Hiệp Hội Doanh Nghiệp Thành Phố Hà Nội - Số 445 Đội Cấn - Ba Đình - Hà Nội - Tel: (024)3.7674454 - 2.2122725 / Fax: (024)3.7674453 / E-mail: hba@hba.vn
HBA làm việc với Ủy Ban Kinh tế của Quốc hội về Hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho Doanh nghiệp    9/13/2013 4:07:41 PM

Ngày 12/09/2013 tại Hà Nội, Hiệp hội Doanh nghiệp Tp. Hà Nội (HBA) do TS. Nguyễn Hồng Sơn - ĐBQH, Chủ tịch HBA; phó Chủ tịch HBA bà Ninh Thị Ty - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần May Hồ Gươm; đại diện  các doanh nghiệp thành viên của các Tổng Công ty đóng trên địa bàn Hà Nội và các doanh nghiệp hội viên HBA có buổi làm việc với đoàn công tác của UBKT của Quốc hội do Phó Chủ nhiệm Mai Xuân Hùng; Phó Chủ nhiệm Nguyễn Văn Phúc dẫn đầu cùng các đồng chí thuộc Vụ kinh tế về việc nắm bắt tình hình khó khăn sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp cũng như các đề xuất tháo gỡ khó khăn.


TS. Nguyễn Hồng Sơn, ĐBQH, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Tp. Hà Nội (HBA) phát biểu tại buổi làm việc với Ủy Ban Kinh tế của Quốc hội về "Hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho Doanh nghiệp" ngày 12/09/2013.

Theo báo cáo của HBA với Đoàn công tác của UBKT, trong năm 2013 tiếp tục là một năm đầy khó khăn với các doanh nghiệp nói chung và hội viên của HBA nói riêng. Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới chưa hoàn toàn phục hồi, tăng trưởng chậm và vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn; tình hình kinh tế trong nước dường như vẫn đang ở thời điểm khó khăn nhất. Đầu tư công bị cắt giảm, sức tiêu thụ của thị trường yếu, sản phẩm hàng hóa tiêu thụ chậm, nợ xấu đang là gánh nặng cho nền kinh tế, giá cả các yếu tố đầu vào cho sản xuất liên tục tăng cao như: điện, xăng dầu, tiền thuê đất, bảo hiểm xã hội; lãi xuất vay ngân hàng còn cao... Cụ thể về tình hình kinh tế thế giới ảnh hưởng tới tình hình sản xuất kinh doanh nói chung của các doanh nghiệp

- Về hoạt động sản xuất - kinh doanh Bất động sản và vật liệu xây dựng: Thị trường BĐS trầm lắng, thị trường xây dựng bị thu hẹp. Nhiều công trình, dự án thực hiện dang dở ngừng thi công do thiếu vốn. Ngành SXVLXD tiêu thụ chậm, tồn kho, gặp vô vàn khó khăn, suy giảm sản xuất; khả năng các doanh nghiệp ngành SXVLXD thuộc HBA thua lỗ năm 2013 lên đến 85-90%/ tổng số doanh nghiệp (năm 2012, số các doanh nghiệp ngành sxvlxd thuộc HBA thua lỗ 60-70%/tổng số doanh nghiệp).

- Về hoạt động thương mại và xuất nhập khẩu:

+ Đối với thương mại nội địa tình hình kinh doanh gặp nhiều khó khăn do sức mua của thị trường và nhu cầu của người tiêu dùng giảm mạnh, làm ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh hầu hết các doanh nghiệp thương mại.

+ Đối với hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu: thị trường và sức mua của các nước cũng bị ảnh hưởng bởi tác động của suy thoái kinh tế thế giới và khủng hoảng chính trị tại một số nước, các chính sách bảo hộ hàng hóa của các nước cũng làm hạn chế nhu cầu nhập khẩu; bên cạnh đó các yếu tố về vốn, thị trường và tình trạng công nợ vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, nên đã làm giảm hoạt động xuất khẩu của một số doanh nghiệp. Tuy nhiên, có một số mặt hàng xuất khẩu đã có tín hiệu khởi sắc như: Nông sản (Hạt điều, Cà phê, Hạt tiêu); Thủ công mỹ nghệ (như lục bình, gốm,...); Thực phẩm chế biến (Rau củ quả) và Gỗ dăm xuất khẩu... nên một số doanh nghiệp vẫn duy trì được kim ngạch xuất khẩu ở mức tương đối cao và kết quả hoạt động kinh doanh tăng so với cùng kỳ.


        Bên cạnh một số ít doanh nghiệp đã biết phát huy thế manh của mình, vượt qua khó khăn để tiếp tục phát triển, duy trì kết quả kinh doanh năm sau cao hơn năm trước, còn lại đa số doanh nghiệp trong HBA đã phải thu hẹp qui mô sản xuất, nhiều doanh nghiệp đã phải gắng sức để tồn tại và duy trì hoạt động nhưng vẫn còn nhiều những khó khăn vướng mắc cụ thể:

- Về tình hình hàng tồn kho: Hàng tồn kho chủ yếu của các doanh nghiệp hội viên Hiệp hội doanh nghiệp TP Hà Nội là bất động sản và vật liệu xây dựng. Theo số liệu của sở Xây dựng, đến nay, toàn Thành phố còn tồn khoảng 6000 căn hộ và 2000 căn biệt thự thấp tầng; một số doanh nghiệp báo cáo còn tồn hàng trăm ngàn m2 viên gạch, hàng ngàn tấn xi măng, clanke…

- Về vốn: Tình hình nợ xấu của các ngân hàng và tình hình nợ đọng vốn ngân sách chậm được giải quyết ảnh hưởng lớn đến sự cung ứng vốn cho các doanh nghiệp. Hầu hết các doanh nghiệp đều thiếu vốn để sản xuất kinh doanh, kể cả những doanh nghiệp vẫn đang làm ăn tốt trong bối cảnh hiện nay cũng gặp khó khăn về vốn để mở rộng đầu tư, sản xuất nhằm phát huy lợi thế của mình (Công ty TNHH MTV Hanel, Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị UDIC…). 


Hầu hết các doanh nghiệp rất khó tiếp cận vốn ngân hàng do vướng nhiều rào cản đặt ra: tỉ lệ tài sản đảm bảo quá cao (thế chấp 100, vay 30-40) khiến doanh nghiệp không thể có đủ thế chấp để vay được món vay cần thiết; việc hạn chế cho vay các lĩnh vực liên quan đến bất động sản (mặc dù sản phẩm của doanh nghiệp vẫn đang tiêu thụ tốt trên thị trường); không cho vay thanh toán giải phóng mặt bằng (doanh nghiệp gặp khó ngay từ bước đầu thực hiện dự án đầu tư); nhiều ngân hàng chỉ cho vay thời hạn ngắn (3-6 tháng); lãi suất cho vay trung và dài hạn còn cao, thủ tục vay còn khó khăn…sàn kinh doanh văn phòng, hàng chục triệu


Việc huy động vốn từ xã hội của doanh nghiệp cũng rất khó khăn do thị trường chứng khoán trầm lắng, dòng vốn đầu tư rút chạy khỏi thị trường chứng khoán, và cũng do vậy việc tái cấu trúc tài chính của các doanh nghiệp gặp khó khăn, không thể đảm bảo được yêu cầu bảo toàn vốn.Việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của doanh nghiệp (đặc biệt là dự án tronglĩnh vực công nghệ cao) cũng gặp nhiều khó khăn do nhiều nguyên nhân: các ưu đãi đầu tư chưa đủ hấp dẫn; nguồn lực lao động trong nước không đáp ứng được yêu cầu về chất lượng; chi phí dự án cao; thủ tục hành chính còn phiền hà, mất thời gian; thiếu sự bảo lãnh của chính phủ để vay vốn thực hiện dự án...

- Về đất đai, mặt bằng: Chi phí tiền sử dụng đất, tiền thuê đất từ 2011 đến nay tăng đột biến (tăng gấp 4-16 lần so với năm 2010) càng làm cho thị trường bất động sản thêm đóng băng vì không thể hạ được giá bán, các ngành sản xuất khác bị tăng thêm chi phí làm đội giá thành sản phẩm, giảm sức cạnh tranh. Mặc dù Nghị quyết số 02/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu của Chính phủ cho phép giảm 50% tiền thuê đất năm 2013- 2014, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn không thể làm được thủ tục để được xin giảm do các yêu cầu về điều kiện đi kèm (như phải hoàn thành việc nộp tiền sử dụng đất năm 2012…, trong khi thủ tục để được giảm tiền thuê đất 2012 theo Nghị quyết 13/CP thì lại khá phiền hà và nhiều doanh nghiệp không thực hiện được).


Việc dành ra một phần diện tích trong các khu đô thị để trồng cây xanh, đường nội bộ, hạ tầng kỹ thuật sử dụng công cộng… là qui định bắt buộc của Nhà nước trong thiết kế đô thị mới để đảm bảo cảnh quan, môi trường. Phần diện tích này doanh nghiệp không được phép kinh doanh để thu tiền nên việc bắt doanh nghiệp phải thuê đất và trả tiền sử dụng đất cho phần diện tích này là bất hợp lý. Đề nghị đối với phần diện tích nói trên, nhà nước chỉ giao đất cho doanh nghiệp quản lý để phục vụ cộng đồng mà không thu tiền sử dụng đất.


Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các dự án thành phần, các căn hộ chung cư đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính còn nhiều vướng mắc cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuát, kinh doanh của các doanh nghiệp ngành bất động sản.


Việc chuyển đổi dự án từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, bán nhà ở thương mại để làm nhà ở tái định cư gặp một số khó khăn do phải điều chỉnh thiết kế, người được mua nhà gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, việc xây dựng nhà ở xã hội gặp khó khăn về giải phóng mặt bằng và thiếu vốn...

- Về Lao động, Tiền lương, Bảo hiểm xã hội:

+ Trình độ đội ngũ cán bộ quản lý trong nhiều doanh nghiệp còn hạn chế; lĩnh vực đào tạo nghề và cung ứng lao động còn gặp nhiều khó khăn và chưa có giải pháp tháo gỡ; khó tuyển dụng lao động, đặc biệt là thiếu công nhân lành nghề, nhất là trong ngành cơ khí và công nghệ cao

+ Trong khi tình hình sản xuất, kinh doanh đi xuống, chính sách liên tục tăng lương cơ bản và kèm theo đó là tăng đóng bảo hiểm xã hội làm cho nhiều doanh nghiệp đã khó khăn càng khó khăn thêm. Chính sách này đã buộc nhiều doanh nghiệp phải tìm cách lách luật để đóng BHXH ở mức thấp, và vì vậy những doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc Luật lao động sẽ bị thiệt thòi.

- Về thuế, tài chính:

+ Theo qui định, các nhà thầu phải nộp thuế ngay sau khi làm thủ tục thanh toán (viết hóa đơn), nhưng thực tế việc thanh toán thường bị chậm, tiền chưa về tài khoản nhưng các doanh nghiệp đã phải đóng thuế gây khó khăn cho dòng tiền của doanh nghiệp. Đề nghị Nhà nước có qui định giãn nộp thuế cho đến khi Nhà thầu được chủ đầu tư (nhà nước) thanh toán.

+ Khi nhà thầu thực hiện hợp đồng với chủ đầu tư (Nhà nước) có nhiều trường hợp bị kéo dài thời gian do các nguyên nhân khách quan như: giải phóng mặt bằng chậm, thay đổi thiết kế… dẫn đến việc phát sinh các chi phí ngoài hợp đồng như: lãi suất vay vốn (do nhà thầu phải vay ngân hàng để ứng trước vốn thi công), chi phí bảo lãnh hợp đồng phát sinh do kéo dài thời gian…, đề nghị Nhà nước có chính sách cho  thanh toán những chi phí này.

- Về cơ chế chính sách, thủ tục hành chính:

+ Thủ tục hành chính trong phê duyệt dự án đầu tư còn chậm, thủ tục đối với nhà đầu tư nước ngoài còn phiền hà, chưa có ưu đãi đầu tư riêng cho lĩnh vực công nghệ cao, và cũng chưa có bảo lãnh của Chính phủ để vay vốn thực hiện dự án dạng này.

+ Một số doanh nghiệp phàn nàn thời hạn giải quyết hồ sơ đất đai còn kéo dài, cán bộ nhận hồ sơ không hướng dẫn đầy đủ, chi tiết, doanh nghiệp mất nhiều thời gian và chi phí không chính thức để hồ sơ được giải quyết.

+ Một số doanh nghiệp khác phàn nàn về các thủ tục cấp sổ đỏ, chuyển nhượng đất đai, xin gia hạn nộp tiền sử dụng đất còn nhiều vướng mắc…

- Về các dịch vụ công hỗ trợ doanh nghiệp:

+ Một số doanh nghiệp gặp khó khăn đối với việc tìm kiếm thông tin kinh doanh,  tìm

kiếm đối tác kinh doanh, chưa nhận được sự hỗ trợ của nhà nước trong công tác xúc tiến thương mại và tham gia triển lãm thương mại

+ Một số doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận với dịch vụ giới thiệu việc làm và hỗ trợ tuyển dụng lao động.

+ Về hạ tầng, giao thông: Từ cuối năm 2012 đến nay, ngành công an và giao thông cấm tất cả các phương tiện vận chuyển hàng hóa vào nội thành cả ngày và đêm, muốn được vận chuyển phải xin giấy phép vào phố cấm, thời hạn chỉ được 1 tháng và thủ tục rất phiền hà, gây khó khăn lớn và làm tăng chi phí vận chuyển của doanh nghiệp.


        Trước tình hình kinh tế thế giới đầy khó khăn và thử thách và những khó khăn vướng mắc ảnh hưởng tới tình hình sản xuất kinh doanh tới các doanh nghiệp nói chung và hội viên của  HBA nói riêng. Các kiến nghị cụ thể của doanh nghiệp tới UBKT của Quốc hội như:  

+ Hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết hàng tồn kho:

- Đề nghị Nhà nước có các biện pháp kích cầu thị trường bất động sản bằng cách giảm tiền thuê đất cho doanh nghiệp để hạ giá bán các căn hộ còn tồn đọng; Nhà nước mua lại các căn hộ tồn đọng để làm quĩ nhà tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng hoặc dùng làm nhà ở công vụ, công sở của các cơ quan hoặc cho bên ngoài thuê…. Để làm việc này, đề nghị Nhà nước sớm ban hành các qui định cụ thể và bố trí nguồn vốn để mua nhà ở thương mại làm nhà ở tái định cư theo tinh thần Nghị định 84/2013/NĐ-CP.

- Đẩy nhanh việc triển khai xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho người có thu nhập thấp để giúp giải quyết tồn kho vật liệu xây dựng. Về việc này, đề nghị rút ngắn thủ tục chuyển đổi dự án nhà ở thương mại làm nhà ở xã hội, hỗ trợ chủ đầu tư trong việc được bàn giao quỹ đất sạch, có hạ tầng kỹ thuật khung bên ngoài công trình, hỗ trợ chủ đầu tư và người mua nhà ở xã hội được vay nguồn vốn ưu đãi với lãi suất thấp, ổn định trong thời gian trung và dài hạn, mở rộng đối tượng được mua nhà ở xã hội; có chính sách hỗ trợ vay vốn đối với cả người mua nhà ở thương mại.

+ Hỗ trợ về vốn:

- Đề nghị Nhà nước thanh toán ngay nợ tồn đọng cho các doanh nghiệp đã hoàn thành các công trình do Nhà nước làm chủ đầu tư khi công trình đã được nghiệm thu; giải ngân theo đúng tiến độ hợp đồng cho các công trình đang thực hiện dang dở.

- Đề nghị Nhà nước chỉ đạo thúc đẩy nhanh hoạt động mua bán nợ để giúp các ngân hàng nhanh chóng giải quyết vấn đề nợ xấu để tiếp tục cung ứng vốn ra thị trường

- Đề nghị Nhà nước chỉ đạo ngành Ngân hàng đưa ra các chính sách, điều kiện cho vay và tỉ lệ thế chấp hợp lý; thủ tục cho vay dễ dàng để doanh nghiệp có thể tiếp cận được vốn. Về bản chất ngân hàng cũng là doanh nghiệp, kinh doanh tiền tê, do đó cũng phải chia sẻ rủi ro với các doanh nghiệp khác chứ không nên sử dụng tỉ lệ thế chấp quá cao để bảo đảm an toàn cho mình. Ngân hàng cũng không nên áp dụng cứng nhắc tỉ lệ thế chấp cao đối với mọi doanh nghiệp, mà đối với các doanh nghiệp đang làm ăn tốt, có đầu ra ổn định, ngân hàng nên hạ thấp tỉ lệ thế chấp và tăng cường cho vay theo hình thức tín chấp. Đề nghị ngân hàng tăng cường nguồn vốn cho vay trung và dài hạn và hạ lãi suất vay thêm nữa.

- Đề nghị Nhà nước tập trung hỗ trợ để vực dậy thị trường chứng khoán. Đây là kênh giúp doanh nghiệp thu hút vốn đầu tư từ xã hội rất hiệu quả và là nguồn cung vốn trung và dài hạn chủ yếu cho doanh nghiệp. Thị trường chứng khoán là thị trường của niềm tin, và là chỉ báo của nền kinh tế mỗi quốc gia. Thị trường chứng khoán đi lên thể hiện niềm tin của nhà đầu tư đã quay trở lại, là dấu hiệu cho sự phục hồi của các doanh nghiệp và nền kinh tế quốc gia.

- Đề nghị Nhà nước đưa ra các chính sách để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong vào lĩnh vực công nghệ cao như: đưa ra các điều kiện ưu đãi cao hơn nữa; có chính sách phát triển nhanh nguồn nhân lực công nghệ cao; cải cách các thủ tục hành chính về đầu tư; có chính sách bảo lãnh của Nhà nước cho các doanh nghiệp để vay vốn thực hiện dự án công nghệ cao.

- Đề nghị Nhà nước xây dựng chính sách hỗ trợ vốn vay ưu đãi từ Quỹ Đầu tư phát triển, cho các doanh nghiệp vay trung và dài hạn, lãi suất hợp lý, đặc biệt đối với các dự án phục vụ an sinh xã hội, hạ tầng thương mại...

+ Hỗ trợ về đất đai, mặt bằng:

- Đề nghị Nhà nước sửa đổi lại các chính sách về cách tính giá đất, bảng giá đất… để giảm tiền thuê đất cho doanh nghiệp xuống bằng với giá thuê đất của năm 2010; sửa đổi các qui định về điều kiện, thủ tục hồ sơ xin giảm tiền thuê đất năm 2012-2013 của doanh nghiệp theo cách đơn giản, dễ dàng cho doanh nghiệp thực hiện. Đề nghị Nhà nước có chính sách ổn định giá thuê đất cho doanh nghiệp tối thiểu 5 năm để doanh nghiệp có thể ổn định sản xuất và đầu tư.

- Đề nghị Nhà nước có chính sách giao đất, không thu tiền sử dụng đất đối với phần diện tích dành cho giao thông nội bộ, cảnh quan môi trường, không gian sử dụng công cộng…trong các khu đô thị mới.

- Đề nghị Nhà Nước có chính sách tạo điều kiện cho việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà/đất cho các dự án thành phần, các căn hộ chung cư/ biệt thự đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính để tạo điều kiện cho việc giao dịch bất động sản và huy động vốn của doanh nghiệp, người dân được thuận lợi, dễ dàng.

- Đề nghị Nhà nước chủ trì công tác giải phóng mặt bằng, tạo ra mặt bằng sạch trước khi giao đất/ cho doanh nghiệp thuê đất, đặc biệt đối với các dự án xây dựng nhà ở xã hội. 

- Đối với Nhà cho thuê của Nhà nước: Nhà nước cần đưa ra bảng giá riêng cho các diện tích thuê để kinh doanh, diện tích phụ, kho (hiện nay vẫn áp dụng một đơn giá chung là không hợp lý); đối với các địa điểm bị xuống cấp, cần giảm giá thuê bằng 80% địa điểm bình thường; Cần tăng hệ số điều chỉnh tầng cao cho phù hợp với thực tế kinh doanh thương mại (hiện hệ số điều chỉnh giữa các tầng chênh lệch ít); đối với các địa điểm tiếp giáp hai mặt đường, đã tính hệ số điều chỉnh tăng thêm 1,2 đối với đất thì thôi không tính hệ số tăng thêm 1,2 đối với nhà (hiện nay đang tính cả hai làm cho giá thuê tăng quá caobất hợp lý).

+ Các kiến nghị về lao động, tiền lương, BHXH:

- Đề nghị Nhà nước có chính sách hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp trong công tác đào tạo cán bộ quản lý, đào tạo công nhân lành nghề theo phương thức doanh nghiệp tự bỏ một phần kinh phí, Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí để đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp, tại các trường/ chương trình đáp ứng được chất lượng đào tạo theo yêu cầu của doanh nghiệp.

- Đề nghị Nhà nước áp dụng cơ chế thị trường trong vấn đề trả lương cho lao động tại các doanh nghiệp, để cho các doanh nghiệp và người lao động được tự do thỏa thuận về mức lương trên cơ sở công việc và hợp đồng lao động.

- Đề nghị Nhà nước giảm mức phí đóng BHXH xuống một mức hợp lý và tăng thời gian đóng bảo hiểm của người lao động. Giảm mức đóng BHXH sẽ khuyến khích doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc pháp luật lao động, người lao động sẽ được bảo đảm quyền lợi, hệ thống trả lương sẽ dễ dàng công khai, minh bạch.

+ Kiến nghị về Thuế - Tài chính:

- Đề nghị Nhà nước có chính sách giãn nộp thuế cho các doanh nghiệp vì lý do khách quan bị chậm thanh toán (ví dụ như nợ đọng vốn ngân sách, chậm giải ngân vốn ngân sách…)

- Đề nghị Nhà nước có chính sách thanh toán cho doanh nghiệp các chi phí về lãi suất vay ngân hàng, chi phí bảo lãnh hợp đồng… phát sinh do chậm giải phóng mặt bằng, thay đổi thiết kế…  khi thực hiện các công trình do nhà nước làm chủ đầu tư.

- Đề nghị Nhà nước giảm thuế VAT cho các sản phẩm ngành vật liệu xây dựng: xi măng, bê tông, gạch không nung… từ 10% xuống 5% để hạ giá bán, khuyến khích tiêu dùng, giải quyết tồn kho cho doanh nghiệp.

+ Kiến nghị về các dịch vụ công hỗ trợ doanh nghiệp:

- Đề nghị Nhà nước tăng cường các giải pháp xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm đối tác kinh doanh, quảng bá, giới thiệu sản phẩm tới các thị trường trong và ngoài nước, đặc biệt là các chương trình đưa hàng về nông thôn; xuất bản các tạp chí thống kê và phân tích thông tin về thị trường, sản phẩm; tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các triển lãm thương mại.

- Đề nghị Nhà nước có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp giới thiệu việc làm và tuyển dụng lao động.

- Đề nghị Nhà nước bố trí khung giờ hợp lý cho xe vận chuyển hàng hóa vào nội thành Hà Nội (ví dụ vào ban đêm, từ 20h đến 6h sáng) để tạo điều kiện cho doanh nghiệp đi lại làm ăn, xem xét tăng thời hạn giấy phép và đưa ra thủ tục cấp phép dễ dàng để xóa bỏ nạn cò cấp giấy phép./.       


        Đoàn công tác của Ủy ban Kinh tế đã có những trao đổi, ghi nhận đánh giá của HBA các doanh nghiệp thành viên của các Tổng Công ty đóng trên địa bàn Hà Nội và các doanh nghiệp hội viên HBA về tình hình phát triển KT-XH năm 2013, phương hướng, nhiệm vụ năm 2014, và đề nghị HBA cần có đánh giá sâu sắc, thực chất hơn nữa về những khó khăn nội tại của nền kinh tế, trên cơ sở đó kiến nghị với Chính phủ đưa ra các nhóm giải pháp khả thi trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 tới đây.


  
tác giả Tin/bài: Lê Văn 

Ký kết Thỏa thuận hợp tác giữa Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hà Nội (HBA) và Hội Doanh nhân người Việt Nam (ASSOEVI) tại Italia, ngày 17/09/2012.
Hình ảnh nổi bật