Hiệp Hội Doanh Nghiệp Thành Phố Hà Nội - Số 445 Đội Cấn - Ba Đình - Hà Nội - Tel: (024)3.7674454 - 2.2122725 / Fax: (024)3.7674453 / E-mail: hba@hba.vn
Xuất khẩu gạo đạt mức kỷ lục    11/4/2009 10:40:06 AM
10 tháng đầu năm, Việt Nam đã xuất khẩu 5,372 triệu tấn gạo, tương đương 2,173 tỷ USD - mức cao nhất kể từ hồi Việt Nam xuất khẩu gạo đến nay. Tuy nhiên, điều hành về xuất khẩu gạo lại gặp vấn đề lớn.
Hội thảo “Điều hành xuất khẩu gạo - Thực trạng và giải pháp” do Hội Nông dân Việt Nam và Báo Nông thôn Ngày nay tổ chức ngày 3/11 thu hút nhiều chuyên gia kinh tế hàng đầu tham dự. Đa số đều bày tỏ ý kiến về việc cần loại bỏ chức năng điều hành xuất khẩu gạo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA).
 
Chánh văn phòng Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam Trần Đức Tụng cho biết, với những vựa lúa lớn, trải đều trong cả nước, dù thiên tai có gây tổn thất mùa màng một số vùng, thì cân đối lương thực cả nước vẫn có đủ gạo ăn cho hơn 89 triệu dân và còn thừa từ 4 đến 5 triệu tấn gạo/năm để xuất khẩu.
 
Đó là chưa kể gạo từ Campuchia bán sang Việt Nam cả triệu tấn/năm và hơn triệu tấn bột mì nhập khẩu/năm cũng được đưa vào cân đối lương thực. Theo dự đoán của ông Tụng, năm 2009, Việt Nam sẽ xuất khẩu đạt 6 triệu tấn gạo.
 
Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Đình Cung, Viện phó Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế, Việt Nam đang chạy theo số lượng xuất khẩu gạo mà quên mất lợi ích của việc xuất khẩu gạo và lợi ích của người nông dân. VFA không nên tham gia điều hành xuất khẩu gạo, mà nên làm đúng chức năng của hiệp hội ngành nghề.
 
“Nút thắt bó rối” trong việc xuất khẩu gạo của Việt Nam hiện nay, theo nhìn nhận của ông Trần Đức Tụng, là việc xuất khẩu gạo thông qua đấu thầu của Tổng Công ty Lương thực miền Nam cho Philipines.
 
Ông Tụng nói: “Việc chốt lời, chốt giá ngay thời điểm thắng thầu trong khi chân hàng tồn kho các doanh nghiệp thành viên của tổng công ty quá ít; phải đợi sau 3 - 4 tháng, đến kỳ thu hoạch mới mua qua các nhà cung ứng, giao hàng cho khách theo hợp đồng.
 
Khi thời điểm giao hàng, do cung không đủ cầu nên giá gạo thế giới thường tăng theo thời gian; nếu nông dân hàng xáo và các nhà cung ứng trong nước bán được theo giá thời điểm thì hậu quả doanh nghiệp nhập khẩu sẽ thua lỗ.
 
Nhưng nhờ thế lực, độc quyền được giao và có cả hệ thống tổ chức chân rết rộng khắp đến các tỉnh thành nên tổng công ty này đã chi phối được giá lúa gạo của bà con nông dân ĐBSCL thấp hơn so với giá đấu thầu…”.
 
Lời giải thích từ Phó Chủ tịch VFA Nguyễn Thọ Trí về việc, từ năm 2006 đến nay, tại VFA không tồn tại việc giao chỉ tiêu xuất khẩu gạo mà chỉ có chỉ tiêu định hướng từ trung ương đến địa phương, cũng như không tồn tại quota trong xuất khẩu gạo đã gặp sự phản ứng gay gắt của giới chuyên gia.
 
TS.Lê Đăng Doanh bày tỏ: Tôi tìm hiểu và thấy nếu hợp đồng xuất khẩu gạo không có dấu treo của VFA, không có bao bì logo của VFA là không được hải quan thông quan.
 
Chúng ta phải làm rõ cái hiệu lực dấu treo của VFA và phải thay đổi cơ chế điều hành xuất khẩu gạo hiện nay. Bởi một sự thật là giá gạo Việt Nam cùng chủng loại với nước ngoài mà giá thấp kỷ lục, VFA tự ý điều chỉnh giá sàn là vì đại cục hay vì lợi ích bộ phận nào đó?
  
tác giả Theo An Hạ / báo dân trí 

Ký kết Thỏa thuận hợp tác giữa Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hà Nội (HBA) và Hội Doanh nhân người Việt Nam (ASSOEVI) tại Italia, ngày 17/09/2012.
Hình ảnh nổi bật
HBA làm việc với các Sở chức năng của Hà Nội