Hiệp Hội Doanh Nghiệp Thành Phố Hà Nội - Số 445 Đội Cấn - Ba Đình - Hà Nội - Tel: (024)3.7674454 - 2.2122725 / Fax: (024)3.7674453 / E-mail: hba@hba.vn
3 xu hướng thị trường lao động Việt Nam cuối năm 2009    11/9/2009 11:09:50 AM
Các xu hướng thị trường lao động trong nước những tháng cuối năm sẽ tiếp tục phản ánh các động thái chung trên thị trường lao động quốc tế như là hệ quả trực tiếp của các động thái phát triển kinh tế, đồng thời cho thấy sự năng động và tính địa phương của thị trường trong nước gắn với thực tế và chính sách kinh tế của Việt Nam.

1. Thị trường đang phục hồi chậm và không đồng đều giữa các địa phương:

Về tổng quát, do nền kinh tế đang bắt đầu hồi phục, các công ty đang tăng dần tuyển mộ nhân lực (chỉ số cầu nhân lực trực tuyến tăng trong hai quý liên tiếp, nhất là nửa cuối năm 2009). trong khi cung lao động giảm bớt (do người lao động tự điều chỉnh, một số chuyển về quê),  nên thị trường lao động đang nóng dần lên, cân đối cung cầu lao động từng bước được cải thiện. Tuy vậy, hiện tại người tìm việc vẫn khó có thể “mặc cả” với nhà tuyển dụng khi đàm phán lương.

Theo phân loại và thống kê của VietnamWorks.com, chỉ số  cầu nhân lực trực tuyến trong quý III/2009 tăng 11,4% so với quý II/2009 và tăng 52,4% so với quý I năm 2009; trong đó, sự gia tăng cầu nhân lực được ghi nhận trong 24/50 ngành nghề, 21 ngành nghề khác không thay đổi và 5 ngành nghề còn lại giảm. Trong khi chỉ số cầu nhân lực ngành Dệt May giảm nhiều nhất, với mức giảm 25% so với quý trước gắn với sự thu hẹp nhu cầu  tiêu thụ hàng dệt may trên thị trường nước ngoài; thì đặc biệt, do yêu cầu tăng cường tiếp thị tiêu thụ hàng hoá của tất cả các công ty, doanh nghiệp trong bối cảnh thị trường tiêu thụ gặp khó khăn, nên nhu cầu nhân lực ngành Tiếp Thị  liên tục tăng và đây là ngành duy nhất có chỉ số cầu nhân lực trực tuyến cao hơn hẳn chỉ số cung nhân lực trực tuyến.  Trong nửa cuối năm 2009, sự gia tăng vượt trội và ổn định về cầu nhân lực sẽ thuộc về các ngành Bán Hàng (có chỉ số tăng cầu nhân lực trực tuyến cao nhất, quý III tăng 12,5% so với quý II/2009),  Kế Toán/Tài Chính, Kỹ Thuật Ứng Dụng, Hành Chính/Thư Ký và CNTT – Phần Mềm...

Về cung nhân lực trực tuyến, do có sự chuyển dịch lao động trong các ngành dùng nhiều lao động phổ thông như xây dựng về quê, nên Nông/Lâm Nghiệp cũng chính là ngành có mức tăng trưởng cung lao động cao nhất, đạt 20% so với quý II/2009; trong khi đó, chỉ số cung nhân lực trực tuyến ngành Xây Dựng giảm nhiều nhất,với mức giảm 13,9% trong quý III so với quý II/2009. Mặt khác, tình hình nhảy việc trên thị trường lao động đã chững lại trong thời gian qua, nên chỉ số cung nhân lực trực tuyến trong quý III/2009 giảm nhẹ ở mức 2,8% so với quý II/2009, nhưng vẫn cao hơn 6,2% so với quý I/2009. So với quý II/2009, chỉ có 7/50 ngành nghề có chỉ số cung nhân lực trực tuyến tăng, chỉ số cung nhân lực trực tuyến trong 19 ngành không thay đổi và 24 ngành còn lại giảm…

Đặc biệt, trong quý III/2009, nhóm các ngành nghề có chỉ số cung –  cầu nhân lực trực tuyến cao nhất không thay đổi so với quý trước. Ngoại trừ ngành Hành Chính/Thư Ký có chỉ số cung nhân lực trực tuyến không thay đổi, các ngành còn lại như Kế Toán/Tài Chính, Ngân Hàng/Đầu Tư, Kỹ Thuật Ứng Dụng và Nhân Sự đều tăng trưởng âm.

Sự phục hồi thị trường lao động trong nửa cuối năm 2009 diễn ra rộng khắp ở nhiều địa phương, song được ghi nhận rõ nét nhất ở các trung tâm kinh tế và đô thị lớn nhất trong cả nước. Hà Nội tiếp tục là thành phố hấp dẫn nhất về mặt cơ hội nghề nghiệp, có chỉ số cầu nhân lực trực tuyến cao nhất, quý III tăng 7,5% so với quý II, và tăng 56,7% so với quý I/2009. Xếp thứ hai là TP.HCM, tăng 13,2% so với quý II/2009. Đứng thứ tự tiếp theo là Bình Dương, Hải Dương và Đà Nẵng...Trong số những địa phương có chỉ số cầu nhân lực trực tuyến cao nhất trong quý III/2009, TP.HCM tiếp tục là thành phố có mức độ cạnh tranh nghề nghiệp cao nhất trong khi chỉ số cạnh tranh nhân lực tại Vũng Tàu ở mức thấp nhất. Hà Nội dù có chỉ số cầu nhân lực trực tuyến cao nhất, vẫn là nơi ứng viên có thể tìm việc dễ dàng hơn so với các địa phương khác trong nhóm này. 

2. Gia tăng dòng lao động người nước ngoài và Việt kiều về nước tìm việc:

Do suy thoái kinh tế diễn ra trên toàn cầu  và sự gia tăng xu hướng tái cấu trúc các doanh nghiệp, các công ty, đồng thời do sự giảm sút các cơ hội làm ăn ở những thị trường lao động  truyền thống lớn như LB.Nga, khiến làm gia tăng dòng người nước ngoài, kể cả Việt Kiều đổ về nước tìm việc làm như một xu hướng mới trên thị trường lao động Việt Nam trong nửa cuối năm 2009.  Đây là những lao động có kinh nghiệm và kỹ năng làm việc trong môi trường quốc tế, nên nhà tuyển dụng có thể tiết kiệm chi phí, tạm gọi là “Tuyển nhân sự quốc tế với giá địa phương”, giúp cải thiện cơ cấu lao động của doanh nghiệp.

3. Lao động trình độ cao không “đắt hàng” như dự kiến:

Theo thống kê của VietnamWorks.com, nhu cầu nhân lực cho các vị trí quản lý cấp cao không quá nhiều về mặt số lượng nếu so với các cấp bậc khác. Đồng thời, chỉ số cung nhân lực trực tuyến Người Nước Ngoài vẫn cao hơn so với chỉ số cầu nhân lực trực tuyến (1.0 so với 0.1).

Xét trên bình diện cầu nhân lực theo cấp bậc, chỉ số cầu nhân lực trực tuyến ở các cấp từ thấp đến quản lý bậc trung như Mới Tốt Nghiệp/Thực Tập, Có Kinh Nghiệm (không thuộc cấp quản lý), Trưởng Nhóm/Giám Sát và Trưởng Phòng tăng trong quý III/2009. Ngược lại, ở cấp bậc Giám Đốc, Phó Chủ Tịch và CEO, chỉ số cầu nhân lực trực tuyến có xu hướng giảm so với các quý trước.

Do khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nên chỉ số cạnh tranh nhân lực là rất cao và kéo dài trong hầu hết các lĩnh vực và địa phương, trong quý III/2009 đạt mức 6.4, không thay đổi so với quý II/2009. Điều này cũng đồng nghĩa người tìm việc vẫn khó có thể “kén cá, chọn canh” và buộc có thêm động lực để học hỏi và phát triển cá nhân một cách dài hạn hơn.

Trong quý III/2009, Hành Chính/Thư Ký, Xuất Nhập khẩu, Nhân Sự, Dịch Vụ Khách Hàng và Biên-Phiên Dịch tiếp tục là những ngành cạnh tranh nhất. Chỉ số cạnh tranh nhân lực ngành Hành Chính/Thư Ký vẫn như quý trước, đạt mức 11.4 và là ngành có chỉ số cạnh tranh cao nhất trong quý. Trong khi đó, chỉ số cạnh tranh nhân lực ngành Nhân Sự giảm 6,0% dù rằng ngành này vẫn được xếp vào danh sách “nóng” trong quý.

Dịch Vụ An Ninh là ngành có chỉ số cạnh tranh nhân lực thấp nhất trong quý. Nằm trong nhóm năm ngành nghề ít cạnh tranh nhất còn có ngành Chăm Sóc Sức Khỏe/Y Tế, Kho Vận, Pháp Lý và Nông/Lâm Nghiệp.

Tính theo cấp bậc, so với quý II/2009, tính cạnh tranh ở các cấp bậc như Mới Tốt Nghiệp/Thực Tập, Có Kinh Nghiệm (không thuộc cấp quản lý) và Phó Chủ Tịch tăng nhẹ lần lượt ở mức 5.1%; 1,3% và 10%. Mức độ cạnh tranh ở các cấp bậc khác có giảm đôi chút so với quý trước….

Tóm lại, các xu hướng thị trường lao động trong nước những tháng cuối năm sẽ tiếp tục phản ánh các động thái chung trên thị trường lao động quốc tế như là hệ quả trực tiếp của các động thái phát triển kinh tế, đồng thời cho thấy sự năng động và tính địa phương của thị trường trong nước gắn với thực tế và chính sách kinh tế của Việt Nam.

  
tác giả Lưu Trinh - Minh Phong 

Ký kết Thỏa thuận hợp tác giữa Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hà Nội (HBA) và Hội Doanh nhân người Việt Nam (ASSOEVI) tại Italia, ngày 17/09/2012.
Hình ảnh nổi bật