007-2009 là trên 40%, trong khi lạm phát của Mỹ chi bằng khoảng trên dưới 20% cùng thời kỳ, nhưng tỷ giá chính thức USD/VND dường như thay đổi không đáng kể, khiến VND bị định giá cao ngay trong tương quan tỷ giá với USD, vì vậy sự điều chỉnh tỷ giá lần này là cần thiết để xác lập sự cân bằng trở lại trong tương quan tỷ giá giữa VND và USD, bất chấp động thái này có vẻ như ngược lại với xu hướng mất giá chung của USD trên thị trường thế giới. Cần nhấn mạnh rằng, càng kéo dài lâu hơn sự mất cân bằng này thì càng tích tụ nhiều hơn  những hệ quả tiêu cực cộng dồn từ các thiệt hại do VND bị định giá cao và do “sốc tỷ giá“ trong tương lai… 

Thứ hai, sự tăng trưởng tín dụng và tổng phương tiện thanh toán với tốc độ cao trong nhiều năm qua theo yêu cầu của chính sách nới lỏng tiền tệ để dảm bảo mức tăng trưởng kinh tế cao ( theo báo cáo hàng năm của NHNN, so năm trước thì tổng phương tiện thanh toán năm 2001 tăng 25,53%, năm 2002 tăng 17,7%, năm 2004 tăng 30,39%, năm 2006 tăng 33,59%, năm 2007 tăng 46,12% tăng… Còn so với năm trước, thì tốc độ trăng trưởng tín dụng ngân hàng năm 2001 tăng 21,44%, năm 2004 tăng 41,65%, năm 2005 tăng 32,08%, năm 2006 tăng 53,89%, năm 2007 tăng 53,89%, năm 2008 tăng 25,43% và năm 2009 ước tăng tổng tín dụng ngân hàng không dưới 30%) là nguyên nhân quan trọng làm VND phải giảm giá so với USD bất chấp xu hướng giảm giá của USD trên thế giới. Khi sự điều chỉnh này đạt tới ngưỡng sâu cần thiết, thì tỷ giá USD/VND sẽ bám sát hơn các động thái tỷ giá chung trên thế giới.

4.Về việc điều hành tỷ giá VND trong thời gian tới:

Chính sách tỷ giá của Việt Nam ngày càng được hoàn thiện cùng với sự hoàn thiện của cơ chế thị trường nói chung của nền kinh tế. Trong quá trình này, cần đặc biệt chú ý đến tính 2 mặt của các chính sách được lựa chọn, trong đó có chính sách tỷ giá và cần phát triển đ? ng b, có hiệu quả hơn hệ thống thông tin, dự báo, giám sát và cảnh báo an toàn tài chính có liên quan đến điều hành tỷ giá

Bảo đảm và duy trì sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô, chống suy giảm kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội là mục tiêu trọng tâm mà Chính phủ đã  xác định rõ trong năm 2009 và c? nh?ng nam t?i, là mục tiêu hàng đầu và tập trung của tổ hợp các chính sách kinh tế - xã hội của chính phủ, trong đó có chính sách tỷ giá. Có thể có ổn định và tăng trưởng kinh tế nhất định trong điều kiện tỷ giá  không ổn định do sự chi phối của các nhân tố thị trường, do tương quan giá trị giữa các đồng tiền liên quan đến đồng bản tệ, do chính sách ưu tiên cho mục tiêu trước mắt nào đó của chính phủ.v.v. Song, điều ngược lại không phải bao giờ cũng đúng. Thực tiễn thế giới đã và sẽ còn tiếp tục chứng tỏ rằng, ổn định hoá tỷ giá không phải bao giờ cũng giúp ổn định hoá nền kinh tế (đặc biệt là việc cố định hoá tỷ giá một các khiên cưỡng...). Việc đồng nhất giữa mục tiêu với công cụ - dù là công cụ rất quan trọng trong số các công cụ thực hiện mục tiêu đề ra - là một điều ngộ nhận nguy hiểm, một sai lầm phải trả giá đắt, mà cuộc khủng hoảng tiền tệ ở Thái Lan cách đây tròn 1 thập kỷ là ví dụ điển hình còn nguyên tính thời sự. Đương nhiên, việc ổn định được một tỷ giá bản tệ nào đó phù hợp với giá trị thực tế của nó sẽ là điều kiện lý tưởng để góp phần ổn định hoá nền kinh tế của một nước. Song, trong đa số trường hợp, tỷ giá chịu tác động khách quan của các nhân tố thị trường luôn biến động vượt ra khỏi tầm kiểm soát, khống chế của các nhân tố chủ quan của các chính phủ, dù quốc gia đó có lực lượng dự trữ tài chính mạnh đến đâu và cơ chế điều tiết thị trường hoàn thiện nhường nào. Đồng thời, thực tế cũng cho thấy, việc quy định tỷ giá chính thức thường có xu hướng thoát ly giá trị thực tế của đồng bản tệ bởi sự phản ứng chậm trễ về chính sách, cơ chế điều tiết, sự bảo thủ hoặc thiên lệch trong ưu tiên một vài mục tiêu kinh tế - xã hội trước mắt nào đó. Thành thử, dưới bề mặt cuả sự ổn định hoá tỷ giá luôn có sự tích tụ lớn dần các vòng xoáy ngầm của các xung lực phát sinh từ sự định giá quá cao hoặc quá thấp đồng bản tệ; các vòng xoáy này sẽ tăng lên theo thời gian và đến lúc nào đó sẽ bộc phát và đủ sức phá vỡ sự ổn định của nền kinh tế, và do đó, phá vỡ sự ổn định của chính tỷ giá với tư cách là mục tiêu mà chính sách tỷ giá hướng tới.

Khi định giá cao đồng bản tệ, các nước thường kỳ vọng vào cái lợi sẽ thu được nhờ làm giảm giá hàng nhập khẩu để giảm chi phí sản xuất, giảm sức ép lạm phát và giảm được chi phí dịch vụ nợ nước ngoài...Tuy nhiên, việc đồng bản tệ được định giá quá cao và kéo dài sẽ trở thành nguyên nhân quan trọng làm giảm sức cạnh tranh của hàng xuất khẩu của nước đó do làm tăng giá thành hàng xuất, và giảm giá hàng nhập tính bằng ngoại tệ; dẫn đến hạn chế xuất khẩu, kích thích nhập khẩu, làm tăng nhập siêu. Hơn nữa, khi định giá bản tệ cao, thường kéo theo sự gia tăng lãi suất tín dụng trong nước, cũng như khoảng cách chênh lệch lớn giữa lãi suất trong nước với lãi suất ngoài nước, kích thích vay nợ nước ngoài dễ dãi, nhất là các khoản vay thương mại ngắn hạn theo lãi suất cao, từ đó nảy sinh những rủi ro tiềm tàng gắn liền với việc đáo hạn các khoản cho vay lại dễ dãi bằng bản tệ, kể cả cho vay kinh doanh có tính đầu cơ bất động sản và những rủi ro gắn với biến động về tỷ giá bản tệ trong tương lai (chi phí dịch vụ nợ sẽ tăng vọt do tỷ giá bản tệ tăng lên đe dọa làm mất khả năng thanh toán khoản nợ đã vay của các con nợ). Hậu quả sâu nặng và lâu dài hơn cả chính là ở chỗ, việc định giá quá cao và kéo dài đồng bản tệ sẽ làm triệt tiêu các động lực phát triển sản xuất trong nước, trước hết là sản xuất và kinh doanh xuất khẩu, làm tăng buôn lậu và tham nhũng, kích thích sử dụng lãng phí ngoại tệ, không coi trọng các nguồn lực trong nước, kích thích nền kinh tế bong bóng phát triển trong tình trạng quá nóng và gia tăng liên tục sự thâm hụt cán cân thương mại, cán cân thanh toán tài khoản vãng lai của nền kinh tế và hao hụt nhanh chóng dự trữ quốc gia để giữ giá bản tệ. Rút cuộc, nền kinh tế trở nên nghèo nàn và trống rỗng, những cơ sở kinh tế bảo đảm cho giá trị cao và ổn định của đồng bản tệ bị suy kiệt. Nền kinh tế kém sức cạnh tranh, nguồn thu ngoại tệ bị cạn kiệt trong khi nợ nước ngoài không ngừng tăng lên, sức ép đáo hạn nợ gia tăng, nhu cầu mua vét ngoại tệ để trả nợ tăng vọt, đẩy giá ngoại tệ lên, đồng thời khởi đầu cho sự giảm giá đồng bản tệ không thể kìm giữ kéo theo một loạt hệ quả tiêu cực khác. Khủng hoảng tài chính tiền tệ có thể nổ ra một khi Chính phủ  không đủ dự trữ ngoại tệ để can thiệp và thiếu những thiết chế thị trường tự động điều tiết có hiệu quả nhằm "tháo những ngòi nổ nhạy cảm" đe doạ tạo ra cơn bùng phát hoảng loạn và sự đổ vỡ dây chuyền trong toàn bộ nền kinh tế, mà trước hết ở khu vực tài chính ngân hàng.

        Ngược lại, khi định giá quá thấp đồng bản tệ (dù do sự chủ động của chính phủ với hy vọng kích thích xuất khẩu, hoặc do sự bị động gắn với việc buộc phải gia tăng phát hành bản tệ bù đắp thâm hụt ngân sách nhà nước hay để mua vét ngoại tệ trên thị trường nội địa cho nhu cầu trả nợ của chính phủ...) thì tác hại cũng không kém: sức ép lạm phát gia tăng, chi phí dịch vụ nợ bằng ngoại tệ tăng nhanh, đồng thời giá hàng nhập khẩu cũng bị đẩy lên cùng chiều với tốc độ mất giá bản tệ, cũng như làm thu hẹp nguồn vốn chảy vào và bẻ ghi  dòng vốn đầu tư chảy ra nước ngoài, làm tổn hại đời sống nhân dân... từ đó làm tăng nguy cơ phá sản các doanh nghiệp, làm tăng nạn thất nghiệp và sự bất ổn định lan truyền trong toàn bộ đời sống kinh tế -xã hội. Thậm chí có thể đưa tới sự đổ vỡ nền kinh tế và những chấn động mạnh về thể chế chính trị của đất nước...Ngoài ra, nếu không cân nhắc đến cơ cấu nợ nhà nước (bằng bản tệ và ngoại tệ) thì việc điều chỉnh tỷ giá bản tệ còn có thể dẫn đến làm tăng thiệt hại từ các khoản nợ bằng ngoại tệ của nhà nước, do phải trả nợ bằng những đồng ngoại tệ trở nên đắt đỏ hơn so với khi vay. Hơn nữa, do phá giá bản tệ thường dẫn đến tăng giá hàng nội địa và giảm giá trị tài sản tính bằng bản tệ, tác dụng xấu tới cán cân vãng lai, để tránh hiện tượng chảy máu tư bản, người ta thường phải tăng lãi suất sau khi tăng tỷ giá. Việc tăng lãi suất dẫn đến hậu quả giảm khả năng đầu tư trong nước, giá hàng nội địa tăng, kém cạnh tranh hơn so với hàng nhập khẩu. Việc phá giá bản tệ còn làm giảm lương thu nhập và mức sống của người lao động. Việc kéo dài mức sống thực tế nghèo đói của người lao động sẽ làm giảm cầu, thu hẹp thị trường tiêu thụ, giảm sản xuất. Nếu tăng lương danh nghĩa để bù đắp thiệt hại về thu nhập này sẽ lại đẩy giá tăng, lạm phát và khủng hoảng kinh tế. Chính tình thế lưỡng nan này khẳng định tính chất "con dao hai lưỡi" của biện pháp phá giá bản tệ và sự cần thiết phải thận trọng khi sử dụng nó

Còn tỷ giá thả nổi - công cụ của nền kinh tế thị trường phát triển - tự nó là một  nhân tố gây mất ổn định mạnh trong bối cảnh nền kinh tế chuyển đổi chưa phát triển đầy đủ các quan hệ thị trường. Đây chính là tình cảnh “trên đe dưới búa” lưỡng nan của đa số các nước đang phát triển trong khi lựa chọn chính sách tỉ giá.

Việc nhấn mạnh một chiều các lợi ích của việc ấn định giá trị đồng bản tệ quá cao hoặc quá thấp, cũng như của việc thả nổi hoàn toàn tỷ giá, là chỉ tính đến những lợi ích ngắn hạn và chứa đựng trong đó tất cả những hiểm hoạ mà sớm hay muộn sẽ bùng nổ trong tương lai, khiến toàn bộ nền kinh tế phải trả giá đắt hơn so với những lợi ích cục bộ thu được. Cái giá phải trả càng cao nếu mức độ chênh lệch giữa giá trị thực tế và giá trị "ảo" của đồng bản tệ càng lớn và được duy trì càng lâu, cũng như nếu cơ chế và các thể chế thị trường trong nước càng sơ khai và thiếu đồng bộ..Hơn nữa, sự đầu cơ quốc tế sẽ làm cho cái giá phải trả này càng trở nên khổng lồ và khó lường trước được.

Thành thử, không có một cơ chế tỷ giá hối đoái nào là tối ưu trong mọi trường hợp. Nhưng thực tế cho thấy, giữ được tỷ giá ổn định dựa trên việc tìm kiếm thường xuyên sự cân đối tối ưu giữa tính chất tự thân thị trường với sự can thiệp nhà nước là điều kiện tốt cho tăng trưởng kinh tế trong từng thời kỳ nhất định.   Vì vậy, chính sách tỷ giá ngày càng được nhiều nước lựa chọn là sự điều chỉnh tỷ giá có tính mềm dẻo, linh hoạt một cách thận trọng thích ứng với những biến động dựa trên quan hệ cung cầu thị trường có sự điều tiết tích cực của nhà nước. Có hai phương thức  xác định xu hướng và mức vận động của tỷ giá danh nghĩa ổn định thường được dùng là:

           - Xác định một hoặc một số ngoại tệ mạnh mà tỷ giá bản tệ biến động gắn với chúng: Đó có thể là ngoại tệ thường dùng trong thanh toán quốc tế, hoặc đồng tiền của nước bạn hàng chính. Phương thức này đặt cược "số phận" bản tệ vào các nhân tố bên ngoài, và do đó dễ gây ra tình trạng "lạm phát hoặc thiểu phát nhập khẩu", đột biến giá cả ngoài tầm quản lý của chính phủ, tăng tính bị động của chính sách vĩ mô.

            - Định kỳ điều chỉnh tỷ giá bản tệ: Ngân hàng Trung ương dự kiến trước mức điều chỉnh giá bản tệ trong khoảng thời gian xác định trên cơ sở cân nhắc và dự báo cung - cầu về ngoại tệ, tình hình kinh tế -xã hội cụ thể trong, ngoài nước và xu thế vận động của chúng. Tuy vậy, nếu khoảng cách của các chu kỳ điều chỉnh tỷ giá nếu không được cân nhắc đầy đủ sẽ gây ra tình trạng hỗn loạn, bất an trong tâm lý và hoạt động kinh tế; sẽ làm gia tăng nạn đầu cơ hoặc thái độ "nghe ngóng" chờ thời của các chủ đầu tư (đặc biệt là khi chính phủ tạo ra “quy luật” chỉ điều chỉnh tỷ giá một chiều – tức chỉ tăng hay giảm tỷ giá). Hơn nữa, nếu "chốt" tỷ giá quá lâu, hoặc mức điều chỉnh tỷ giá bản tệ nếu thái quá sẽ gây tình trạng tăng hoặc giảm quá mức giá trị bản tệ, từ đó kéo theo các hệ quả của việc định giá quá cao hoặc quá thấp đồng bản tệ như đã phân tích ở trên.

            Trên bàn cờ kinh tế, nước cờ về quản lý tỷ giá và ngoại hối là ảo diệu nhất, thần kỳ nhất và cũng có sức công phá mạnh nhất. Phạm vi tác động của chính sách tỷ giá gia tăng cùng chiều với mức độ tự do chuyển đổi đồng tiền và hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới của mỗi nước.  Khả năng cạnh tranh của xuất khẩu, trạng thái cán cân thương mại và thanh toán, dự trữ quốc gia, biến động cơ cấu sản xuất, niềm tin vào bản tệ, vào chính phủ, vào tương lai - nghĩa là các nhân tố chủ yếu đo lường sức khoẻ và chi phối mạnh động lực phát triển nền kinh tế đất nước - đều phụ thuộc sâu sắc vào tỷ giá hối đoái chính thức.

Là giá cả của tiền và phản ánh tổng hòa tương quan mức giá chung xã hội trên thị trường trong nước so với thị trường nước ngoài, tỷ giá bản tệ VND không thể cô lập với các biến động giá trên thị trường hàng hóa và dịch vụ thông thường. Trong bối cảnh suy giảm kinh tế, một mặt, việc giảm giá cả các hàng hoá và dịch vụ chung phổ biến trên các thị trường trong nước và quốc tế hiện nay là cho sức mua thực tế của đồng bản tệ tăng lên, tức giá trị của VND gia tăng. Hơn nữa, khi các đồng ngoại tệ giảm giá do chính sách hạ lãi suất và nới lỏng tín dụng nhằm kích cầu đầu tư và tiêu dùng trong liệu pháp cả gói chống suy giảm kinh tế ở các nước phát triển như Mỹ và các nước EU mà tỷ giá VND gắn kết chặt và dường như không đổi trong suốt thời gian dài, thì điều này cũng đồng nghĩa  với xu hướng định giá đồng bản tệ quá cao, làm mất đi đáng kể lợi thế và sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu của hàng Việt Nam, với những hệ lụy kinh tế – xã hội khó lường kèm theo (nhất là tình trạng giảm sút quy mô và thu nhập ngoại tệ từ hàng xuất khẩu, thu hẹp sản xuất, gia tăng thất nghiệp và các áp lực an sinh xã hội khác). Tuy nhiên, mặt khác, việc điều chỉnh tăng mạnh tỷ giá VND, chẳng hạn so với USD, tức phá giá mạnh đồng bản tệ, lại có thể tạo nguy cơ bùng nổ tái lạm phát và thậm chí có thể xuất hiện tình trạng suy thoái - lạm phát gây mối nguy hiểm kép, tức vừa có lạm phát cao với các hệ quả đắt đỏ  mà chúng ta vừa trảI qua, vừa có sự đình trệ, thậm chí suy giảm mạnh quy mô và tốc độ tăng trưởng nền kinh tế, hết sức tiêu cực cho sự ổn định hệ thống tài chinh - tiền tệ và cả thể chế quốc gia mà chúng ta đã chứng kiến những năm cuối thập kỷ 80 của thế kỷ XX         

            Do vậy, sự điều chỉnh tỷ giá bản tệ sẽ là nhân tố ổn định chỉ khi những biện pháp phối hợp của chính sách tiền tệ không làm tăng cung tiền vượt quá mức tăng sản lượng hàng hoá vật chất và "tiền tệ hoá" sự thiếu hụt ngân sách -một việc làm sẽ khiến gia tăng lạm phát, nạn ngoại tệ hoá và  dễ tạo ra vòng xoáy chóng mặt của lạm phát - phá giá bản tệ - lạm phát... để rồi đi tới sự sụp đổ b¶n tÖ./.

  
tác giả TS. Nguyễn Minh Phong / Viện nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội Hà Nội 

Ký kết Thỏa thuận hợp tác giữa Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hà Nội (HBA) và Hội Doanh nhân người Việt Nam (ASSOEVI) tại Italia, ngày 17/09/2012.
Hình ảnh nổi bật
HBA làm việc với các Sở chức năng của Hà Nội