Hiệp Hội Doanh Nghiệp Thành Phố Hà Nội - Số 445 Đội Cấn - Ba Đình - Hà Nội - Tel: (024)3.7674454 - 2.2122725 / Fax: (024)3.7674453 / E-mail: hba@hba.vn
Cải cách thể chế kinh tế: Cơ hội trong tay nhà nước    5/8/2014 9:14:49 AM
Tại Diễn đàn kinh tế mùa Xuân 2014 với chủ đề “Động lực phát triển mới từ cải cách thể chế”, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Nguyễn Đình Cung nhận định: cơ hội cải cách thể chế kinh tế đang rất cận kề.



Viện trưởng Nguyễn Đình Cung phát biểu tại Diễn đàn kinh tế mùa xuân 2014

Theo ông Cung nhận định: Thực tế, vấn đề cải cách thể chế sau ba năm nhìn lại vẫn chưa có nhiều đột phá. Vì vậy, cần nhìn nhận lại định nghĩa chính xác về thể chế, cải cách thể chế, đặc biệt là cải cách kinh tế và cải cách thể chế kinh tế.

Ông Cung cho rằng: Cải cách thể chế kinh tế cần được hiểu là việc thiết lập, bổ sung và thay đổi hệ thống các quy tắc luật lệ chính thức, để quá trình chuyển đổi từ kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường được thực hiện.

Như vậy, cải cách thể chế nhanh hay chậm, quy mô lớn hay nhỏ… phụ thuộc vào việc liệu nhà nước thực sự muốn thay đổi vai trò, vị trí và chức năng của mình hay không?

“Đột phá về thể chế là cần thiết, khi quá trình chuyển đổi sang kinh tế thị trường đang có các “điểm nghẽn” hay “nút thắt”; và đột phá về thể chế xảy ra khi các thể chế hợp lý được thiết lập kịp thời với quy mô thay đổi đủ lớn, đủ mạnh để thay đổi được các nút thắt, điểm nghẽn đó”, ông Cung nói.

Ông Cung cho rằng: Điểm nghẽn của thể chế hiện nay đang nằm ở vai trò của nhà nước trong nền kinh tế thị trường không còn phù hợp nhưng chúng ta lại rất ít bàn đến đổi mới vai trò của nhà nước và quan hệ giữa nhà nước và thị trường. Vì vậy, có thể vẫn chưa có đổi mới thể chế toàn diện và hệ thống; có chăng chỉ là những thay đổi đơn lẻ, ở một số thể chế cụ thể và nguy cơ xung đột giữa các thể chế cụ thể vẫn hiện hữu.

Hơn thế nữa, sự phân bố thị trường đối với vốn đầu tư nhà nước vẫn còn méo mó dẫn đến những hệ quả đối với nền kinh tế như vay nợ nhiều, bội chi lắm, phát hành trái phiếu nhiều dẫn đến lạm phát cao,…nền kinh tế mất cân đối, tăng trưởng mất cân đối,…

Tuy nhiên, tại thời điểm hàng loạt dự thảo luật có tác động trực tiếp tới cải cách thể chế kinh tế đã và đang được soạn thảo, sửa đổi như Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp… thì cơ hội thay đổi đang rất cận kề.

Vì vậy, các dự thảo luật này càng sớm được đưa vào thực tế bao nhiêu thì cải cách thể chế càng nhanh chóng bấy nhiêu.

Nhưng để làm được như vậy, Nhà nước phải thực sự muốn thay đổi vai trò, vị trí và chức năng của mình.

Đồng thời, phải thắt chặt và áp đặt kỷ luật ngân sách cứng với chính phủ và DNNN, bắt buộc họ phải đối mặt với sự khan hiếm của nguồn vốn đầu tư và phải lựa chọn dự án đầu tư có hiệu quả nhất trong số vốn có được; bắt buộc chính phủ, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm đối với hiệu quả vốn đầu tư…  
tác giả KIỀU CHÂU/BIZLIVE 

Ký kết Thỏa thuận hợp tác giữa Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hà Nội (HBA) và Hội Doanh nhân người Việt Nam (ASSOEVI) tại Italia, ngày 17/09/2012.
Hình ảnh nổi bật
HBA làm việc với các Sở chức năng của Hà Nội