Hiệp Hội Doanh Nghiệp Thành Phố Hà Nội - Số 445 Đội Cấn - Ba Đình - Hà Nội - Tel: (024)3.7674454 - 2.2122725 / Fax: (024)3.7674453 / E-mail: hba@hba.vn
DN dân doanh đang bị cạnh tranh không lành mạnh bởi DN thân hữu    5/8/2014 9:19:14 AM

Theo khảo sát mới đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các doanh nghiệp dân doanh đều cho rằng, chính quyền tỉnh thường ưu ái các doanh nghiệp Nhà nước do trung ương quản lý và ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài hơn là đối xử bình đẳng giữa tất cả các doanh nghiệp.

Quyền tự do kinh doanh của doanh nhân, doanh nghiệp và cá nhân cũng như sự bình đẳng giữa Doanh nghiệp nhà nước (DNNN), doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp dân doanh đã được quy định trong Hiến pháp.

Tuy nhiên, thông qua tổng hợp kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia kinh tế của VCCI đã cho thấy có sự phân biệt khá rõ trên thực tế.

Theo kết quả khảo sát của VCCI năm 2013 cho thấy, nhóm khó khăn hàng đầu mà các doanh nghiệp phản ánh là sự chưa bình đẳng trong môi trường kinh doanh tại Việt Nam hiện nay. Mặc dù có số lượng áp đảo tại Việt Nam (chiếm đến 97 - 98%), nhưng các doanh nghiệp dân doanh đang cảm nhận sự lấn át từ phía các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, DNNN và doanh nghiệp lớn có mối quan hệ thân quen.

Khoảng 1/3 doanh nghiệp dân doanh cho rằng, việc chính quyền tỉnh ưu ái cho DNNN do trung ương quản lý là một trở ngại đối với hoạt động của họ. Ưu ái mà chính quyền tỉnh dành cho các DNNN thể hiện rất đa dạng: Có 27% doanh nghiệp dân doanh cho biết các DNNN có thuận lợi hơn trong tiếp cận đất đai và vay vốn, tín dụng; Khoảng 20% cho biết DNNN dễ dàng hơn trong tiếp cận tài nguyên như khoáng sản; Các DNNN cũng gặp thuận lợi hơn trong việc thực hiện các thủ tục hành chính (26%) và rõ rệt hơn cả là trong lĩnh vực mua sắm công (35%).

Điều tra của VCCI cũng cho thấy nhiều chính quyền địa phương ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài hơn là phát triển kinh tế tư nhân. Cảm nhận rõ nét nhất là tại những nơi có lượng đầu tư nước ngoài lớn hoặc chính quyền đang tập trung mọi nỗ lực vào thu hút đầu tư nước ngoài.

Cũng trong năm 2013, có 32% doanh nghiệp dân doanh trong nước cho biết tỉnh ưu tiên giải quyết các vấn đề, khó khăn cho doanh nghiệp nước ngoài hơn là doanh nghiệp trong nước.

Mối lo ngại lớn khác đối với các doanh nghiệp dân doanh hiện nay là sự cạnh tranh không lành mạnh của những doanh nghiệp thân hữu - những doanh nghiệp lớn có mối quan hệ với cán bộ chính quyền địa phương.

Có tới 35% doanh nghiệp được khảo sát lo ngại rằng ưu đãi với các công ty lớn là trở ngại cho hoạt động kinh doanh của họ. Khảo sát từ 63 tỉnh/thành phố cho thấy tại tỉnh trung vị có tới 96% doanh nghiệp dân doanh đồng ý cho rằng “hợp đồng, đất đai,… và các nguồn lực kinh tế khác chủ yếu rơi vào tay các doanh nghiệp có liên kết chặt chẽ với chính quyền tỉnh”. Nơi có tỷ lệ này thấp nhất cũng lên tới 75%.

Để xây dựng môi trường kinh doanh bình đẳng hơn, tiến tới xóa bỏ được sự phân biệt giữa DNNN, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với doanh nghiệp dân doanh, VCCI đã đại diện cho các doanh nghiệp dân doanh kiến nghị Chính phủ hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về kinh doanh.

Giám sát hiệu quả các doanh nghiệp nhà nước độc quyền, nhất là doanh nghiệp nhà nước độc quyền trên các lĩnh vực như điện, viễn thông, xăng dầu…, và cho phép tư nhân cùng kinh doanh để hạn chế vai trò “thống soái” của các doanh nghiệp nhà nước trên các lĩnh vực đang độc quyền.

Thay đổi tư duy phân biệt từ ngay chính các cơ quan quản lý nhà nước. Đồng thời giảm bớt sự “lấn sân” của các DNNN đối với doanh nghiệp dân doanh.  
tác giả Nguồn http://motthegioi.vn 

Ký kết Thỏa thuận hợp tác giữa Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hà Nội (HBA) và Hội Doanh nhân người Việt Nam (ASSOEVI) tại Italia, ngày 17/09/2012.
Hình ảnh nổi bật
HBA làm việc với các Sở chức năng của Hà Nội