Hiệp Hội Doanh Nghiệp Thành Phố Hà Nội - Số 445 Đội Cấn - Ba Đình - Hà Nội - Tel: (024)3.7674454 - 2.2122725 / Fax: (024)3.7674453 / E-mail: hba@hba.vn
Ngành xăng, dầu lãi cả nghìn tỷ đồng nhờ... lỗ    12/3/2009 10:27:06 AM
Một số doanh nghiệp áp dụng mức tính hao hụt xăng dầu đã lạc hậu để được cấp bù lỗ cao hơn thực tế, kê khai “mua xa - bán gần” để hưởng chính sách ưu đãi về cước vận chuyển.
Các đầu mối nhập khẩu quản lý, hạch toán và chi các khoản không đúng chế độ, quyết toán một số khoản chi không đúng nguồn... để được Nhà nước cấp bù lỗ nhiều hơn.

Những tồn tại trên được Kiểm toán Nhà nước (KTNN) phát hiện trong quá trình kiểm toán việc thực hiện cấp bù lỗ tại các đầu mối nhập khẩu xăng dầu giai đoạn 2006 - 2008. Qua đó, KTNN yêu cầu phải giảm trên 1.025 tỷ đồng số tiền doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đề nghị Nhà nước cấp bù. Tại buổi họp báo ngày 2/12, KTNN cũng đã công khai kết quả kiểm toán báo cáo tài chính năm 2008 của Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC); Chương trình 135 giai đoạn II năm 2008... 
 

Doanh nghiệp nhập khẩu xăng, dầu đòi bù lỗ khiến Nhà nước suýt mất oan trên 1.000 tỷ đồng (Ảnh chỉ có tính minh họa) Ảnh: TNLinh


Có dấu hiệu trục lợi trong mỗi lần điều chỉnh giá

Kết quả kiểm toán việc cấp bù lỗ kinh doanh các mặt hàng dầu tại 10 đầu mối nhập khẩu xăng, dầu, cho thấy việc quản lý cấp bù lỗ các mặt hàng dầu chưa đảm bảo công bằng, bình đẳng giữa các doanh nghiệp. 

“Nguyên nhân do hệ thống định mức hao hụt đã lạc hậu, ban hành từ năm 1986 đến nay chưa được sửa đổi, bổ sung để thống nhất quản lý. Trong khi các đơn vị được kiểm toán đều xây dựng định mức hao hụt xăng dầu mới với định mức giảm hơn so với định mức ban hành từ năm 1986 để đề nghị cấp bù lỗ thì Công ty Thương mại xăng dầu đường Biển và Công ty Thương mại dầu khí Đồng Tháp vẫn áp dụng định mức cũ, dẫn đến thiếu công bằng trong cấp bù lỗ”, Phó tổng KTNN Lê Minh Khái giải thích.

Công ty Thương mại xăng dầu đường Biển chỉ đề nghị cấp bù hơn 217,2 tỷ đồng nhưng thực tế đã được cấp tới 251,6 tỷ đồng. KTNN cũng phát hiện, một số đầu mối nhập khẩu áp dụng mức chiết khấu bán hàng cao hơn quy định. Tại một số thời điểm Nhà nước tăng giá bán nhưng có đơn vị vẫn bán cho một số trường hợp theo giá cũ (viết hóa đơn trước thời điểm tăng giá, xuất hàng sau thời điểm tăng giá). Trong quá trình tập hợp chi phí để xác định kết quả kinh doanh các mặt hàng dầu còn một số khoản chi phí chênh lệch tỷ giá ngoại tệ, thu nhập - chi phí hoạt động tài chính...

Đáng chú ý, KTNN cho rằng, SCIC phải kiểm tra, làm rõ trách nhiệm cá nhân và tập thể tại Công ty cổ phần hàng không Jetstar Pacific Airlines, công ty mà SCIC nắm trên 60% cổ phần. Lý do là từ tháng 7/2008 đến tháng 5/2009, hai Phó tổng giám đốc thực hiện nghiệp vụ phòng ngừa rủi ro xăng dầu của công ty này không tuân thủ nguyên tắc thực hiện và không báo cáo HĐQT, Ban điều hành nên đã làm cho Jetstar lỗ hơn 31 triệu USD.

KTNN cũng yêu cầu SCIC phải xem xét lại việc chi trả quỹ tiền lương rất cao cho Ban lãnh đạo công ty trong khi hãng làm ăn thua lỗ.

KTNN đã yêu cầu phải giảm trên 1.025 tỷ đồng số tiền doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đề nghị Nhà nước cấp bù. Trong đó, thu hồi cấp bù lỗ các mặt hàng dầu của hai năm 2006, 2007 nộp vào ngân sách 87,2 tỷ đồng. Giảm quyết toán, giảm cấp bù lỗ từ ngân sách Nhà nước cho các mặt hàng dầu năm 2008 hơn 937,7 tỷ đồng (Tổng công ty Dầu Việt Nam là 420 tỷ đồng; Công ty TNHHMTV dầu khí TP.HCM là 129,2 tỷ đồng; Công ty Thương mại kỹ thuật đầu tư là 116 tỷ đồng; Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam là 65,8 tỷ đồng...).

KTNN cũng lưu ý, tại các đầu mối nhập khẩu xăng dầu có hiện tượng trước khi giá xăng dầu tăng, lượng xăng dầu bán ra tăng đột biến, những ngày sau đó, sản lượng tiêu thụ giảm hẳn. Ngược lại, trước khi Nhà nước có quyết định giảm giá bán thì số lượng bán trong ngày cho các tổng đại lý, đại lý và các khách hàng là hộ công nghiệp gần như bằng 0, chỉ còn bán lẻ cho người sử dụng ô tô, xe máy. 

Theo KTNN, đây là vấn đề các cơ quan chức năng phải giải quyết để đảm bảo công khai, minh bạch giá bán xăng, dầu, ngăn chặn được tình trạng đầu cơ, trục lợi.

Công tác quản lý thị trường, kiểm tra giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu còn “lỏng”, chưa kiểm kiểm soát được có tình trạng “mua xa, bán gần” của các đại lý, tổng đại lý để hưởng chính sách ưu đãi về cước vận chuyển không? 

Hưởng lương cao kỷ lục, vẫn chậm nộp thuế

Tại cuộc họp báo, Quyền Vụ trưởng Vụ tổng hợp - KTNN cho biết, qua kiểm toán phát hiện SCIC theo dõi, hạch toán doanh thu chưa chặt chẽ, nhiều trường hợp đã nhận được thông báo chia cổ tức của năm 2006 - 2007 nhưng SCIC chưa hạch toán doanh thu và công nợ. Một số doanh nghiệp đã chuyển tiền cổ tức về tài khoản của SCIC nhưng tổng công ty này không hạch toán vào doanh thu và hạch toán làm giảm công nợ phải thu. Do vậy, kiểm toán đã yêu cầu SCIC phải điều chỉnh tăng tổng doanh thu, thu nhập lên 72,6 tỷ đồng.

Trong việc trích lập quỹ lương, SCIC đã không làm đúng đơn giá tiền lương theo thông tư hướng dẫn của bộ Lao động - thương binh và xã hội. Kiểm toán Nhà nước đã yêu cầu riêng khoản chi phí này, SCIC phải điều chỉnh giảm 3,38 tỷ đồng.

SCIC xác định hệ số cấp bậc, mức lao động định biên có thay đổi lớn, vượt quy định nhưng chưa báo cáo giải trình cụ thể. Điển hình, quỹ tiền lương của lãnh đạo SCIC được duyệt là gần 1,5 tỷ đồng nhưng thực tế năm 2008 đã chi trả hơn 2,6 tỷ đồng (vượt 1,168 tỷ đồng).
 
Thu nhập bình quân của lãnh đạo Tổng công ty khi xây dựng kế hoạch trình Bộ Tài chính và Bộ Lao động Thương binh và Xã hội là 40 triệu đồng một tháng nhưng thực tế năm 2008 thu nhập bình quân là 78,5 triệu đồng một tháng, gấp 1,96 lần so với mức cho phép. Đây cũng được xem là mức lương cao kỷ lục trong số các lãnh đạo doanh nghiệp Nhà nước tại Việt Nam. Để làm rõ vấn đề này, chiều 2/12, Đất Việt đã liên hệ với Trưởng Ban kiểm soát SCIC nhưng ông này từ chối cung cấp thông tin và cho biết đơn vị này đã có báo cáo giải trình.

Lương cao nhưng việc kê khai và nộp thuế thu nhập cá nhân tại SCIC rất “ì ạch”. Đến tháng 5/2009, quá thời hạn kê khai, quyết toán thuế gần hai tháng nhưng đơn vị này mới có báo cáo kê khai, quyết toán thuế thu nhập cá nhân của năm 2008. Số thuế thu nhập cá nhân mà SCIC bị KTNN buộc phải nộp tăng thêm là 900 triệu đồng. Bên cạnh đó, năm 2008, SCIC chưa kê khai nộp thuế thu nhập doanh nghiệp của hoạt động chuyển nhượng (thoái vốn đầu tư) theo quy định. Số thuế thu nhập doanh nghiệp mà SCIC bị buộc phải nộp lên tới 22,5 tỷ đồng. 

  
tác giả Theo Đất Việt 

Ký kết Thỏa thuận hợp tác giữa Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hà Nội (HBA) và Hội Doanh nhân người Việt Nam (ASSOEVI) tại Italia, ngày 17/09/2012.
Hình ảnh nổi bật
HBA làm việc với các Sở chức năng của Hà Nội