Hiệp Hội Doanh Nghiệp Thành Phố Hà Nội - Số 445 Đội Cấn - Ba Đình - Hà Nội - Tel: (024)3.7674454 - 2.2122725 / Fax: (024)3.7674453 / E-mail: hba@hba.vn
“Chúng ta không 'đói ăn vụng, túng làm liều'”    5/21/2009 10:19:03 AM
“Chúng ta không 'đói ăn vụng, túng làm liều'”

(Dân trí) - Trao đổi về các dự án khai thác bô xít Tây Nguyên, vị Phó Chủ nhiệm UB Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nhấn mạnh: Chúng ta không đến mức phải “liều”, nên phải tính toán xem đủ khả năng khống chế ô nhiễm thì làm, nếu không thì thôi.
 >> Quốc hội “để mắt” toàn diện tới dự án bô xít


Trong giờ nghỉ giữa giờ phiên họp chiều 20/5 của Quốc hội, Phó Chủ nhiệm UB Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, ông Nghiêm Vũ Khải, đã trả lời các phóng viên về vấn đề khai thác bô xít ở Tây Nguyên.

 

10.jpg
Ông Nghiêm Vũ Khải trả lời báo chí bên lề phiên họp Quốc hội.

 

Thưa ông, nhiều nhà khoa học đã bày tỏ sự quan tâm đến vấn đề môi trường của các dự án khai thác bô xít tại Tây Nguyên. Theo ông, đâu là mối lo ngại nhất của vấn đề môi trường trong khai thác quặng bô xít ở khu vực này?

 

Thực ra quá trình khai thác, chế biến quặng bô xít, lo ngại nhất là bùn đỏ, một chất thải nguy hại trong quá trình chế biến alumina. Thứ 2 là vấn đề ảnh hưởng đến đa dạng sinh học do khai thác quặng bô xít lộ thiên chiếm khá nhiều diện tích. Tuy nhiên, chủ đầu tư là Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam cũng đã đưa ra phương án khai thác từng khu vực không lớn một, sau đó hoàn thổ, rồi làm chỗ khác. Chủ đầu tư đặt ra như vậy và chúng ta phải giám sát để họ thực hiện đúng qui trình.

 

Có ý kiến cho rằng, công nghệ khai thác của đối tác Trung Quốc chưa phải là hiện đại nhất và điều này gây nên lo ngại về vấn đề môi trường?

Công nghệ đúng là của Trung Quốc, nhưng theo tôi được biết, công nghệ đó có bản quyền thuộc loại tiên tiến. Hơn nữa, cam kết của chủ đầu tư là sẽ có môi trường tiên tiến và tôi nghĩ với khoản tiền 400-500 triệu đô la không thể không mua cái tiên tiến được. Bỏ ra ngần đấy tiền và ở một vị trí môi trường nhạy cảm như vậy thì phải mua công nghệ bảo đảm hạn chế tối đa ảnh hưởng tiêu cực của chất thải.


Như vậy, không đến mức phải đặt ra vấn đề về sự đánh đổi vấn đề môi trường vì lợi ích kinh tế?


Rõ ràng làm kinh tế phải chấp nhận hậu quả về môi trường, nhưng theo quan điểm của tôi chúng ta không đến mức độ “đói ăn vụng, túng làm liều”, không đến mức phải “liều” nên phải tính toán xem đủ khả năng khống chế ô nhiễm thì làm, nếu không thì thôi.


Theo ông, Quốc hội có cần phải thẩm tra, giám sát đặc biệt với các dự án này?


Theo tôi, Chính phủ phải chỉ đạo Bộ Công thương báo cáo đánh giá môi trường chiến lược và Bộ TNMT thẩm định báo cáo đó. Có nghĩa, trước tiên, các cơ quan hữu quan của Chính phủ làm đúng chức năng, nhiệm vụ theo qui định của pháp luật về bảo vệ môi trường, về đầu tư, về các pháp luật có liên quan khác. Uỷ ban chúng tôi đương nhiên có chức năng giám sát việc thực hiện như vậy, nếu thấy tốt rồi thì việc thẩm tra chưa cần thiết.


Còn khi Chính phủ có báo cáo về vấn đề bô xít tại kì họp này, việc có thẩm tra hay không sẽ do Thường vụ Quốc hội quyết định và phân công.


Tôi đọc qui hoạch rất kĩ, tôi đi Tây Nguyên 10 ngày, tôi cũng đọc nhiều bài báo, dự nhiều hội nghị, tôi thấy sự quan tâm của nhân dân, các nhà khoa học, các đại biểu Quốc hội rất lớn. Tôi nghĩ, các phương tiện thông tin đại chúng có vai trò rất quan trọng trong việc giải thích để đồng bào, những ai quan tâm rõ vấn đề.


Cần tránh hai khuynh hướng, một là  thiếu trách nhiệm với vấn đề bảo vệ môi trường và các vấn đề liên quan đến đất nước, hai là phóng đại, gây căng thẳng không cần thiết.


Theo tôi, quy hoạch bô xít Tây Nguyên phải gắn với quy hoạch nền kinh tế của cả nước. Trong đó, quy hoạch bô xít tác động đến kinh tế - xã hội của Tây Nguyên nhưng ngược lại sự phát triển kinh tế - xã hội của Tây Nguyên cũng mang lại lợi thế cho việc thực hiện quy hoạch bô xít.


Ông vừa đi thị  sát ở Tây Nguyên về, vậy ông có ý kiến gì về việc sử dụng lao động tại các dự án bô xít?


Hiện chưa có khai thác bô xít mà mới thăm dò, mở đường, san gạt mặt bằng. Riêng ở Tân Rai đã có lắp đặt thiết bị và lúc tôi đến, đang xây dựng móng của nhà máy. Đương nhiên, chuyển giao công nghệ thì công nhân Trung Quốc họ làm toàn bộ khâu lắp đặt. Chắc do chúng ta đã đặt hàng theo cách đó nên họ đến làm như vậy.


Vậy theo ông, công nhân Việt Nam có thể đảm nhận được công việc khai thác không?


Theo tôi hoàn toàn có thể đảm nhận được và công việc đó không khó, phức tạp bằng công việc ở nhà máy lọc dầu Dung Quất. Vấn đề là ta phải đào tạo được nguồn nhân lực sớm hơn khi triển khai dự án.


Xin cảm ơn ông!

Cấn Cường

 

 

  
tác giả  

Ký kết Thỏa thuận hợp tác giữa Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hà Nội (HBA) và Hội Doanh nhân người Việt Nam (ASSOEVI) tại Italia, ngày 17/09/2012.
Hình ảnh nổi bật
HBA làm việc với các Sở chức năng của Hà Nội