Hiệp Hội Doanh Nghiệp Thành Phố Hà Nội - Số 445 Đội Cấn - Ba Đình - Hà Nội - Tel: (024)3.7674454 - 2.2122725 / Fax: (024)3.7674453 / E-mail: hba@hba.vn
Chương trình Ngày Sáng tạo Việt Nam 2011    3/25/2011 4:45:47 PM
Ngày Sáng tạo Việt Nam 2011: "Sáng tạo vì công bằng xã hội và tăng trưởng bền vững".

VID2007 logo in Englsh

Chương trình Ngày Sáng Tạo Việt Nam 2011 (VID 2011) do Cục Phát triển doanh nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Ngân hàng Thế giới đồng tổ chức nhằm tạo cơ hội thực hiện các ý tưởng sáng tạo, giải quyết những thách thức phát triển ở cấp địa phương. Các nhà đồng tài trợ cho Chương trình VID 2011 đến thời điểm này bao gồm: Bộ Phát triển Vương quốc Anh, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ, Cơ quan Phát triển quốc tế Australia, Đại Sứ quán Đan Mạch và Đại Sứ quán Phần Lan.

VID 2011 với chủ đề “Sáng tạo vì công bằng xã hội và tăng trưởng bền vững” tìm kiếm và hỗ trợ trực tiếp những đề xuất sáng tạo, có khả năng tạo ra những tác động nhất định trong lĩnh vực phát triển, có kết quả cụ thể mà sau này có thể được mở rộng hoặc nhân rộng.

Bối cảnh

Tổng sản phẩm quốc gia (GDP) của Việt Nam trong 10 năm qua tăng trung bình 7% mỗi năm (thu nhập bình quân đầu người trong năm 2009 vào khoảng USD 1.052). Việt Nam hiện đang nằm trong nhóm các nước thu nhập trung bình và đang dần tiến đến thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ.

Chiếm gần 85% trong tổng số 471.000 doanh nghiệp có đăng ký tại Việt Nam, các doanh nghiệp cỡ vừa, nhỏ và siêu nhỏ đóng vai trò quan trọng trong công cuộc xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế; tạo ra phần lớn việc làm mới trong vòng một thập kỷ vừa qua. Tuy nhiên, tiềm năng lớn của các doanh nghiệp vừa, nhỏ, siêu nhỏ chưa được khai thác hết để mang lại lợi ích lớn hơn cho người nghèo, và các cộng đồng chưa được tiếp cận đầy đủ tới các dịch vụ cơ bản, thu hẹp chênh lệch về kinh tế và xã hội, đóng góp cho sự phát triển bền vững của đất nước và chất lượng tăng trưởng của Việt Nam.


Chủ đề dự thi

Chủ đề của Chương trình VID năm 2011 là “Sáng tạo vì công bằng xã hội và tăng trưởng bền vững” tập trung vào những tiểu chủ đề dưới đây, với mục tiêu phát triển các sản phẩm và dịch vụ vì lợi ích người nghèo và các cộng đồng chưa được tiếp cận đầy đủ tới các dịch vụ cơ bản:

  1. Sử dụng năng lượng hiệu quả: Mặc dù sản lượng điện hàng năm tăng trung bình 12% trong những năm vừa qua, Việt Nam hiện vẫn đang đối mặt với khó khăn lớn trong việc đáp ứng nhu cầu điện ngày càng tăng cao. Chương trình Mục tiêu Quốc gia về sử dụng năng lượng hiệu quả đã đặt mục tiêu tiết kiệm 5-8% lượng điện tiêu thụ cho đến năm 2015. Sử dụng năng lượng hiệu quả, tiết kiệm, giới thiệu những nguồn năng lượng thay thế và năng lượng tái tạo là những giải pháp thiết thực nhằm bảo đảm phát triển kinh tế xã hội bền vững và liên tục. VID 2011 tìm kiếm những ý tưởng sáng tạo trong việc tiếp nhận, phát minh và sử dụng những công nghệ, quá trình, sản phẩm mới nhằm giảm lãng phí năng lượng và phát triển những nguồn năng lượng các-bon thấp thay thế khác, đặc biệt những nguồn năng lượng chi phí thấp và dễ tiếp cận đối với nhóm người nghèo và các cộng đồng chưa được tiếp cận đầy đủ tới các dịch vụ cơ bản.

  2. Thuốc thảo mộc cổ truyền: Việt Nam có lịch sử lâu đời trong việc sử dụng y học cổ truyền và áp dụng tri thức dân tộc, những bài thuốc thảo mộc của dân tộc trong chữa bệnh. Y học cổ truyền được Chính phủ Việt Nam xác định là một trong những ưu tiên trong phát triển quốc gia. Quyết định của Thủ tướng Chính phủ Số 2166/QD-TTg ngày 30/11/2010 về “Lập kế hoạch hành động của Chính phủ trong việc phát triển y dược học cổ truyền đến năm 2020” nhằm hiện đại hóa và phát triển y dược học cổ truyền, giúp cải thiện và bảo vệ sức khỏe người dân. VID 2011 tìm kiếm những sáng kiến tập trung vào khai thác tiềm năng to lớn của Việt Nam trong nghiên cứu khoa học và thử nghiệm thực tiễn đưa sản phẩm thuốc thảo mộc cổ truyền ra thị trường, tăng cường tiếp cận của người dân với những dịch vụ khác có liên quan.

  3. Sản phẩm và dịch vụ nông nghiệp tập trung vào các lĩnh vực:
    1. sản phẩm tự nhiên/quy trình sản xuất thân thiện với môi trường
    2. công nghệ / mô hình tích trữ lương thực/nông sản và quản lý/sử dụng chất thải nông nghiệp chi phí thấp (ví dụ: sử dụng chất thải nông nghiệp để phát triển nguyên liệu thay thế) và
    3. các sáng kiến nhằm kết nối nông dân tốt hơn với thị trường lương thực/nông sản trong nước và các kênh phân phối sản phẩm

Các tiểu chủ đề này được thiết kế nhằm định hướng cho quá trình xây dựng đề xuất dự án tập trung vào thay thế các sản phẩm giá cao (ví dụ thuốc nhập khẩu), hạ thấp giá thành sản xuất, giúp nhóm người nghèo và các cộng đồng chưa được tiếp cận đầy đủ tới các dịch vụ cơ bản có nhiều cơ hội hơn trong việc tiếp cận với các sản phẩm hay dịch vụ họ cần.


Tính hợp lệ

Đề xuất hợp lệ: VID 2011 kêu gọi đề xuất dự án từ những cơ quan, tổ chức Việt Nam đặc biệt bao gồm các doanh nghiệp vừa, nhỏ, siêu nhỏ, các doanh nghiệp xã hội có đăng ký tư cách pháp nhân trừ những cơ quan hoặc những tổ chức trực tiếp trực thuộc các cơ quan sau: (i) đồng tổ chức, đồng tài trợ của Chương trình; (ii) lực lượng quân đội, cảnh sát. Các tổ chức quốc tế có thể tham gia Chương trình nếu kết hợp với một tổ chức Việt Nam và tổ chức Việt Nam này chịu trách nhiệm chính trong việc thực hiện dự án sau này. Sự phối hợp giữa khối doanh nghiệp, nhóm nghiên cứu và phát triển với các tổ chức trong nước và quốc tế được khuyến khích.

Quy mô tài trợ: mỗi dự án được tài trợ không quá 30.000 đô-la Mỹ.

Thời gian thực hiện: tối đa một năm kể từ ngày nhận được tài trợ.

Tính phù hợp về mặt chủ đề: Dự án phải gắn với chủ đề của Chương trình năm nay, đặt ra mục tiêu rõ ràng để đạt được trong vòng một năm nhận tài trợ, đáp ứng yêu cầu của quá trình phát triển tại địa phương nơi dự án được thực hiện vì lợi ích của người nghèo và các cộng đồng chưa được tiếp cận đầy đủ tới các dịch vụ cơ bản.

Ngôn ngữ: Đơn dự thi và những tài liệu có liên quan khác gửi đến cho Chương trình bằng tiếng Việt hoặc cả tiếng Anh và tiếng Việt.

Số lượng đề xuất dự án dự thi: Mỗi doanh nghiệp/tổ chức có thể gửi một hoặc nhiều đề án dự thi; tuy nhiên mỗi doanh nghiệp/tổ chức chỉ có thể nhận tài trợ cho một dự án thắng cuộc.


Cách thức gửi đề án dự thi

Các đề án dự thi phải tuân theo Mẫu đơn đăng ký dự thi do Ban Tổ chức Chương trình VID quy định, hiện có sẵn trên trang web của Ngân hàng Thế giới www.worldbank.org.vn và trang web của Cục Phát triển Doanh nghiệp – Bộ Kế hoạch và Đầu tư www.business.gov.vn

Ban Tổ chức khuyến khích các đề án dự thi có phần tóm tắt (dài tối đa 01 trang A4) mô tả mục tiêu dự án, kết quả dự án và sự phù hợp với chủ đề VID 2011.

Những thông tin chi tiết về Chương trình, hướng dẫn cách gửi đề án dự thi, Mẫu đơn dự thi được cung cấp tại bàn lễ tân của Văn phòng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, địa chỉ Tầng 8, Tòa nhà 63 Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội; Trung tâm Thông tin Phát triển, địa chỉ Tầng 2, Tòa nhà 63 Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội và tại các Trung tâm Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa phía Bắc, miền Trung và phía Nam thuộc Cục Phát triển Doanh nghiệp – Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Những tài liệu có liên quan đến Chương trình cũng được cung cấp qua fax, qua chuyển phát nhanh và qua email nếu có yêu cầu.

Đề xuất dự án phải được đại diện doanh nghiệp/tổ chức dự thi ký, đóng dấu và gửi chuyển phát qua đường bưu điện (bản giấy) và qua email (bản mềm) đến Ban Tổ chức trước 5h:00 chiều ngày 05/05/2011 (những đề xuất gửi qua đường bưu điện sẽ tính thời gian theo dấu bưu điện) tới địa chỉ:

Chương trình Ngày Sáng Tạo Việt Nam 2011
Văn phòng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam
Tầng 8, Tòa nhà 63 Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội
Email: hdoan@worldbank.org

Những đề xuất dự án gửi đến Ban Tổ chức sau thời hạn trên sẽ không được xem xét.

Để có thêm thông tin chi tiết, vui lòng liên hệ:
Chị Đoàn Thị Thu Hằng, Văn phòng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam
Đt: (04) 934-6600 (máy lẻ335); Fax: (04) 934-6597; Email: hdoan@worldbank.org


Tiêu chí đánh giá

Các đề xuất dự án sẽ được đánh giá dựa trên những tiêu chí sau:

  • Tính sáng tạo: Cách tiếp cận của dự án có gì khác so với những cách tiếp cận thông thường? Những dự án được tài trợ phải đưa ra những phương pháp khác nhau tạo ra một cách tiếp cận mới, khác với cách tiếp cận thông thường, phổ biến.

  • Sự phù hợp về chủ đề: Nội dung dự án phù hợp thế nào với chủ đề và các tiểu chủ đề của Chương trình?

  • Khả năng nhân rộng/mở rộng: Ý tưởng của dự án có khả năng mở rộng không? Nó có thể được nhân rộng ra các địa phương khác không? Có thể được nâng cấp, mở rộng quy mô và có thể được thương mại hóa bền vững không?

  • Kết quả: Dự án sẽ có kết quả rõ ràng, cụ thể, đo lường được và có tác động trực tiếp tới nhóm người nghèo và các cộng đồng chưa được tiếp cận đầy đủ tới các dịch vụ cơ bản không? Dự án có nêu rõ đối tượng hưởng lợi và các bên tham gia dự kiến trong quá trình thực hiện dự án không?

  • Sự phối hợp: Dự án có được thực hiện dưới sự phối hợp với các tổ chức khác (nghiên cứu và phát triển, khối doanh nghiệp) – với tổ chức trong nước và quốc tế?

  • Khả năng thực hiện/năng lực tổ chức: Dự án có khung thời gian thực hiện khả thi và dự trù ngân sách chi tiết không? Năng lực thực hiện dự án của đơn vị dự thi thế nào? Nhóm dự án có khả năng thực hiện sáng kiến đề xuất không, trong đó bao gồm khả năng huy động nguồn nhân lực, phương tiện làm việc và đóng góp tài chính (nếu có)?

  • Tính bền vững: Dự án có khả năng tiếp tục sau khi nguồn tài trợ VID kết thúc không? Dự án cần nhận được sự hỗ trợ của cộng đồng và thu hút sự tham gia của những người thụ hưởng.


Những mốc thời gian chính

  • 07/03/2011: Lễ phát động Chương trình

  • 14 – 30/03/2011: Các Hội thảo Giới thiệu Chương trình
    (04 Hội thảo giới thiệu Chương trình được tổ chức tại Hà Nội và các tỉnh thành khác trong cả nước)

  • 05/05/2011: Hạn chót nhận đề án dự thi

  • 05 – 24/05/2011: Lựa chọn đề án vào vòng Chung khảo
    Các đề án được xem xét dựa trên những tiêu chí đánh giá nêu ở phần trên để lựa chọn ra những đề án vào Vòng Chung khảo.

  • 25/05/2011: Công bố danh sách những đề án vào Vòng Chung khảo
    Đại diện những đề án vào Vòng Chung khảo được thông báo và mời tham gia sự kiện chính của VID 2011 để trình bày ý tưởng đề án trước Ban Giám khảo Vòng Chung khảo.

  • 14 – 15/06/2011: Sự kiện chính của VID 2011: Vòng Chung khảo, Lễ trao giải và Diễn đàn Tri thức.

Ban Giám khảo độc lập gồm những chuyên gia hàng đầu của Việt Nam và quốc tế được Ban Tổ chức mời đánh giá từng đề xuất dự án và lựa chọn dự án để tài trợ thực hiện.

Những thông tin chung về Chương trình Ngày Sáng Tạo Việt Nam

Chương trình Ngày Sáng Tạo Việt Nam là Chương trình thường niên do Ngân hàng Thế giới đồng tổ chức với một đối tác của Chính phủ Việt Nam cùng với sự hỗ trợ của các nhà tài trợ đa phương, song phương và khối doanh nghiệp. Chương trình tìm kiếm và cung cấp nguồn tài trợ như những nguồn hỗ trợ ban đầu cho các ý tưởng nhỏ có tính sáng tạo về phát triển ở cấp địa phương được đánh giá là có khả năng tạo ra những tác động nhất định trong lĩnh vực phát triển.

Chương trình Ngày Sáng Tạo Việt Nam được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2003. Sau đó Chương trình này đã trở thành sự kiện thường niên. Chủ đề mỗi năm được nghiên cứu trên cơ sở tham khảo ý kiến rộng rãi về các vấn đề được công chúng quan tâm, là trọng tâm và ưu tiên quốc gia trong chương trình của chính phủ và rất đa dạng như Hành động vì cuộc sống an toàn hơn (2003), Các sáng kiến phòng chống HIV/AIDS (2004), Hành động vì môi trường (2005), Sáng tạo vì trẻ em và thanh thiếu niên thiệt thòi (2006), An toàn Giao thông (2007), An toàn Thực phẩm (2008), Tăng cường minh bạch và trách nhiệm, giảm tham nhũng (2009) và Biến đổi khí hậu (2010).

Từ khi bắt đầu đến nay, Chương trình nhận được ngày càng nhiều đề án dự thi, có ngày càng đông đối tác và nhà tài trợ. Đã có gần 1.600 đơn dự thi đến từ khắp nơi trong cả nước hưởng ứng chương trình trong 8 năm qua, cho thấy khối lượng lớn các giải pháp sáng tạo trong nước nhằm khuyến khích phát triển và giảm nghèo. Từ năm 2003 đến nay đã có gần 40 nhà tài trợ đã tham gia cùng Ngân hàng Thế giới để đồng tài trợ cho chương trình. Tổng cộng các nhà tài trợ đã đóng góp hai phần ba số lượng giải thưởng. Hơn 2,4 triệu đô la Mỹ đã được trao cho 231 dự án sáng tạo trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

Nhà tài trợ chính của Chương trình năm nay:

  • Cơ quan phát triển Quốc tế Úc
  • Đại Sứ quán Đan Mạch
  • Bộ Phát triển Quốc tế (Vương quốc Anh)
  • Đại Sứ quán Phần Lan
  • Chương trình Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID)



Xem dowload Mẫu đơn đăng ký dự thi Ngày sáng tạo Việt Nam 2011: "Sáng tạo vì công bằng xã hội và tăng trưởng bền vững" tại đây:
  
tác giả Cục phát triển Doanh nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư 

Ký kết Thỏa thuận hợp tác giữa Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hà Nội (HBA) và Hội Doanh nhân người Việt Nam (ASSOEVI) tại Italia, ngày 17/09/2012.
Hình ảnh nổi bật