Hiệp Hội Doanh Nghiệp Thành Phố Hà Nội - Số 445 Đội Cấn - Ba Đình - Hà Nội - Tel: (024)3.7674454 - 2.2122725 / Fax: (024)3.7674453 / E-mail: hba@hba.vn
Hội thảo công bố Báo cáo năng lực cạnh tranh Việt Nam 2010    12/1/2010 3:05:01 PM
Ngày 30.11, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ phối hợp với Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương và Học viện Năng lực cạnh tranh châu Á tổ chức Hội thảo công bố Báo cáo năng lực cạnh tranh Việt Nam 2010.

Bản báo cáo đầu tiên về năng lực cạnh tranh Việt Nam đã cung cấp các số liệu, phân tích và đề xuất các giải pháp cụ thể nhằm giúp các nhà hoạch định chính sách trong quá trình xác định hướng đi tương lai; đồng thời đưa ra những phân tích tổng hợp làm đầu vào cho việc xây dựng một chiến lược kinh tế vừa dựa trên các kinh nghiệm quốc tế, vừa phù hợp với điều kiện hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam; đi sâu phân tích những nguồn lực dẫn dắt tăng trưởng của Việt Nam thời gian qua cũng như những vấn đề lớn mà đất nước phải giải quyết để tiếp tục duy trì và thúc đẩy phát triển kinh tế.

Báo cáo đánh giá cho thấy, trong hơn hai thập kỷ qua, Việt Nam đã tiến được một chặng đường dài, từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung khép kín, Việt Nam đã trở thành một bộ phận năng động của nền kinh tế toàn cầu. Quá trình này đem lại những lợi ích to lớn cho đời sống của người dân, tuy nhiên, dù thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đã chạm tới ngưỡng thu nhập trung bình thấp, nhưng mức thu nhập tuyệt đối vẫn còn thấp hơn nhiều so với hơn 100 quốc gia khác trên thế giới. Do vậy, vấn đề quan trọng nhất là Việt Nam cần có phương pháp tiếp cận đồng bộ và hiệu quả trong việc xây dựng các chính sách kinh tế vĩ mô; giải quyết các nút thắt cổ chai về kinh tế vi mô cũng như những yếu tố nền tảng của năng lực cạnh tranh… 

Sau đây là 3 bài phát biểu cảm nhận của Giáo sư Michael Porter trong buổi công bố báo cáo năng lực cạnh tranh đầu tiên của Việt Nam 2010:

1.Việt Nam không nên bắt chước Trung Quốc làm hàng giá rẻ:

“Cha đẻ” của chiến lược cạnh tranh Michael Porter cho rằng Việt Nam nên tìm ra lợi thế và phân khúc thị trường riêng, thay vì dập khuôn mô hình phát triển của Trung Quốc.

“Kinh tế Việt Nam đang phát triển năng động, người dân cần cù, giá lao động rẻ, thị trường nội địa cũng tương đối rộng lớn… Việt Nam có thể thành công không chỉ nhờ vào việc bán những hàng hóa giá rẻ. Các bạn nên chọn một phân khúc kinh doanh, lựa chọn những ngành hàng mà mình có ưu thế tương đối so với các nước khác trong khu vực để phát triển. Nếu chỉ bắt chước Trung Quốc hoặc cố gắng dựa vào nhân công giá rẻ thì thực sự không phải là một lựa chọn khôn ngoan”.

Việt Nam không nên bắt chước mô hình sản xuất hàng giá rẻ của Trung Quốc. Ảnh: N.M
Việt Nam không nên bắt chước mô hình sản xuất hàng giá rẻ của Trung Quốc.

Khuyến nghị thẳng thắn nói trên được Giáo sư Michael Porter đưa ra khi bất ngờ nhận được câu hỏi từ phía một doanh nhân Việt Nam về cách thức lựa chọn giúp doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh. Tư tưởng xây dựng chiến lược cạnh tranh dựa trên sự độc đáo của doanh nghiệp và sản phẩm cũng được vị Giáo sư Đại học Harvard thể hiện trong suốt 3 giờ trước hơn 400 thính giả trong lần đầu tiên đến Hà Nội ngày 29/11.

Mở đầu bài thuyết trình về cạnh tranh và chiến lược công ty bằng việc khẳng định không tồn tại bất kỳ một doanh nghiệp hay sản phẩm nào được coi là tốt nhất, Giáo sư Porter cho rằng việc đánh giá phụ thuộc vào từng nhu cầu cụ thể của các nhóm khách hàng. “Một doanh nghiệp, một sản phẩm có thể tốt nhất trong mắt khách hàng này, nhưng lại chỉ xếp cuối trong danh sách ưa chuộng của khách hàng khác”, Giáo sư khẳng định.

Như vậy, nỗ lực để trở thành doanh nghiệp tốt nhất trong lĩnh vực mình đang hoạt động, điều đang được nhiều công ty lầm tưởng là mục tiêu để vươn tới, chắc chắn không có cơ thành công. Theo Giáo sư Porter, nếu kiên quyết thực hiện mục tiêu này, các doanh nghiệp cạnh tranh sẽ tự đẩy mình vào thế khó và không có lợi cho sự phát triển.

Thay vào đó, các doanh nghiệp có thể làm được những điều đúng đắn hơn: trở nên khác biệt. Đây cũng là một trong những mấu chốt quan trọng nhất trong chiến lược cạnh tranh của Michael Porter. Kiên định theo mục tiêu này, các đối thủ cạnh tranh sẽ tránh được nguy cơ đối đầu trực tiếp trong khi cùng có cơ hội để phát triển theo định hướng riêng của mình.

Điểm cốt lõi của việc trở nên khác biệt đối với mỗi doanh nghiệp hay nền kinh tế là việc lựa chọn cho mình một phân khúc thị trường, một đối tượng khách hàng nhất định và tập trung đầu tư cho những cơ hội đó. Ví dụ về thành công của hãng xe tải Paccar tại Mỹ được Giáo sư Porter trở đi, trở lại trong bài thuyết trình của mình như một ví dụ tiêu biểu của việc doanh nghiệp biết làm thế nào để trở nên khác biệt.

Không lựa chọn những khách hàng lớn, Paccar chủ yếu nhắm vào đối tượng những lái xe tải tự do, những người chỉ mua xe một hoặc hai lần trong suốt cuộc đời làm việc. Bên cạnh giá trị như một phương tiện làm việc, chiếc xe với họ còn là nơi thể hiện cá tính bản thân, nơi gắn bó như một ngôi nhà thứ 2. Do vậy, chiếc xe cần độc đáo, nhiều tùy biến, bền, tiết kiệm nhiên liệu và đa năng. Yếu tố giá cả, khi đó bị xếp xuống thứ yếu.

Chính vì nắm được mấu chốt này và tập trung đầu tư cho nó mà Paccar đã thành công. Lợi nhuận trung bình trên vốn đầu tư (ROIC) của hãng trong giai đoạn 1983 - 2007 đạt trên 30%. Đây là con số đáng mơ ước đối với bất cứ một doanh nghiệp nào hoạt động trong một lĩnh vực khó khăn như sản xuất xe tải tại Mỹ bởi mức lợi nhuận trung bình của ngành này chỉ đạt khoảng 10% trong giai đoạn nói trên.

Ngược lại, Giáo sư Porter cũng đưa ra ví dụ của Reebook. Dù hoạt động trong ngành thuận lợi như sản xuất đồ thể thao nhưng biên lợi nhuận mà hãng này có được chỉ là 25% so với ROIC trung bình của ngành là trên 30%. Chuyên gia của Đại học Harvard nhìn nhận đây là một thất bại và bài học rút ra là sự thuận lợi của ngành chỉ là điều kiện cần chứ chưa đủ cho thành công của doanh nghiệp. Ông cũng nhấn mạnh rằng mục tiêu lợi nhuận nên được các nhà lãnh đạo xem xét trước tiên, bởi đây mới chính là động lực giúp doanh nghiệp phát triển dài hạn.

Vấn đề này cũng được Giáo sư Porter đề cập khi nhắc tới việc phát triển các tập đoàn, tổng công ty tại Việt Nam. Theo ông, việc phát triển trên quá nhiều ngành nghề, lĩnh vực như một số tập đoàn tại Việt Nam đang làm sẽ gây ra tình trạng thiếu nguồn lực cũng như khả năng quản lý để phát triển tốt tất cả các lĩnh vực đó. Tỷ lệ lợi nhuận, vì thế sẽ không được đảm bảo, dẫn tới thất bại. Ngoài ra, Giáo sư cũng lưu ý đến việc tách bạch chiến lược đầu tư ở cấp độ tập đoàn và các công ty con.

Giáo sư nhấn mạnh tính độc đáo trong chiến lược cạnh tranh. Ảnh: N.M
Giáo sư nhấn mạnh tính độc đáo trong chiến lược cạnh tranh.

Một vấn đề quan trọng khác đối với các doanh nghiệp được chuyên gia của Đại học Harvard nêu ra là việc tái đinh nghĩa cạnh tranh trong ngành. Theo Giáo sư Porter, hiện nay có nhiều lĩnh vực kinh doanh gặp cảnh bế tắc khi các doanh nghiệp cố gắng cạnh tranh bằng những cách giống nhau, bắt chước nhau và chịu cùng chi phí… Cạnh tranh về giá trong ngành hàng không là một ví dụ.

Với kiểu cạnh tranh này thì chỉ cần một công ty giành được lợi thế thì công ty khác sẽ mất hoàn toàn cơ hội. Theo “cha đẻ” của chiến lược cạnh tranh, đây là một cái bẫy mà tất cả các doanh nghiệp đều không có lợi.

Cách cạnh tranh tích cực, theo ông Porter, là mỗi doanh nghiệp tìm ra cho minh một vị thế tương đối trong ngành và tập trung cho vị thế đó. Ở một số lĩnh vực, có sự cạnh tranh mà tất cả các bên cùng có lơi, nơi mỗi công ty có một lợi thế khác nhau ở những phân khúc thị trường khác nhau. Đó là sự cạnh tranh giúp mở rộng về giá trị.

Câu chuyện này, chính là gốc rễ cho câu chuyện mô hình phát triển của kinh tế Việt Nam. Theo Giáo sư Michael Porter, đã đến lúc Việt Nam cần xác định cho mình một mô hình phát triển kinh tế mới, một vị trí xứng đáng trong chuỗi giá trị toàn cầu để làm cơ sở cho các hoạt động đầu tư, phát triển. Vấn đề cạnh tranh ở một vị thế độc đáo một lần nữa được vị Giáo sư này nhấn mạnh: “Bắt chước Trung Quốc trong lĩnh vực sản xuất hàng hóa giá rẻ là điều Việt Nam hoàn toàn không nên làm”, ông Michael Porter nhấn mạnh.

Đây là lần thứ hai giáo sư Michael Porter tới Việt Nam để chia sẻ quan điểm của mình về thuyết cạnh tranh hiện đại. Bài nói chuyện của ông tại Hà Nội hôm qua không khác nhiều so với nội dung đã trình bày tại TP HCM hai năm trước, tuy nhiên ý nghĩa của nó vẫn rất quan trọng với các doanh nghiệp Việt Nam.

Tham dự diễn đàn hôm qua, ngoài các doanh nhân còn có nhiều quan chức, chuyên gia, học giả trong và ngoài nước như Thứ trưởng Bộ Ngoại Giao Đoàn Xuân Hưng, Trưởng đại diện IMF tại Việt Nam Benedict Bingham, nguyên Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển, chuyên gia Phạm Chi Lan...

Trao đổi với VnExpress.net bên lề diễn đàn, ông Tuyển cho rằng với trình độ phát triển của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, không dễ để áp dụng quan điểm cạnh tranh như giáo sư Michael Porter gợi ý, tuy nhiên đó là điều phải làm để đảm bảo sự phát triển bền vững. Một vấn đề mà giáo sư nêu ra, theo ông Tuyển, khá đúng với thực trạng của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay đó là cạnh tranh về giá và đối chọi trực tiếp với nhau mà không chịu khó tìm ra điểm khác biệt.

"Một khi không tìm ra điểm khác biệt, doanh nghiệp dễ lâm vào thế cạnh tranh trực tiếp với nhau mà nguy hiểm nhất là cạnh tranh về giá. Trong cuộc cạnh tranh này, nếu một bên thắng thì bên kia thua. Cạnh tranh tốt nhất phải là hai bên cùng thắng", giáo sư Michael Porter nói.

2. Michael Porter chê mô hình tăng trưởng của Việt Nam:

Báo cáo Năng lực cạnh tranh 2010 được công bố sáng nay đã chỉ ra 3 điểm yếu của kinh tế Việt Nam hiện nay là năng suất lao động thấp, thiếu kinh tế cụm ngành và chính sách kinh tế vĩ mô không ổn định.

Đây được xem là bản báo cáo cấp quốc gia đầu tiên của Việt Nam về năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, được xây dựng bởi Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) và Học viện Năng lực cạnh tranh châu Á phối hợp thực hiện. Giáo sư Michael Porter, “cha đẻ” của chiến lược cạnh tranh chính là người chỉ đạo trực tiếp việc thực hiện báo cáo này.

Nhận xét quan trọng nhất được ông Porter đưa ra trong buổi công bố báo cáo sáng nay 30/11 là mô hình phát triển dựa trên các yếu tố tự nhiên được thừa hưởng, vốn đã giúp Việt Nam tăng trưởng trong 15-20 năm qua, hiện đã lỗi thời và Việt Nam cần sớm đưa ra một mô hình mới.

Giáo sư Michael Porter tại lễ công bố Báo cáo Năng lực cạnh tranh Việt Nam 2010. Ảnh: N.M
Giáo sư Michael Porter tại lễ công bố Báo cáo Năng lực cạnh tranh Việt Nam 2010.

“Nếu Việt Nam tiếp tục tăng trưởng theo kiểu cũ, tức là dựa chủ yếu vào đặc điểm địa lý hay dân cư thì không có nghĩa là khủng hoảng sẽ đến vào năm sau. Tuy nhiên các bạn chắc chắn không thể duy trì mô hình này trong vòng 5-10 năm tới”, Giáo sư Porter khẳng định.

Nhìn lại quá trình tăng trưởng kinh tế từ năm 1975 đến nay, các nhà làm báo cáo tỏ ra ấn tượng về tốc độ tăng trưởng GDP cũng như mức thu nhập bình quân đầu người (1.160 USD) mà Việt Nam đạt được vào năm nay. Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn tỏ rõ sự quan ngại đối với mức thịnh vượng mà xã hội và người dân được hưởng vẫn chưa tương xứng với tốc độ tăng trưởng.

Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này, theo Giáo sư Michael Porter, chính là do năng suất lao động chung trong nền kinh tế (động lực chính cho sự thịnh vượng) còn ở mức quá thấp. Điều này cũng trực tiếp ảnh hưởng đến mô hình tăng trưởng vốn đang dựa nhiều vào hội nhập và chuyển dịch lao động chế tác hiện nay (mô hình cổ điển).

Theo các chuyên gia thì mặc dù lượng hàng hóa xuất khẩu từ khu vực chế tác nhưng gia trị gia tăng còn thấp. Việt Nam cũng chỉ chủ yếu có thị phần xuất khẩu lớn trong các ngành sử dụng nhiều lao động và tài nguyên thiên nhiên. Sự liên kết giữa các nhóm ngành xuất khẩu là hầu như không có.

Điều này khiến những mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam thường không liên quan đến nhau (thủy sản, dệt, đồ nội thất, may mặc, giày dép…). Do đó không tạo được hiệu ứng “tràn ngập" tại các thị trường lớn như EU hay Mỹ.

Ở cấp độ năng lực cạnh tranh quốc gia, gần như tất cả các yếu tố trong 2 phạm vi được nhóm nghiên cứu đưa ra là vĩ mô (thể chế chính trị, pháp quyền, phát triển con người, chính sách kinh tế vĩ mô) và vi mô (môi trường kinh doanh và chiến lược doanh nghiệp) đều xếp hạng từ trung bình trở xuống. Cá biệt, chính sách kinh tế vĩ mô của Việt Nam được báo cáo đặt chỉ báo màu đỏ, tương đương với một bất lợi lớn.

Những bất cập nêu trên của mô hình tăng trưởng sẽ đặt ra những thách thức lớn đối với Việt Nam trong thời gian tới, trực tiếp ảnh hưởng tới các cân đối vĩ mô. Theo Báo cáo Năng lực cạnh tranh, giá trị gia tăng thấp của khu vực xuất khẩu, sự mất giá của tiền đồng cộng với cầu nội địa gia tăng sẽ làm cho thâm hụt thương mại ngày một trầm trọng.

Trong khi đó, việc các dòng vốn lớn đổ vào nền kinh tế, cộng với chính sách tiền tệ, tài khóa nới lỏng sẽ gây áp lực không nhỏ lên lạm phát. Tỷ lệ tăng GDP so với đầu tư cũng ngày một sa sút khiến cho sự phụ thuộc vào dòng vốn ngoại của nền kinh tế ngày một tăng.

Đứng trước những thực tế nêu trên, nhóm thực hiện báo cáo đề xuất một loạt giải pháp đối với Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nhằm tìm ra mô hình phát triển tương xứng trong giai đoạn hiện nay.

Theo Giáo sư Michael Porter và các đồng sự, Việt Nam cần đặt ra một chiến lược mới với 3 nguyên tắc chỉ đạo cơ bản là đặt năng lực cạnh tranh ở vị trí trung tâm, coi trọng vai trò kinh tế tư nhân và đưa vai trò của Chính phủ trở thành người tạo dựng lợi thế cho nền kinh tế. 3 nguyên tắc này được coi là chìa khóa để điều chỉnh các mất cân đối vĩ mô hiện tại cũng như tạo nền tảng cho một nền sản xuất có năng suất cao hơn. Các nhà nghiên cứu cũng đề nghị thành lập một Ủy ban Quản lý năng lực cạnh tranh cấp quốc gia tại Việt Nam, giống như mô hình đã được thực hiện rất thành công ở Hàn Quốc và nhiều nước khác.

Một giải pháp cũng được Báo cáo nhấn mạnh là phát triển các cụm ngành sản xuất. Giáo sư Michael Porter ví von công việc này giống như “xây chiếc cầu nối quá khứ với tương lai của nền kinh tế” và khẳng định nó phải được đặt ở vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển của Việt Nam. Giáo sư kiến nghị nên tập trung vào các lĩnh vực liên quan đến thu hút đầu tư, phát triển kỹ năng lao động, khu công nghiệp… Ông và các đồng sự cũng đề xuất một số mô hình thí điểm như cụm ngành điện tử - cơ khí tại Hà Nội, cụm du lịch ở miền trung hay cụm ngành dệt may, logistics tại TP HCM…

Đối với việc quản trị doanh nghiệp Nhà nước, Báo cáo đề nghị Chính phủ nên tách biệt vai trò của mình với tư cách là chủ sở hữu và hoạt động quản lý điều tiết. Các cơ quan chức năng cũng nên xây dựng và thực thi các tiêu chuẩn quản trị hiện đại với các doanh nghiệp này, đảm bảo cạnh tranh theo cơ chế thị trường và thúc đẩy quá trình cổ phần hóa.

Phát biểu trong lễ công bố Báo cáo Năng lực cạnh tranh 2010 sáng nay, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá cao chất lượng những thông tin mà Giáo sư Michael Porter và các đồng sự tại CIEM và Học viện Năng lực cạnh tranh châu Á mang lại. Ông khẳng định đây là nguồn dữ liệu quan trọng và sẽ được Chính phủ cân nhắc, sử dụng khi xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội từ nay đến năm 2015 và 2020.

Đặc biệt tâm đắc với đề xuất thành lập Ủy ban giám sát năng lực cạnh tranh quốc gia, Phó thủ tướng cho biết sẽ đề đạt ý tưởng này để Chính phủ có cơ sở xem xét, triển khai trong thời gian tới.

3. Michael Porter: "Việt Nam cần một bước nhảy về thu nhập"

Trao đổi với báo chí và các học giả tại Hà Nội trong ngày 30/11, Giáo sư Michael Porter cho rằng Việt Nam nên sớm loại yếu tố lao động giá rẻ ra khỏi danh sách lợi thế nếu muốn phát triển ở trình độ cao hơn.

- Nhiều ý kiến quốc tế cho rằng Việt Nam hiện nay có lợi thế của người đi sau. Xin Giáo sư cho biết đâu là cách để phát huy lợi thế đó?

- Lợi thế của người đi sau là học tập, rút được kinh nghiệm từ người khác. Do vậy, vấn đề của các bạn là phải học tập, đồng hóa khoa học công nghệ, quy trình quản lý thật nhanh. Việt Nam không có áp lực phải trở thành người sáng tạo ra các sản phẩm khoa học, công nghệ trong vòng ít nhất là 10 năm tới. Nhiệm vụ của các bạn bây giờ là học tập thật nhanh để sử dụng thiết thực trong các ngành sản xuất.

Muốn vậy, không có cách nào khác là người Việt Nam phải đi ra nước ngoài, xem trong ngành của mình, họ đang sử dụng công nghệ gì, quản lý theo quy trình nào… Phải đảm bảo quy trình, công nghệ được mang về nước là tiên tiến, hiện đại nhất.

Giáo sư Michael Porter trong buổi công bố báo cáo năng lực cạnh tranh đầu tiên của Việt Nam.

- Trong những khuyến nghị của mình về việc thay đổi mô hình tăng trưởng, ông có cho rằng Việt Nam cần hy sinh một số lợi thế ngắn hạn để hướng tới những mục tiêu lâu dài hơn. Vậy lợi thế đó là gì?

- Tôi cho rằng các bạn nên bỏ yếu tố nhân công giá rẻ ra khỏi những lợi thế của mình. Lương thấp cũng đồng nghĩa với một quốc gia nghèo, trong khi Việt Nam đang cần thực hiện một cú nhảy thật xa. Đương nhiên, sau nhiều năm quen thuộc với khái niệm giá lao động thấp, nâng lương quả là một quyết định không dễ chấp nhận với những nhà đầu tư tại Việt Nam. Nhưng cũng đã đến lúc người ta phải làm quen với thực tế là kỹ năng giỏi thì phải được trả lương cao.

Singapore là một ví dụ. Đã có thời điểm họ tiến hành nâng ngay mặt bằng lương trong nước thêm 25%. Những công việc đòi hỏi nhân công giá rẻ lập tức chuyển ngay khỏi nước này. Tuy nhiên, thay đổi đó đã tạo đà cho cả một cuộc cách mạng về kinh tế sau đó.

Dĩ nhiên, trong trường hợp của Việt Nam, với quy mô lao động lớn hơn nhiều, làm chuyện tương tự quả là liều lĩnh. Tuy vậy, rõ ràng các bạn cũng cần một cuộc cách mạng trong vấn đề này.

- Ông đánh giá như thế nào về vai trò của kinh tế tư nhân trong giai đoạn phát triển tiếp theo của Việt Nam?

- Tôi luôn cho rằng kinh tế tư nhân là một bộ phận quan trọng và năng động nhất của nền kinh tế. Nếu đó không phải là khu vực dẫn đầu thì ít nhất cũng phải tham gia thật sâu vào quá trình phát triển kinh tế đất nước. Điều này cần sự tạo điều kiện của Chính phủ cũng như bản thân sự chủ động của các doanh nghiệp. Ngay trong câu chuyện học tập công nghệ nước ngoài mà tôi nói ở trên cũng cần chủ động. Doanh nghiệp phải tự đi tìm chứ không thể trông chờ vào ai cả.

- Quy chế hợp tác công - tư (PPP) vốn được nhắc nhiều tại Việt Nam trong thời gian qua liệu có phải là một cơ hội cho kinh tế tư nhân phát triển?

- Tôi đánh giá cao việc Việt Nam cân nhắc và triển khai các dự án theo quy trình PPP. Nó cho thấy việc Chính phủ đang chuyển dần từ việc áp đặt sang xây dựng chính sách cùng người dân. Quy chế này tạo ra quan hệ và động cơ cạnh tranh công bằng giữa các doanh nghiệp. Tuy nhiên, tôi cũng nhấn mạnh rằng việc xây dựng và thực hiện mô hình PPP phải thực sự hiệu quả mới có thể kích thích và phát triển kinh tế nói chung và khu vực tư nhân nói riêng.

- Một khuyến nghị khác cũng được ông đưa ra nhiều lần trong chuyến thăm Việt Nam lần này là việc xây dựng các cụm ngành kinh tế để thúc đẩy phát triển kinh tế. Theo ông, quá trình này nên bắt đầu tư đâu?

- Xây dựng các cụm ngành ở đây phải được hiểu là phát triển từ những cái có sẵn. Nhiều nước đã phát triển cụm ngành theo những gì họ muốn, nhưng không có cơ sở thực tế. Và họ đã thất bại. Trong khi đó, nếu xây dựng khu vực mới bắt đầu từ những cái cũ thì rất dễ thành công.

Nước Nhật là một ví dụ. Giờ đây, ai cũng biết họ đứng đầu thế giới về robot. Nhưng không phải tự dưng họ làm được robot. Nhật đã phát triển công nghiệp cơ khí, điện, điện tử từ cách đây hàng chục năm. Sau đó họ thấy nó phù hợp để phát triển công nghệ robot và đã đi lên theo hướng này.

Việt Nam cũng vậy. Tôi thấy những cơ sở sẵn có trong ngành may mặc, du lịch, chế tác, logistics… Nếu gắn kết được các ngành công nghiệp phụ trợ cho những lĩnh vực này, tổ chức đào tạo cho nó thì rất dễ thành công. Cũng có một số cụm ngành mới đang manh nha hình thành như điện, động cơ… Những dự án này đương nhiên là mạo hiểm hơn nhưng cũng là một cơ hội mà các bạn nên theo đuổi.




  
tác giả Theo VnExpress.net 

Ký kết Thỏa thuận hợp tác giữa Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hà Nội (HBA) và Hội Doanh nhân người Việt Nam (ASSOEVI) tại Italia, ngày 17/09/2012.
Hình ảnh nổi bật