Hiệp Hội Doanh Nghiệp Thành Phố Hà Nội - Số 445 Đội Cấn - Ba Đình - Hà Nội - Tel: (024)3.7674454 - 2.2122725 / Fax: (024)3.7674453 / E-mail: hba@hba.vn
Chuyện lý thú về nhu cầu tiêu dùng của người Việt    11/3/2009 10:25:39 AM
Chỉ là một người nhưng với những nhu cầu tiêu dùng khác nhau thì sẽ nảy sinh các mối quan tâm rất khác nhau. Vì vậy, nếu người bán hàng không bán được thì không thể kết luận là người tiêu dùng nội địa chưa đủ trình độ tiêu dùng…
Nhu cầu mua hàng Việt của người nông dân rất cao.
 
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Duy Thuận, cố vấn bán hàng cho chương trình “hàng Việt về nông thôn”, người tiêu dùng cũng phải được nhìn nhận dưới nhiều góc nhìn và với mỗi góc nhìn sẽ luôn có những kết luận khác biệt rất lớn, ngay cả với cùng một cá nhân cụ thể.

Ví dụ như một phụ nữ 35 tuổi, chỉ là 1 cá thể, nhưng nếu nhìn dưới góc độ thị trường thì có thể chia ra làm nhiều nhu cầu tiêu dùng khác nhau.

Cụ thể là với tư cách là người tiêu dùng mỹ phẩm, phụ nữ trung niên đó sẽ có các quan tâm đến mỹ phẩm phục hồi làn da, chống lão hóa… và một lần mua hàng có thể từ hàng trăm ngàn đến vài triệu đồng, mỗi mức khuyến mãi có thể lên đến vài trăm ngàn cho mỗi lần mua sắm

Nếu xét họ dưới góc độ là bà nội trợ chính của gia đình (đối với người có gia đình) thì, người này sẽ quan tâm đến giá cả của đường muối, mì ăn liền, dầu ăn, nước tương, nước mắm… mỗi lần mua hàng sẽ có thể từ vài ngàn đồng đến vài trăm ngàn đồng và mức khuyến mãi có thể chỉ là vài cọng rau thơm.

Cũng là cá thể này nhưng nếu họ là trưởng phòng của một công ty lớn, mỗi lần mua dịch vụ hoặc hàng hóa của có thể lên đến vài tỷ đồng và mức chiết khấu có thể cũng tương đương như vậy…

Ví dụ trên cho thấy, tuy chỉ là một cá thể nhưng khi có những nhu cầu tiêu dùng khác nhau thì sẽ nảy sinh các mối quan tâm rất khác nhau. Có thể buổi sáng họ hài lòng vì mua hai bìa đậu phụ rán mà được khuyến mãi thêm rau thơm.

Buổi trưa chính người này cũng có thể hài lòng với mức độ tương đương vì trả ba triệu mua mỹ phẩm được tặng một món quà hai trăm ngàn nhưng buổi chiều họ lại cảm thấy bình thường khi được chiết khấu vài trăm triệu cho một hợp đồng.

Ví dụ này cũng chứng minh một điều là khi nói về người tiêu dùng (nội địa) thì không bao giờ nên nói đến các cá thể sinh học mà chỉ nên nói đến các tập hợp những người có khả năng thanh toán cho một nhu cầu cụ thể.

Khi đó nói đến người tiêu dùng nội địa chính là nói đến hàng ngàn nhóm người theo hàng ngàn tiêu chí tiêu dùng khác nhau. “Như vậy, vấn đề trong việc “dành lại người tiêu dùng nội địa” chính là việc thuyết phục được từng nhóm người trong từng hoàn cảnh cụ thể” - ông Thuấn nói.

Chúng ta hãy thử hình dung về người phụ nữ nói trên, vào buổi trưa khi ở trong một khu mua sắm sang trọng mát lạnh và đang thử một loại nước hoa mới thì một bà bán đậu phụ rán gánh sọt vào và ra sức quát to mời mua 2 bìa đậu được tặng vài cọng rau thơm thì sẽ như thế nào?

Và nếu người bán không bán được thì có thể kết luận là người tiêu dùng nội địa không thích hàng nội mà chỉ thích đậu phụ ngoại có mùi nước hoa?

Hay ngược lại, vào buổi sáng sớm, vừa đi tập thể dục sáng về tranh thủ ghé ngang chợ vỉa hè mua vài bìa đậu phụ và cố xin thêm mấy ngọn rau thơm xanh nõn thì một cô gái bán nước hoa xịt xịt vào cổ tay và nhỏ nhẹ báo giá hai triệu một chai thì sẽ như thế nào?

Và nếu người bán không bán được thì có thể kết luận là người tiêu dùng nội địa chưa đủ trình độ tiêu dùng nước hoa cao cấp mà chỉ thích nước hoa có mùi rau diếp cá?

Ví dụ vui này hơi cường điệu quá nhưng trên thực tế, chúng ta luôn nghe thấy các kết luận kiểu như vậy của các nhân viên bán hàng hoặc các nhân viên điều tra thị trường trong các cuộc họp giải thích cho cấp trên lý do không bán được hàng.

Nói tóm lại, người tiêu dùng nội địa là một khái niệm chung để chỉ những người tiêu dùng đang sinh sống, mua hàng và sử dụng hàng trong lãnh thổ Việt Nam. Nhưng khi xem xét, các chuyên gia cho rằng cần nghiên cứu về nhu cầu thị trường với những phân tích chi tiết về những nhu cầu và mối quan tâm khác nhau trong từng hoàn cảnh cụ thể.

Đây cũng chính là bài toán cần giải cho khả năng đáp ứng nhu cầu của thị trường nội địa đối với các doanh nghiệp trong nước.

  
tác giả Theo Lan Hương - An Hạ / báo dân trí 

Ký kết Thỏa thuận hợp tác giữa Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hà Nội (HBA) và Hội Doanh nhân người Việt Nam (ASSOEVI) tại Italia, ngày 17/09/2012.
Hình ảnh nổi bật
HBA làm việc với các Sở chức năng của Hà Nội